Một số người Việt tại Singapore bày tỏ sự lạc quan về cuộc sống bình thường mới, sau khi chính phủ nước này thông báo đang chuẩn bị cho kế hoạch sống chung với đại dịch.
“Tôi nghĩ việc sống chung với đại dịch là một phương án hợp lý. Thật sự thì tôi rất mong chờ về kế hoạch này”, Minh Phương, sinh sống và làm việc ở Singapore đã được 8 năm, nói với Zing về kế hoạch sống chung với Covid-19 của đảo quốc này.
“Nếu Covid-19 không thể biến mất hoàn toàn thì con người bắt buộc phải thích nghi với nó. Khi mình ở thế chủ động, được chuẩn bị đầy đủ, thì việc phòng tránh hay chữa trị cũng sẽ tốt hơn rất nhiều”, Minh Phương nói.
Trước đó, Straits Times vào sáng 24/6 đưa tin ba bộ trưởng của Singapore – bao gồm bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp, bộ trưởng Tài chính và bộ trưởng Y tế – cho biết nước này đang chuẩn bị cho kế hoạch chung sống với Covid-19, coi đây như một căn bệnh tái phát, có thể kiểm soát được.
Theo đó, sau khi tiêm vaccine diện rộng, các quy định kiểm dịch sẽ dần được nới lỏng. Người dân sẽ được phép tụ tập đông người vào một số dịp như quốc khánh hoặc giao thừa. Các doanh nghiệp cũng sẽ không phải lo lắng về hoạt động bị gián đoạn do phong tỏa.
Trong trạng thái bình thường mới, người mắc Covid-19 có thể tự điều trị bệnh ở nhà, vì một khi đã được tiêm vaccine, triệu chứng xuất hiện là tương đối nhẹ.
Chính phủ có thể không cần phải tiến hành truy vết các trường hợp nghi nhiễm và cách ly những người tiếp xúc với ca bệnh.
Cuối cùng, người dân có thể du lịch trở lại nếu có giấy chứng nhận tiêm chủng. Họ có thể đi đến các quốc gia kiểm soát được Covid-19 và không phải cách ly nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Đón nhận thông tin về kế hoạch này, một số người Việt Nam sống tại Singapore tỏ ra mong chờ. Bên cạnh đó, họ cũng đưa ra những suy đoán, cảm nhận riêng về cuộc sống bình thường mới trong tương lai.
Kế hoạch “đáng trông chờ”
Nguyễn Trâm (28 tuổi), lao động Việt Nam ở Singapore, chia sẻ: “Theo tôi, Covid-19 không phải là đại dịch đầu tiên trên thế giới, nên việc sống chung với dịch bệnh không phải là điều quá mới lạ để thực hiện. Vì vậy, tôi cho rằng việc sống chung với Covid-19 là cách tiếp cận hợp lý. Tôi cảm thấy rất vui khi nghe tin Singapore có kế hoạch này”.
Chị Nguyễn Trâm (28 tuổi), lao động Việt Nam tại Singapore mong chờ trở lại cuộc sống bình thường mới để được tự do du lịch và gặp gỡ bạn bè. Ảnh: NVCC. |
Nguyễn Linh (29 tuổi) đồng tình: “Tôi thấy đây là một điều tích cực và đáng để trông chờ”.
Cả Trâm, Phương, Linh đều tỏ ra tin tưởng vào kế hoạch này.
“Chính phủ Singapore dự tính hoàn thành tiêm chủng Covid-19 cho 70% dân số vào tháng 8, và tôi cũng sắp được tiêm. Tôi nghĩ một khi đã tiêm vaccine thì không cần quá lo. Đúng là người được tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm virus và có có triệu chứng, nhưng sẽ không bị bệnh nặng. Vì vậy, thay vì lo, tôi cảm thấy kỳ vọng và chờ đợi nhiều hơn”, Trâm nói với Zing.
“Singapore đang đẩy mạnh tiêm chủng cho cả công dân lẫn người nước ngoài đang cư trú tại đây. Vì vậy, trong trường hợp việc sống chung bình thường với Covid-19 được áp dụng, tôi cũng không quá lo lắng”, Linh bày tỏ quan điểm.
Linh cũng chia sẻ rằng kể cả trước đại dịch, người Singapore có thói quen xếp hàng ngăn nắp. Họ xếp hàng khi mua trà sữa, xếp hàng khi ăn dimsum, xếp hàng mua đồ mang về và ở siêu thị. Vì vậy, việc dỡ bỏ các quy định giãn cách khi sống chung với Covid-19 cũng không tạo ra quá nhiều nguy cơ.
Dẫu vậy, Linh vẫn có những nghi ngại nhất định. Chị nói: “Hiện tại vẫn chưa thể biết được kế hoạch này sẽ mang lại kết quả như thế nào, vì dịch bệnh vẫn đang diễn biến xấu ở nhiều quốc gia, đặc biệt là với sự xuất hiện của biến chủng Delta”.
“Tôi nghĩ kế hoạch này chưa thể thực hiện ngay được mà nó sẽ diễn ra từ từ. Tùy thuộc vào hoàn cảnh và độ phức tạp của dịch bệnh, chính phủ Singapore sẽ có những điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, kế hoạch này có thành công hay không, tôi nghĩ còn tùy thuộc một phần vào ý thức của mỗi cá nhân, vì Covid-19 là bệnh truyền nhiễm”, Phương bổ sung.
Tin vui cho người lao động
Phương và Linh chia sẻ điều khiến họ mong chờ nhất vào kế hoạch sống chung với Covid-19 là mọi thứ được thông thương trở lại, di chuyển thuận tiện, dễ dàng hơn.
Người dân xếp hàng đứng chờ tại một siêu thị ở Singapore. Ảnh: NVCC. |
Trâm cũng có kỳ vọng tương tự về cuộc sống bình thường mới. Chị mong chờ lại được đi du lịch, được tụ tập cùng bạn bè, trở lại văn phòng để làm việc, tham gia các sự kiện âm nhạc, thể thao lớn để giải tỏa áp lực. Chị cũng tin rằng đây không chỉ là tin vui đối với mỗi cá nhân mà còn là tín hiệu tốt cho nền kinh tế.
“Nếu cứ tiếp tục chống dịch như hiện tại, tôi lo nền kinh tế sẽ không thể tiếp tục đứng vững trước áp lực. Ngay cả một nền kinh tế mạnh như Singapore cũng đang phải gồng mình rất nhiều”, Trâm nói.
Chị tin rằng kế hoạch sống chung với Covid-19 ở Singapore, nếu tính về lâu dài, là cách tiếp cận đúng đắn và phù hợp để hạn chế ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân và sự phát triển chung.
“Bản thân tôi thấy mình khá may mắn vì làm việc cho một công ty ổn định. Tuy nhiên, rất nhiều người bạn của tôi đã bị cắt lương, mất việc và trở về nước”, Trâm kể.
Singapore vốn là nước nhập khẩu lao động nhiều nhưng giờ đã ngừng nhập cảnh do đại dịch, cắt đứt nhiều cơ hội việc làm cho người Việt Nam và người nước ngoài khác. Vì vậy, việc Singapore tiến tới sống chung với Covid-19 có thể mang những cơ hội đó trở lại với người lao động, Trâm nói.
Không thể quay lại cuộc sống trước đây
Theo Trâm, dù có trở lại cuộc sống bình thường mới, thế giới vẫn sẽ không thể trở lại trạng thái như trước khi có đại dịch.
“Dù có trở lại cuộc sống bình thường, Covid-19 vẫn sẽ là một ‘vết thương’, vì nhiều người đã mắc bệnh, mất đi người thân, mất việc, trầm cảm,… và điều đó không sẽ không biến mất. Con người có thể tiến về phía trước và tận hưởng cuộc sống như trước đây, nhưng sẽ không bao giờ quên giai đoạn khó khăn này của đại dịch”, chị nói.
Đường phố Singapore vắng lặng trong những ngày đầu chống dịch. Ảnh: NVCC. |
Bên cạnh đó, sau gần hơn một năm quen sống trong đại dịch, Trâm cũng có những điều sẽ cần thay đổi hoặc thích nghi trở lại khi quay về cuộc sống bình thường mới.
“Tôi nghĩ tôi sẽ hơi nhớ khoảng thời gian làm việc ở nhà. Tôi có nhiều thời gian hơn và linh hoạt hơn để nấu nướng, tập thể dục, chăm sóc bản thân. Sau này trở lại công sở, tôi sẽ phải có mặt đúng giờ và tốn nhiều thời gian để di chuyển”, Trâm nói.
Với Phương, chị tin rằng trong cuộc sống bình thường mới, mọi người sẽ phải tập xem Covid-19 như một bệnh cảm cúm thông thường, khi hầu hết người dân đều đã tiêm chủng. Dẫu vậy, cuộc sống vẫn không thể nào tự do như trước đại dịch.
“Tôi đoán dù kế hoạch sống chung với Covid-19 có thành công đi nữa, việc tụ tập quá đông người cũng sẽ bị hạn chế”, Phương nói.
Linh cũng có chung suy nghĩ: “Tôi cho rằng dù có trở lại trạng thái bình thường mới, các vấn đề về di chuyển, du lịch, cách ly vẫn sẽ có những quy định sao cho phù hợp”.
Giá trị từ đại dịch
Trâm tin rằng qua đại dịch này, mọi người cũng biết trân trọng và quan tâm đến sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần hơn, dù sau này Covid-19 có trở thành điều bình thường và không còn là mối đe dọa lớn nữa.
“Nếu trước đây, câu nói ‘Dạo này khỏe không?’ có thể chỉ là một câu chào hỏi xã giao, thì tôi tin là từ giờ trở đi, ngay cả khi chúng ta sống chung bình thường với Covid-19, câu nói đó sẽ biểu thị cho sự quan tâm chân thật của người nói đến sức khỏe của mọi người xung quanh”, Trâm nói thêm.
Ngoài ra, chị cũng tin rằng đại dịch đã để lại cho con người nhiều bài học và nhiều giá trị, mà khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, mọi vẫn sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy.
“Tôi nghĩ sau này, con người sẽ chi tiêu một cách cẩn thận và tiết kiệm cho tương lai hơn vì không biết lúc nào một đại dịch tương tự như Covid-19 sẽ lại ập tới. Bên cạnh đó, các giá trị nhân văn mà chúng ta thấy trong đại dịch, sau này có thể ít đi, nhưng tôi tin chúng sẽ không biến mất”, cô nói.
Nguồn: News.zing.vn