Người phụ nữ ở TP.HCM tặng 2.000 bánh Trung thu cho trẻ em khó khăn

0
33

Tết Trung thu đến khi thành phố còn đang giãn cách xã hội, chị Cao Hường quyết định đặt hàng nghìn bánh Trung thu và suất quà tặng các em nhỏ.

tang banh trung thu cho tre em anh 1

Nhận thấy nhiều trẻ em đang phải trải qua tình cảnh khó khăn, chị Cao Hường (30 tuổi, quận Phú Nhuận) đã quyết định đặt mua bánh, kẹo và sữa để làm quà cho các em vào dịp Tết Trung thu như một sự ủng hộ tinh thần trong lúc dịch bệnh.

“Tôi cũng có một tuổi thơ khó nhọc, chiếc bánh Trung thu từng là điều mơ ước xa xỉ. Vì thế nên tôi muốn mang niềm vui san sẻ cho các em nhỏ thiếu nhi, giúp các em có được một cái Tết Trung Thu trọn vẹn dù trong lúc dịch bệnh thế này”, chị Cao Hường chia sẻ.

Quà cho em nhỏ và người vô gia cư

Nhớ về kỷ niệm ngày bé khi đến dịp Trung thu, cả nhà chỉ có thể chia nhau một chiếc bánh bé xíu, chị Cao Hường biết rằng có không ít trẻ em tại TP.HCM cũng đang trải qua những tháng ngày khó khăn tương tự.

“Ngày xưa chỉ ăn được miếng bánh nho nhỏ mẹ mua về ngày trăng rằm thôi vẫn khiến tôi cảm thấy vui và ấm áp. Bây giờ nhìn mọi người gặp bế tắc, mình cũng muốn chung tay giúp đỡ phần nào đó”, chị nói.

Đợt vừa rồi, khi được người bà con là chủ của xưởng sản xuất tại Nam Định gửi vào tặng 100 chiếc bánh Trung thu khiến chị Hường nhớ đến câu chuyện của mình lúc bé. Người phụ nữ này quyết định nhờ chị họ đặt thêm 900 chiếc bánh nữa để tặng trẻ em nghèo và những người vô gia cư.

Thành phố giãn cách nghiêm ngặt, ban đầu chị Hường gặp khó khi tìm xe vận chuyển bánh Trung thu từ Nam Định vào. Việc mang bánh đến trao cho các em nhỏ cũng gặp trở ngại vì không có giấy đi đường.

Song, khi tìm xe vận chuyển đường dài, chị Hường tình cờ biết được một công ty vận chuyển đang làm từ thiện. Họ đã đồng ý hỗ trợ giúp chị mang bánh đến cho người dân.

Sau khi giải quyết được vấn đề vận chuyển, chị Hường lại nhờ sự giúp sức của bè bạn tìm đến các xóm lao động, nhập cư để xác minh, thống kê danh sách, số lượng để mua thêm bánh, kẹo, sữa… Nhờ có sự giúp sức của nhiều người mà số quà được phát đi rất nhanh.

Trong đợt đầu tiên, 1.000 chiếc bánh Trung thu với nhiều hình dáng, loại nhân khác nhau gửi tặng người vô gia cư và hàng trăm đứa trẻ ở các xóm lao động khó khăn. Không thể tặng trực tiếp, chị Hường chỉ có thể nhìn ngắm niềm vui của lũ trẻ qua các tấm ảnh do bạn bè đi trao quà chụp lại.

“Nhìn ảnh lúc nhận được bánh, các em nhỏ vui vẻ, có đứa còn thì nhảy cẫng lên khiến tôi thật sự xúc động. Nó giống như niềm hạnh phúc của mình trong những mùa Trung thu ngày còn bé”, chị Hường nói.

Do công việc bận rộn nên hiện tại, chị sắp xếp tặng các phần quà đến các em nhỏ bao gồm sữa, bánh, và bim bim. Mỗi phần gồm 5 bịch sữa, và hai bịch bánh xốp. Chị Hường cũng đã đặt mua thêm 1.000 bánh Trung thu chuyển từ Nam Định vào để tặng thêm cho các em trong những ngày sắp tới.

Công việc từ thiện lúc dịch bệnh

Từ ngày dịch bùng phát trở lại, công việc của chị Cao Hường cũng bị ảnh hưởng khá nhiều, tiệm phun xăm của chị phải tạm ngưng trong thời gian dài. Tuy nhiên, chị vẫn cân bằng tài chính nhờ vào các khóa đào tạo online cho học viên.

Với chị Hường, nghề phun xăm thẩm mỹ đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật, thế nên chị đã quyết tâm xây dựng một chương trình đào tạo bài bản. Bên cạnh việc dạy online, chị Hường cũng tổ chức các lớp học cuối tuần miễn phí để kết nối mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm làm nghề và mở rộng các kiến thức chuyên môn.

Lớp học trực tuyến miễn phí của chị đã thu hút gần 200 thành viên tham gia. Điều này khiến chị tin rằng những kiến thức có ích cho mọi người và càng có thêm động lực cho công việc giảng dạy của mình.

“Mình không giúp được bằng tiền, bằng thức ăn thì mình cho họ kiến thức để biến nó thành một cần câu cơm. Điều vui nữa là học viên của tôi cũng góp sức, là mạnh thường quân cho nhiều đợt làm từ thiện mùa dịch”, chị Hường bày tỏ.

Thời điểm đầu dịch, người dân gặp khó khăn vì khan hiếm rau củ, chị đã tạm ngưng việc dạy học để đi mua rau về phát cho mọi người. Người phụ nữ này nhập rau từ nơi khác về để đem tặng các gia đình khó khăn, vừa giải cứu được nông sản vừa giúp mọi người có thêm rau củ cho bữa cơm.

Trong lần đó, ngoài vận chuyển được hơn một tấn rau củ từ Đồng Tháp, chị Hường còn nhận được quyên góp của bà con miền Tây hỗ trợ TP.HCM như là gạo, nước tương, dầu ăn, đường,… Sau nhận rau về, chị và cô giúp việc phân các loại rau và chia đều thành các phần để đem tặng cho người dân khó khăn tại các khu trọ.

Chưa kể, chị Hường cùng với nhiều người bạn lập nhóm nấu ăn, mỗi ngày gửi hàng chục suất cơm để hỗ trợ cho các y bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện quận Gò Vấp. Nấu được khoảng 10 ngày thì nghe tin một bác sĩ bị nhiễm Covid-19 nên bệnh viện ngưng nhận thức ăn từ thiện để đảm bảo an toàn. Mọi người chuyển hướng đặt các phần ăn từ công ty chuyên nghiệp để trực tiếp gửi đến bệnh viện.

Chia sẻ về những lần làm từ thiện, chị Hường cho biết cũng gặp không ít khó khăn khi thiếu dụng cụ nấu ăn hay thiếu nhân lực. Việc tặng rau cũng trở ngại trăm bề khi chuyển về thành phố số lượng rau lớn, toàn bộ quá trình phân loại, sắp xếp hơn một tấn rau củ đều do chị và cô giúp việc cùng làm.

“Không có kinh nghiệm nên tôi nghĩ đặt càng nhiều loại càng tốt, không ngờ việc sắp xếp tại tốn thời gian, sợ nhất là mình làm chậm, rau củ hư hết. Lúc đó mới thấu hiểu nỗi khổ của những người bán rau”, chị chia sẻ.

Hiện, sau chương trình phát bánh Trung thu cho trẻ em, chị Hường lên kế hoạch sẽ tiếp tục một số công việc từ thiện, hỗ trợ nhân viên y tế và cả giúp đỡ người khó khăn.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn