Nguy cơ nhiễm nCoV qua thực phẩm

0
80

TS Lê Quốc Hùng khuyến cáo việc lây nhiễm SARS-CoV-2 qua thực phẩm hiếm xảy ra nhưng người dân cần thận trọng khi tiếp xúc.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 4, nhiều địa điểm như cửa hàng thực phẩm, siêu thị, các chợ truyền thống… trở thành ổ dịch lớn. Điều này khiến người dân lo lắng về nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 qua thực phẩm.

SARS-CoV-2 có thể sống trên bề mặt thực phẩm

Lý giải về nguy cơ mắc Covid-19 qua thực phẩm, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết SARS-CoV-2 không thể tồn tại trong thực phẩm nhưng chúng có khả năng xuất hiện tạm thời và sống trên bề mặt của thực phẩm.

“Ví dụ như một người bán thịt tươi sống là F0 chưa được phát hiện. Trong lúc sơ chế, người này vô tình ho, hắt hơi khiến virus dính lên miếng thịt hoặc túi nylon, hộp đựng. Lúc này người mua nhận hàng từ tay F0 và chạm tay vào bề mặt chứa virus”, TS Hùng phân tích.

nguy co nhiem nCoV qua thuc pham anh 1

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Ảnh: Phương Lâm.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết vấn đề khác biệt là khả năng sống của virus sống trên các bề mặt khác nhau. Một số thực phẩm chúng không tồn tại được hoặc chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.

Ông khẳng định đến hiện nay, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy SARS-CoV-2 có tồn tại trên bề mặt thực phẩm, nhưng chúng không thể phát triển trong các thực phẩm, kể cả thực phẩm đông lạnh.

“Về lý thuyết, khả năng lây nhiễm trực tiếp từ đồ ăn uống, thực phẩm tươi sống, rau củ quả, nấu nướng là rất hiếm. Do đó, người dân không nên quá lo lắng, không cần xịt khuẩn lên thực phẩm”, TS Hùng cho biết.

Nguyên nhân mắc Covid-19 từ thực phẩm

TS Lê Quốc Hùng lý giải Covid-19 được gây ra bởi virus SARS-CoV-2. Đây là một virus RNA bao bọc sợi đơn, có khả năng biến đổi thường xuyên tạo ra các biến chủng mới có khuynh hướng ngày càng dễ lây lan và độc lực dường như cũng ngày càng tăng hơn.

Covid-19 là bệnh đường hô hấp. Do đó, đường lây truyền là qua tiếp xúc giữa người với người, tiếp xúc trực tiếp với các giọt đường hô hấp tạo ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc các chất tiết.

nguy co nhiem nCoV qua thuc pham anh 2

Chuyên gia nhận định virus SARS-CoV-2 không tồn tại trong thực phẩm, nguy cơ lây nhiễm qua thực phẩm rất thấp. Ảnh: Freepik.

Khi vào cơ thể, gai protein S của virus sẽ bám dính với các thụ thể ACE2 trên bề mặt của tế bào niêm mạc đường hô hấp trên và xâm nhập vào tế bào thông qua quá trình hợp nhất màng.

Sau quá trình này, virus xâm nhập vào tế nào và phóng thích đoạn RNA để thực hiện quá trình sao chép, tạo ra nhiều virus mới. Cứ như thế, chúng xâm nhập sâu và rộng vào cơ thể vật chủ.

“Dựa vào cơ thế, chúng ta thấy SARS-CoV-2 không tồn tại trong thực phẩm. Nhưng khi nhận hàng hóa, người dân cần vệ sinh tay sạch sẽ, thường xuyên sau khi nhận thực phẩm và trước khi ăn”, TS Hùng khuyến cáo.

Chuyên gia này cho biết nguyên nhân lây nhiễm của các bệnh nhân có liên quan thực phẩm là bàn tay tiếp xúc virus mới bám trên bề mặt thực phẩm, hàng hóa. Nếu không vệ sinh tay hoặc sát khuẩn nhanh, việc chạm tay vào miệng, mũi, mắt… sẽ tạo điều kiện cho virus theo đường này xâm nhập vào cơ thể.

Ngoài ra, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại và lây nhiễm thông qua không khí, việc tiếp xúc trực tiếp với người giao hàng, tiểu thương không giữa khoảng cách an toàn, không đeo khẩu trang đúng cũng có thể là nguyên nhân lây bệnh.

TS Lê Quốc Hùng khuyến cáo thêm khi mắc Covid-19, thời gian ủ bệnh trung bình từ 5-7 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn nhiễm. Thời gian ủ bệnh cũng có thể rất biến động tùy theo chủng virus gây bệnh.

Một số bằng chứng cho thấy thời gian ủ bệnh dài nhất là 28 ngày. Đối với biến chủng Delta mới nổi, thời gian ủ bệnh có thể rút ngắn chỉ còn 2-3 ngày.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn