Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu 3.200 MW là dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 1/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân ký quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu.
Dự án có công suất khoảng 3.200 MW, gồm 4 tổ máy, mỗi tổ 800 MW. Những hạng mục chính của dự án này là tuabin khí, lò thu hồi nhiệt, tuabin hơi và nhà điều khiển trung tâm.
Trong một cuộc họp với nhà đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng (đứng) cam kết tạo điều kiện thật tốt để DOE thực hiện dự án LNG. Ảnh: Nhật Tân. |
Đầu năm 2020, UBND tỉnh Bạc Liêu trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu 3.200 MW. Dự án thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu do Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) làm chủ đầu tư và tổng thầu là Tập đoàn Bechtel (Mỹ).
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 93.600 tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD). Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 15% và vốn vay chiếm tối đa 85%, trở thành dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài (FDI) lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ trước tới nay.
Nhà đầu tư có 12 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đến cuối tháng 12/2020) để hoàn thành chuẩn bị đầu tư và 36 tháng để triển khai xây lắp khu tiếp nhận, lưu trữ LNG; trạm tái hóa khí, đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tua bin khí giai đoạn 1 (công suất 750 MW) vào cuối năm 2023.
Chủ đầu tư sau đó sẽ tiếp tục xây lắp và đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200 MW trước tháng 12/2027 theo quy hoạch điện VII.
Để thực hiện dự án, ngày 17/6, Ban Quản lý dự án nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu đã thành lập Công ty TNHH Điện khí Bạc Liêu và bổ nhiệm ông Đỗ Bá Cảnh làm tổng giám đốc.
Doanh nghiệp dự án này được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu cấp phép hoạt động ngày 11/6. Trước khi điều hành Công ty TNHH Điện khí Bạc Liêu, ông Đỗ Bá Cảnh từng làm Tổng giám đốc Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 – đơn vị vận hành nhà nhiệt điện khí Phú Mỹ 3, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ông Cảnh cũng từng giữ các vị trí quan trọng tại dự án khí Nam Côn Sơn. Từ năm 2010 đến năm 2015, ông Cảnh là Giám đốc BP Việt Nam, một thành viên của Tập đoàn Năng lượng BP.
Nguồn: News.zing.vn