Nhà sáng lập của Hindenburg đã tạo dựng tên tuổi và kiếm tiền bằng cách nhắm vào những công ty mà ông cho rằng được định giá quá cao, mập mờ về tài chính.
Theo CNN, sẽ không có gì ngạc nhiên khi nhà sáng lập một công ty đầu tư có tên Hindenburg chỉ tìm kiếm những cổ phiếu sẽ sụp đổ.
Trong những năm qua, ông Nate Anderson – nhà sáng lập của Hindenburg Research – tạo dựng tên tuổi bằng cách nhắm vào những công ty mà ông cho rằng được định giá quá cao và mập mờ về tài chính.
“Rất khó để tìm thấy một cổ phiếu bị định giá thấp, bởi thị trường đang thừa tiền. Đã lâu rồi chúng ta không chứng kiến một đợt suy thoái hoặc điều chỉnh thực sự bền vững”, ông Anderson trả lời CNN.
Ông Nate Anderson – nhà sáng lập của Hindenburg Research. Ảnh: Wall Street Journal. |
Truy tìm lỗ hổng tài chính
Tên tuổi nhà sáng lập Hindenburg được biết đến nhiều nhất sau vụ việc của công ty xe tải điện Nikola hồi năm ngoái. Gần đây, ông đã nhắm đến công ty khởi nghiệp EV Lordstown Motors và công ty thể thao giả tưởng DraftKings.
Ba công ty đều kịch liệt phủ nhận hầu hết cáo buộc của ông Anderson. Tuy nhiên, Nikola đã thừa nhận bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ điều tra. Lordstown cũng mới thông báo về việc giám đốc điều hành và giám đốc tài chính đột ngột từ chức.
Cả ba công ty đều có điểm chung. Đó là họ đã IPO thông qua SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt).
Nếu có tài chính vững chắc và tự tin vào triển vọng của công ty, các vị sẽ muốn IPO thông qua con đường truyền thống. SPAC có xu hướng đầu cơ cao
– Ông Nate Anderson, nhà sáng lập của Hindenburg Research
SPAC là một công ty séc khống hay công ty rỗng (công ty mới thành lập, không có kế hoạch hay mục tiêu kinh doanh cụ thể).
Một nhóm nhỏ nhà đầu tư sành sỏi hoặc chuyên gia đầu ngành (gọi chung là nhà sáng lập SPAC) niêm yết SPAC, sau đó tìm kiếm các công ty chưa niêm yết để mua lại hoặc sáp nhập.
Qua đó, SPAC có thể đưa doanh nghiệp ra đại chúng mà không cần thông qua quy trình IPO truyền thống tốn kém và mất thời gian.
Cách thức này ngày càng phổ biến đối với các công ty muốn IPO. Đó là lý do ông Anderson nghi ngờ SPAC.
“Nếu có tài chính vững chắc và tự tin vào triển vọng của công ty, các vị sẽ muốn IPO thông qua con đường truyền thống. SPAC có xu hướng đầu cơ cao”, ông Anderson bình luận.
“Tôi vẫn chưa tìm thấy một SPAC tốt, nhưng vẫn đang cố giữ tinh thần cởi mở. Nếu thấy một thỏa thuận SPAC tốt, tôi sẽ rất vui”, ông nói thêm.
Gây tranh cãi
Trước khi thành lập Hindenburg vào năm 2018, ông Anderson đã làm việc cho công ty dữ liệu thị trường FactSet và một số quỹ đầu tư. Ông cho biết thường bị thu hút bởi việc tìm kiếm các âm mưu lừa đảo, rửa tiền và mô hình Ponzi.
“Tôi luôn có niềm đam mê với việc đào bới và điều tra”, ông thừa nhận.
Đội ngũ 5 người của Hindenburg, bao gồm ông Anderson, thường dành ba đến sáu tháng để nghiên cứu một cổ phiếu trước khi phát hành báo cáo về nó.
Đôi khi, công ty cũng mời các chuyên gia tư vấn đến để trợ giúp cho những trường hợp chuyên biệt hơn, nhất là với cổ phiếu Trung Quốc.
Công ty cũng tập trung vào các công ty vừa và nhỏ, thay vì cố gắng tìm hiểu xem liệu những cổ phiếu công nghệ lớn có đáng để bán khống hay không.
Ông Anderson tạo dựng tên tuổi bằng cách nhắm vào những công ty mà ông cho rằng được định giá quá cao. Ảnh: Wall Street Journal. |
“Một số công ty đã rất phổ biến, chẳng hạn Apple, Facebook, Google và Tesla. Chúng ta có thể tìm ra những thông tin tạo ra tác động hoàn toàn mới không? Điều đó có ít khả năng xảy ra hơn”, ông Anderson giải thích.
Sau khi điều tra các công ty nhỏ, Hindenburg sẽ đưa ra báo cáo chi tiết, giải thích lý do công ty đề xuất vị thế bán khống.
Tuy nhiên, điều đó vẫn không ngăn được các cáo buộc nhắm vào Hindenburg. Nhiều người cho rằng thông qua những báo cáo, công ty đã tìm cách đẩy giá cổ phiếu xuống và kiếm lời từ việc giá giảm.
Nguyên nhân là Hindenburg thường bán khống các cổ phiếu mà công ty chỉ trích và kiếm được tiền sau khi giá giảm. Cụ thể, các nhà đầu tư bán khống sẽ vay cổ phiếu từ bên trung gian để bán khống.
Khi tới hạn, họ mua cổ phiếu với giá rẻ hơn để hoàn trả. Như vậy, những nhà giao dịch bán khống sẽ hưởng lãi chính bằng khoản giảm giá của cổ phiếu. Nhưng nếu giá cổ phiếu tăng, họ phải chịu lỗ.
Trên Change.org, các nhà đầu tư của những công ty bị Hindenburg nhắm đến cũng kiến nghị SEC điều tra Hindenburg, bao gồm đơn từ các nhà đầu tư của Ideanomics – một công ty công nghệ tài chính của Mỹ – với hơn 12.000 chữ ký.
“Hầu hết đều muốn cổ phiếu tăng giá. Nhiều người sẽ có phản ứng thái quá với các thông tin tiêu cực. Tôi không đồng ý với những lời chỉ trích. Nhưng tôi ủng hộ quyền được chỉ trích”, ông Anderson chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Anderson vẫn lo lắng về việc thị trường đang quá cao và những cổ phiếu mà ông nhắm vào sẽ vọt lên. “Có quá nhiều nhà đầu tư tin rằng: ‘Lần này sẽ khác’ và một số cổ phiếu chắc chắn không bao giờ lao dốc”, ông Anderson bình luận.
“Thái độ đó sẽ không bao giờ có kết cục tốt đẹp”, ông cảnh báo.
Nguồn: News.zing.vn