Người LGBT ở Trung Quốc sống khép mình, cố gắng lấy vợ

0
51

Theo tác giả James Cummings, cộng đồng LGBT ở Hải Nam (Trung Quốc) chịu nhiều định kiến, không được coi trọng. Họ phải giấu xu hướng tính dục để sống “cuộc sống bình thường”.

“Ah Kang, lại đây! Tôi sẽ dẫn anh đến chỗ chúng tôi hay chơi mạt chược”, Ah Tao, người đàn ông 29 tuổi sống ở thành phố Gia Định (Hải Nam, Trung Quốc), gọi tôi giữa quảng trường.

“Chúng tôi” mà Ah Tao nói tới là những người đồng tính nam trên đảo, giống như anh ấy, Với mục đích tìm hiểu đời sống của cộng đồng LGBT tại Hải Nam, tôi ngỏ lời nhờ Ah Tao làm dẫn đường cho mình.

Khác với các thành phố lớn ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu, cộng đồng LGBT ở hòn đảo nằm ở bờ biển phía nam đại lục 30 km không thực sự được đón nhận, phải sống khép kín và che giấu xu hướng tính dục trước xã hội.

nguoi lgbt ket hon de che giau xu huong tinh duc anh 1

Khác với ở Bắc Kinh hay Thượng Hải, cộng đồng LGBT tại tỉnh Hải Nam vẫn vấp phải nhiều định kiến, không được xã hội chấp nhận. Ảnh: The Beijinger.

Che giấu danh tính

11 năm trước, tôi dành 12 tháng học tiếng Trung ở Hải Nam và tiếp xúc với cộng đồng LGBT ở địa phương. Từ trải nghiệm đó, 8 năm qua, tôi bắt tay nghiên cứu về cuộc sống của những người đồng tính, song tính và chuyển giới ở địa phương ít giá trị kinh tế và văn hóa này.

Vài năm qua, chính phủ có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy du lịch ở Hải Nam nhưng chưa có sự đầu tư ở mức độ tương tự các vùng duyên hải khác.

Ah Tao dẫn tôi rời khỏi quảng trường, băng qua một khu chợ trống trải rồi rẽ vào một con hẻm tối tăm. “Khi tới đó, đừng đề cập gì tới chuyện đồng tính, dị tính”, anh cẩn thận căn dặn.

nguoi lgbt ket hon de che giau xu huong tinh duc anh 2

Đa số phải che giấu danh tính để có thể hòa nhập với cộng đồng, tiếp tục cuộc sống bình thường. Ảnh: New York Post.

Tôi chợt nhớ lại năm 2009, lần đầu được bạn bè đưa đến quán bar dành cho người đồng tính duy nhất ở Hải Khẩu – thủ phủ của tỉnh Hải Nam.

Nơi đó nằm nép mình sau một khách sạn bỏ hoang, bị che khuất bởi một dãy khách sạn đang hoạt động khác. Sau này, tôi mới biết đó là điểm chung của những không gian dành cho cộng đồng LGBT – kín đáo, khuất tầm nhìn.

Với những người ngoài, các khu vực này hoàn toàn vô hình, khó tìm. Nhưng với những người như Ah Tao, đây lại là địa điểm duy nhất để rũ bỏ mặt nạ, sống thật với chính mình.

“Dù vui hay buồn, tôi đều tới các quán bar này để thư giãn. Cộng đồng LGBT ở đây không có nhiều không gian như vậy đâu”, Xiaomai, một người đồng tính nam 19 tuổi, nói.

Tuy nhiên, các quán bar như trên chỉ tồn tại ở các thành phố lớn trên đảo. Tại các thị trấn nhỏ hơn, họ chỉ có thể gặp gỡ, trò chuyện ở các quàn trà, cửa hàng tiện lợi và công viên. Nguy cơ bị phát hiện, kỳ thị, ảnh hưởng tới danh dự, gia đình và công việc cũng lớn hơn.

Vì vậy, Ah Tao dặn tôi không được đề cập một chữ nào liên quan tới “đồng tính”.

Nối gót Ah Tao vào một cửa hàng tiện lợi ở ngã tư trong con hẻm tối, tôi nhìn thấy ba bàn mạt chược điện nhiều người vây quanh, đàn ông, phụ nữ đủ cả. Trông thấy Ah Tao, họ quay sang hỏi han chuyện yêu đương, kết hôn.

“Trông vậy, nhưng nam giới ngồi đây đều là người đồng tính cả”, Ah Tao nói nhỏ với tôi.

Theo đó, vì muốn tham gia các hoạt động cộng đồng, nhiều người đồng tính ở Hải Nam chấp nhận che giấu danh tính, giả thành một con người khác.

Nỗi lo “không vợ, không con”

“Làm gì có vợ con đâu mà dạo này ít tới vậy?”, một phụ nữ đang đánh mạt chược quay sang hỏi Ah Tao.

Thực tế, những người đồng tính nam ở đây thường xuyên nhận được những câu hỏi mang ý tò mò chuyện hôn nhân như vậy. Áp lực chuyện gia đình, con cái luôn hiện hữu, nhắc nhở Ah Tao rằng anh đang sống “không vợ, không con”.

Nhiều người trong cộng đồng lo sợ rằng họ buộc phải kết hôn, sinh con theo kỳ vọng của gia đình và xã hội.

“Tôi hạnh phúc khi được kết bạn, làm quen với nhiều người giống mình. Nhưng tương lai thì sao? Tôi nên đối mặt với gia đình thế nào, giải thích ra sao về chuyện 20-30 tuổi vẫn chưa kết hôn?”, Xiaomai trải lòng.

nguoi lgbt ket hon de che giau xu huong tinh duc anh 3

Một số người đồng tính sống ở Hải Nam chọn có con nhờ mang thai hộ, giúp giảm bớt áp lực về chuyện kết hôn và nỗi lo cô đơn khi về già. Ảnh: The Guardian.

Tại Trung Quốc, quan niệm gia đình truyền thống vẫn có ảnh hưởng sâu sắc trong xã hội. Với nam giới, họ cần có trách nhiệm kết hôn, sinh con nối dõi bằng mọi giá.

Ngoài ra, do lo sợ tuổi già không có người chăm sóc, nhiều người đồng tính nam chấp nhận kết hôn.

“Tôi lấy vợ một phần vì bố mẹ, một phần vì sợ bản thân không có người chăm nom lúc về già”, Liang Zongwei (24 tuổi), người đồng tính nam sống ở Hải Khẩu, nói.

Một số cá nhân như Ah Long (36 tuổi), chủ một nhà máy ở đông bắc Hải Nam, chọn cách có con nhờ mang thai hộ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện tài chính để thực hiện biện pháp này.

Ở các thành phố lớn, các tổ chức hoạt động xã hội đang nỗ lực thay đổi định kiến, nâng cao nhận thức xã hội về cộng đồng LGBT. Nhưng với các tỉnh thành chưa được đầu tư về kinh tế – văn hóa như Hải Nam, sự hiện diện của người đồng tính vẫn chưa được nhìn nhận đúng.

Từ trải nghiệm làm bạn với Ah Tao và tiếp xúc với văn hóa LGBT ở Hải Nam, tôi ngẫm nghĩ nhiều hơn về cuộc sống, tự hỏi liệu phải che giấu con người thật có thực sự là “sống” hay không.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn