Người Mỹ gặp khó vì giá cả tăng nhanh hơn thu nhập

0
49

Khi nền kinh tế Mỹ phục hồi từ đại dịch, các công ty tăng lương để thu hút người lao động. Tuy nhiên, mức tăng của thu nhập vẫn không theo kịp giá cả.

Các công ty từ nhỏ đến lớn tại Mỹ đang tăng lương để giữ chân và thu hút người lao động khi nền kinh tế vực dậy từ cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo CNN, những khoản thu nhập béo bở đó bị ảnh hưởng đáng kể khi lạm phát gia tăng.

Theo phân tích của giáo sư kinh tế Jason Furman tại Đại học Harvard, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, thu nhập của người lao động thực tế thấp hơn so với hồi tháng 12/2019.

Nếu tính đến lạm phát, chỉ số chi phí việc làm – đo lường tiền công và tiền lương, sức khỏe, hưu trí và các phúc lợi khác – đã giảm trong quý II/2021 và thấp hơn 2% so với mức trước đại dịch. “Nền kinh tế tăng nóng nhưng giá tăng nhanh hơn tiền lương”, giáo sư Furman bình luận.

Nguoi lao dong My anh 1

Thu nhập của người lao động tăng cao khi nền kinh tế Mỹ bật dậy từ cuộc khủng hoảng do Covid-19. Tuy nhiên, lạm phát khiến thu nhập thực tế lao dốc so với mức trước đại dịch. Ảnh: Reuters.

Lạm phát tăng nhanh

Chỉ số chi phí việc làm không bị biến dạng như những thước đo khác, chẳng hạn chỉ số thu nhập trung bình theo giờ. Bởi nó giữ các lực lượng lao động không đổi. Chỉ số thu nhập trung bình theo giờ dao động trong thời kỳ đại dịch. Nguyên nhân là những công nhân thu nhập thấp bị mất việc vào đầu đại dịch và hiện đã trở lại làm việc.

Nếu không tính đến lạm phát, tiền lương của người lao động tăng 2,8% trong khoảng tháng 3 đến tháng 6 năm nay, bất chấp tỷ lệ thất nghiệp tương đối cao. Theo Cục thống kê Lao động Mỹ, số việc làm đang được tuyển dụng ở mức cao kỷ lục. Nhưng giá cả cũng tăng vọt. Xăng, xe cộ và thực phẩm đều trở nên đắt đỏ hơn.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,9% vào tháng 6 và 5,4% trong 12 tháng qua. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ giữa năm 2008, theo dữ liệu liên bang.

Theo khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan, ngày càng nhiều người Mỹ la ngại về việc giá nhà, xe và đồ gia dụng tăng cao.

Nguoi lao dong My anh 2

Nguồn cung nhà ở không theo kịp nhu cầu đã đẩy giá nhà tại Mỹ tăng phi mã trong năm qua. Ảnh: Reuters.

Nguồn cung nhà ở và lãi suất thấp đã đẩy giá nhà tại Mỹ tăng cao trong năm qua. Theo CNN, vào tháng 6, giá trung bình của một căn nhà có sẵn đạt mức cao kỷ lục 363.300 USD, tăng 23% so với năm ngoái, đánh dấu tháng thứ 112 tăng liên tiếp.

Theo Bloomberg, doanh số bán thịt tại các cửa hàng tạp hóa ở Mỹ đã giảm hơn 12% so với một năm trước. Nguyên nhân là giá cả leo thang không ngừng kể từ tháng 10/2020. Giá thịt bò xay bán lẻ ở Mỹ đã tăng khoảng 6% kể từ trước đại dịch. Giá gà nguyên con và sườn lợn tăng lần lượt 9% và 15%, theo dữ liệu chính thức.

Đối với bà Eudelia Pena, 48 tuổi, thịt đã trở thành món ăn xa xỉ. Bà sống cùng chồng và một trong ba đứa con ở thành phố New York. “Chúng tôi từng đủ tiền mua hai con gà mỗi bữa. Nhưng giờ, tôi chỉ mua một con và phải chia đôi”, bà Pena than vãn.

Xu hướng ngắn hạn

Tuy nhiên, ông Richard Curtin – chuyên gia kinh tế phụ trách khảo sát – cho biết đa số tin rằng việc tăng giá chỉ là ngắn hạn, trong khi tình hình tài chính của họ đang cải thiện đáng kể.

“Giá nhà không có khả năng giảm do điều kiện nguồn cung thắt chặt. Nhưng tôi cho rằng giá có thể tăng với tốc độ chậm hơn vào cuối năm nay”, ông Lawrence Yun, nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội Môi giới Quốc gia Mỹ (NAR), bình luận. Theo ông, lý tưởng là giá nhà tăng tương ứng với mức tăng của thu nhập.

Lương thưởng (được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát) giảm ở hầu hết ngành nghề. Tuy nhiên, ngành giải trí và dịch vụ khách hàng là ngoại lệ. Theo phân tích của giáo sư Furman tại Đại học Harvard, các nhà tuyển dụng đang tranh giành để tìm người lao động, đẩy lương và phúc lợi tăng 1,6% so với tháng 12/2019.

Nếu lạm phát chỉ là tạm thời, sự sụt giảm trong tiền lương thực tế cũng không kéo dài lâu

Tim Duy, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu SGH Macro Advisors

Trong khi đó, người lao động tại các công ty cung cấp những dịch vụ cơ bản như điện, nước, khí tự nhiên và dịch vụ chất thải bị giảm thu nhập 1% so với tháng 12/2019.

Mức lương thực tế của người lao động ngành giáo dục và y tế lao dốc 0,8%. Tỷ lệ là 0,7% và 0,6% đối với lĩnh vực sản xuất và vận tải, kho bãi.

Câu hỏi đang gây tranh cãi là sự gia tăng mạnh của lạm phát sẽ kéo dài bao lâu. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lập luận rằng vấn đề này chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế khẳng định nó sẽ kéo dài lâu hơn.

Tuy nhiên, nếu tốc độ gia tăng lạm phát giảm đi, người lao động có thể hưởng mức lương cao hơn. “Nếu lạm phát chỉ là tạm thời, sự sụt giảm trong tiền lương thực tế cũng không kéo dài lâu”, CNN dẫn lời ông Tim Duy, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu SGH Macro Advisors, nhận định.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn