Người bệnh Covid-19 thường bị mất vị giác hoặc khứu giác, làm giảm khả năng ăn uống. Do vậy, họ cần được bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng.
Chị gái tôi là F0 thuộc trường hợp được phép điều trị tại nhà. Vậy chúng tôi cần chuẩn bị chế độ ăn như thế nào để tăng cường sức khỏe, giảm biến chứng nặng, nguy kịch cho chị?
Hương Giang – TP.HCM.
Bộ Y tế
Trong tài liệu Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho người mắc Covid-19 tại nhà, Bộ Y tế cho biết trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc thể nhẹ điều trị tại nhà cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Khi bị mắc Covid-19, người bệnh thường có dấu hiệu đột ngột bị mất vị giác hoặc khứu giác, làm giảm khả năng ăn uống, do vậy, cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh thiếu hụt về dinh dưỡng.
Nếu không bổ sung dinh dưỡng đầy đủ đúng cách, người bệnh sẽ suy dinh dưỡng nặng. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh trở nặng, kéo dài thời gian thở máy và tăng chi phí điều trị.
Nguyên tắc dinh dưỡng cho F0 điều trị tại nhà:
– Dinh dưỡng đầy đủ và cân đối: Bữa ăn cần đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng. Đa dạng loại thực phẩm (nếu được) để duy trì thể trạng, thể chất bình thường. Uống đủ nước (trung bình 2 lít/ ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy.
Hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt (khuyến nghị lượng đường <10% tổng năng lượng ăn vào).
– Bổ sung thêm bữa phụ: Cần bổ sung thêm 1-2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa. Đặc biệt nên bổ sung khi người bệnh ăn kém do sốt, ho, mệt mỏi…
– Nhóm thực phẩm cần tăng cường: Người bệnh nên ăn tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (thịt, cá nạc, đậu đỗ, hạt các loại) để ngăn ngừa teo cơ và tăng sức đề kháng. Bổ sung thêm trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại. Sử dụng gia vị (như tỏi, gừng) để tăng cường sức đề kháng.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh là yếu tố quan trọng cho sức khỏe của bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Newmedical. |
Những điều người bệnh cần lưu ý:
– Không bỏ bữa, cần ăn đủ 3 bữa chính và tăng cường thêm các bữa phụ. Uống đủ nước (trung bình 2 lít/ ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy.
– Không kiêng khem thực phẩm nếu không có dị ứng thực phẩm hoặc theo lời khuyên riêng của bác sĩ. Người có thể trạng gầy, trẻ em cần bổ sung thêm các thực phẩm có nhiều năng lượng và protein như sữa và sản phẩm từ sữa.
– Thực phẩm phải bảo đảm an toàn, vệ sinh. Không dùng thực phẩm ôi, thiu, quá hạn sử dụng. Bảo đảm vệ sinh, luôn rửa tay trước và sau khi chế biến thực phẩm. Nếu sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung, cần theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.
– Tránh đồ ăn, uống có nhiều đường, nhiều muối, rượu, bia. Hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt (khuyến nghị lượng đường <10% tổng năng lượng ăn vào).
Nguồn: News.zing.vn