Cameron Wilson, người từng viết cho Guardian và AFP, chỉ ra những vấn đề khiến nền bóng đá Trung Quốc không đáp ứng được kỳ vọng.
Chuyên gia
Với tiềm lực kinh tế và quy mô dân số lớn, Trung Quốc hội tụ nhiều điều kiện cần để phát triển bóng đá. Tuy nhiên, điều kiện đủ ở đây là tình yêu với bóng đá của số đông công chúng vẫn là điều chưa có được.
Tuyển Trung Quốc được đầu tư nhiều trong thời gian qua, nhưng chưa đem lại thành công tương xứng.
Tuyển Trung Quốc gặp áp lực lớn
Tuyển Trung Quốc có 2 trận đấu gây thất vọng trước Australia và Nhật Bản sau 2 lượt đầu tiên ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Khi đối đầu Việt Nam lúc 0h00 ngày 8/10 (giờ Hà Nội) ở loạt trận đấu thứ ba, tuyển Trung Quốc cần chiến thắng.
Áp lực cho huấn luyện viên (HLV) Li Tie lúc này là rất lớn. Bởi lẽ, khác với Australia hay Nhật Bản, tuyển Việt Nam được nhiều người hâm mộ Trung Quốc xem là đối thủ vừa tầm với đội nhà.
HLV trưởng tuyển Trung Quốc Li Tie có thể mất việc nếu thua Việt Nam. Ảnh: Reuters. |
Ở Trung Quốc, thái độ của các cổ động viên mỗi trận đấu của đội tuyển luôn là vấn đề với các nhà làm bóng đá. Đám đông luôn bốc đồng và thiếu ổn định về cảm xúc.
Mỗi khi tuyển Trung Quốc thắng một trận đấu quan trọng, các cổ động viên bắt đầu mơ về viễn cảnh dự World Cup. Khi tuyển Trung Quốc vào vòng loại World Cup thứ ba khu vực châu Á, niềm hy vọng và sự phấn khích của các cổ động viên lại được dâng cao.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, sự giận dữ sẽ bao trùm khi đội nhà chơi kém. Thậm chí, nhiều người hâm mộ đòi giải tán cả đội tuyển hay Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) sau những kết quả không tốt.
Hai thất bại toàn diện trước Australia và Nhật Bản cho thấy khả năng thật sự của đội tuyển Trung Quốc. Và nếu người hâm mộ nước này chờ đợi màn trình diễn khởi sắc hơn của đội nhà, họ sẽ chờ trận gặp Việt Nam.
Tuyển Trung Quốc hay Việt Nam có thể tự tin hơn khi chứng kiến Oman đánh bại Nhật Bản ở lượt trận đầu. Bóng đá luôn khó đoán trước và nếu tuyển Việt Nam hay Trung Quốc chơi xuất thần, họ có thể gây ra bất ngờ cho các ông lớn.
Hiển nhiên, màn trình diễn của Oman cũng tạo áp lực cho tuyển Trung Quốc. Đội bóng của HLV Li Tie chắc chắn không muốn kết thúc chiến dịch vòng loại World Cup 2022 với vị trí cuối bảng.
Về chất lượng đội hình, tuyển Trung Quốc có vài gương mặt gây chú ý. Wu Lei nhiều năm qua là cầu thủ hay nhất Trung Quốc. Cậu ấy có tài năng, tham vọng cùng sự chuyên nghiệp khi sẵn sàng ra nước ngoài thi đấu.
Đó là điều đáng khen vì đa số cầu thủ Trung Quốc đều không muốn thoát khỏi vùng an toàn, khi chơi trong nước và nhận mức lương hậu hĩnh. Wu Lei chấp nhận sang Tây Ban Nha chơi bóng và trong màu áo Espanyol, cậu ấy là tuyển thủ Trung Quốc có đẳng cấp cao nhất lúc này.
Dù Wu Lei đang không có phong độ cao (chưa ghi bàn hay kiến tạo tại La Liga kể từ đầu mùa), cậu ấy vẫn là chân sút được kỳ vọng. Cái tên khác của tuyển Trung Quốc mà Việt Nam cần lưu ý đó là Wei Shihao.
Chân sút sinh năm 1995 có khả năng tạo đột biến tốt nhờ tốc độ và nền tảng kỹ thuật. Nhược điểm lớn của cầu thủ này là sự ổn định. Tất nhiên, không thể không kể đến các cầu thủ nhập tịch, những người đóng vai trò quan trọng ở tuyển Trung Quốc lúc này.
Tyias Browning, Elkeson, Aloisio và Alan đều là những cầu thủ giỏi, và đã khẳng định năng lực ở giải VĐQG Trung Quốc (Chinese Super League – CSL).
Wei Shihao (đầu tiên từ trái sang) và Alan (cầu thủ nhập tịch) là 2 cầu thủ được tuyển Trung Quốc kỳ vọng trong trận gặp Việt Nam. Ảnh: China Daily. |
Hai mặt của các ngoại binh nhập tịch
Đầu tiên, hãy nói về sự tích cực khi tuyển Trung Quốc nhập tịch các cầu thủ nước ngoài, tôi cho rằng sự hiện diện của các cầu thủ nhập tịch tạo ra tính kết nối giữa bóng đá Trung Quốc với thế giới bên ngoài. Ở điểm này tôi nghĩ điều đó khá tốt trong xu thế toàn cầu hóa của bóng đá thế giới ngày nay.
Tuy nhiên, nó cũng có nhược điểm đó là tạo ra sự ỷ lại cho những nhà làm bóng đá Trung Quốc, trong việc đào tạo, phát hiện và sử dụng cầu thủ trẻ. Bên cạnh đó, nếu cầu thủ nhập tịch không am hiểu văn hóa Trung Quốc hay chỉ đơn thuần chơi cho tuyển Trung Quốc vì tiền, mọi thứ có thể chuyển biến xấu.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và cách đào tạo bóng đá Trung Quốc vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ hệ thống cũ. Nhiều cầu thủ trẻ Trung Quốc được đào tạo theo kiểu “gà nòi”, phương pháp lạc hậu và nặng nề.
Tôi có thể lấy ví dụ nhiều cầu thủ bóng đá có dòng máu Trung Quốc sinh ra ở nước ngoài, sở hữu tiềm năng lớn nhưng không được chú ý. Gần đây, CFA bắt đầu quan tâm hơn đến việc nhập tịch các cầu thủ có gốc Trung Quốc. Tuy nhiên, với lượng người gốc Hoa lớn trên thế giới, tôi cho rằng bóng đá Trung Quốc vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.
Nhiều phụ huynh Trung Quốc không thích con mình chơi bóng quá nhiều. Ảnh: Reuters. |
Lực cản lớn với bóng đá Trung Quốc
Ở những quốc gia có nền bóng đá thành công trên thế giới, chúng ta có thể thấy mẫu số chung là họ tạo ra văn hóa bóng đá đủ mạnh trong cộng đồng. Tại Trung Quốc, văn hóa bóng đá là điều khá xa xỉ.
Phần đông phụ huynh Trung Quốc không muốn con mình dành nhiều thời gian chơi bóng, vì áp lực học hành và thi cử của xã hội là rất lớn. Những đứa trẻ phải giành phần lớn thời gian để học, đạt điểm cao trong thi cử. Sau đó chúng phải vào trường đại học tốt, kiếm công việc có thu nhập cao, bắt đầu mua nhà, mua xe, sinh con rồi chăm sóc cha mẹ già.
Tình yêu bóng đá của người Trung Quốc có thể thay đổi chút ít trong vài năm trở lại đây, nhưng tôi cho rằng làn sóng đó vẫn quá nhỏ. Áp lực cuộc sống khiến người Trung Quốc khó chấp nhận để con cái theo đuổi sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp, nghề rủi ro cao và tất nhiên là khá bấp bênh.
Tất cả nguyên nhân kể trên có thể lý giải phần nào cho năng lực hiện tại của tuyển Trung Quốc. Tham vọng và sự đầu tư về tiền bạc để phát triển bóng đá Trung Quốc rõ ràng là chưa đủ. Các nhà lãnh đạo nước này cần tạo ra văn hóa bóng đá đủ mạnh, để thu hút nhiều đứa trẻ tài năng hơn dấn thân theo nghiệp cầu thủ.
Chỉ có như thế, nền bóng đá Trung Quốc mới có thể mơ về sự phát triển xứng đáng với tầm vóc kinh tế và dân số nước này.
Nguồn: News.zing.vn