Tự làm nến không khó nhưng tốn khá nhiều thời gian mày mò để có được sản phẩm ưng ý.
Tự làm nến không khó nhưng tốn khá nhiều thời gian mày mò để có được sản phẩm ưng ý.
Đọc sách, tập thể dục, chăm sóc cây cối là thú vui mới của người trẻ trong mùa dịch. Bên cạnh đó, nhiều người bắt đầu học làm nến như một liệu pháp tinh thần.
Làm nến giúp thư giãn đầu óc sau khi làm việc, rèn luyện sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Thành quả của việc này có thể sử dụng để trang trí và làm quà tặng bạn bè.
Làm nến để thư giãn, giết thời gian
Minh Thùy (26 tuổi, TP. Thủ Đức) vừa nghỉ công việc văn phòng thì cũng là lúc giãn cách xã hội. Cô tìm đến việc làm nến để thư giãn trong thời gian ở nhà buồn chán.
“Khi có quá nhiều thời gian ở nhà, tinh thần dễ bị tiêu cực hoá. Vậy nên mình nghĩ cần tìm việc gì đó để làm, để dùng thời gian một cách có ích hơn. Và mình chọn làm nến” – Minh Thùy chia sẻ.
Hồ Tấn Tài (24 tuổi, Tân Bình) từng được bạn bè tặng nến thơm và rất thích nên đã tự mày mò làm trong mùa dịch.
“Làm nến là việc đầu tiên mình nghĩ khi có thời gian rảnh vì nó thiết thực. Nến thơm có thể dùng để trang trí phòng và cũng tốt cho sức khoẻ. Việc làm nến thơm đòi hỏi sự tập trung, tỉ mỉ và chính xác, rất phù hợp với tính cách của mình. Nó cũng là cách giết thời gian hiệu quả mùa dịch” – Tấn Tài cho biết.
Làm 39 cốc nến mới ưng ý
Vì tự mày mò làm nên Tấn Tài gặp rất nhiều khó khăn. Anh bật mí phải làm thứ đến cốc thứ 39 mới thấy ưng ý.
“Nhiều loại tinh dầu mình mua về không chất lượng nên khi làm nến dễ bị hỏng. Nó cũng khiến phạm vi toả hương không được rộng. Thế là mình mày mò nghiên cứu cách kết hợp các loại tinh dầu. Mình đã làm thất bại tới cốc thứ 39 mới vừa ý”.
Minh Thùy cũng gặp khó khăn khi mua phải tinh dầu không tốt, không hoà tan với sáp nến và bị đọng ở đáy nến. Cô còn “làm khó” mình bằng cách tự làm lọ đựng nến bằng chất liệu xi măng. Vì thế, Minh Thùy gặp phải những cảnh như trộn xi măng lỏng nên lọ bị vỡ khi lấy ra khỏi khuôn, chống thấm chưa đủ nên dầu bị thấm ra khỏi lọ.
Tuy vậy, thành quả của những ngày tìm hiểu, nghiên cứu và tỉ mỉ làm từng chút rất xứng đáng với nỗ lực và công sức bỏ ra.
Kinh nghiệm tự mua tinh dầu, sáp và bấc nến
Khi mới bắt đầu làm, Tấn Tài và Minh Thùy dành nhiều thời gian để nghiên cứu về các nguyên liệu làm nến, tự tìm mua các loại tinh dầu, sáp nến trên mạng.
Minh Thùy chia sẻ kinh nghiệm trong việc chọn 3 nguyên liệu quan trọng trong việc tự làm nến:
- Tinh dầu: Khi mới bắt đầu làm, nên chọn làm những mùi cơ bản như: vanilla, white tea, peach…Sau khi thành thục rồi, hãy thử kết 2-3 loại tinh dầu khác nhau để cho ra một mùi mới.
- Sáp nến: Sáp đậu nành được nhiều người dùng vì khả năng lưu hương tốt, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên sau 1 thời gian làm nến, Minh Thùy nhận ra sáp đậu nành dễ tan lại có bề mặt xù xì, không đẹp mắt. Vì thế, cô kết hợp sáp đậu nành cùng với sáp ong, sáp cọ để khắc phục vấn đề trên.
- Bấc nến: Hiện tại bấc nến trên thị trường có 2 loại: bấc cotton và bấc gỗ. Bấc gỗ làm nến trông có vẻ vintage hơn, lúc đốt có âm thanh lách tách nho nhỏ khá thú vị. Tuy nhiên, nó không đảm bảo cháy đều như bấc cotton.
Tự làm nến đơn giản với bộ kit
Nếu không có quá nhiều thời gian để mày mò, nghiên cứu, bạn có thể chọn cách khác nhanh chóng hơn. Ngọc Mai (28 tuổi, Bình Thạnh) đã mua một bộ kit tự làm nến trên trang thương mại điện tử. Tốn khoảng 300.000 đồng, cô có đầy đủ các dụng cụ như sáp ong, cốc đựng nến, tinh dầu hữu cơ, bông bấc và giá đỡ bấc.
Khi đã có đủ nguyên liệu, Ngọc Mai sẽ theo cách bước sau:
- Đun cách thủy sáp nến với nước đến khi sáp tan hoàn toàn
- Cho tinh dầu vào và khuấy liên tục một chiều trong 2 phút.
- Đổ từ từ sáp nến và tinh dầu vào hũ thuỷ tinh đã được cố định bấc nến ở giữa. Sau hơn 4 tiếng sáp sẽ đông lại. Lúc này bạn có thể tuỳ ý trang trí bằng hoa khô hoặc trái cây sấy khô.
Ngọc Mai tốn khoảng 3 tiếng buổi tối để hoàn thành sản phẩm.
Cô từng bị bỏng nhẹ ở ngón tay vì không cẩn thận lúc đun sáp nến nhưng vẫn hài lòng với thành quả.
“Vì lần đầu làm nên mình chưa biết cách căn lượng tinh dầu và sáp nến sau cho hợp lý, nến làm xong chưa có mùi thơm như mong muốn. Nhưng mình thấy rất vui nên sẽ tiếp tục thử làm thêm”.
Bạn Hân Nguyễn (28 tuổi, Bình Thạnh), chủ một shop nến online chia sẻ: “Bình thường, mặt hàng bán chạy hơn của shop là nến thơm. Tuy nhiên trong mùa dịch, các bạn trẻ lại quan tâm đến các loại kit tự làm nến ở nhà. Nến làm ra có thể không hoàn hảo như nến mua sẵn nhưng bù lại, trải nghiệm tự mày mò làm khiến nhiều người thích thú”.
Hiện tại, shop của Hân Nguyễn nhận được khoảng 10-15 đơn đặt hàng mỗi ngày. Khi trao đổi với khách, cô cũng lưu ý rằng vì khó gọi shipper trong thời gian giãn cách xã hội nên sản phẩm có thể giao muộn hơn dự kiến.
Ngoài ra, Hân cũng bật mí bí kíp là sau khi làm xong, hãy để nến “nghỉ” trong vòng 2-3 ngày rồi hãy đem ra sử dụng. Bạn cũng nên cắt ngắn bấc nến còn khoảng 0,5 cm trước mỗi lần đốt để ngọn lửa được ổn định.
Nguồn: News.zing.vn