Nhà sáng lập hãng Ford có ý tưởng về Bitcoin từ 100 năm trước

0
68

Henry Ford từng đề cập đến loại tiền tệ đặc biệt, được đo lường dựa trên năng lượng, tương tự cách con người ngày nay nói về tiêu tốn điện trong khai thác Bitcoin.

Nhà sáng lập hãng Ford Motor, Henry Ford được mệnh danh là “ông vua xe hơi”, người đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của ngành công nghiệp ôtô vào đầu thế kỷ trước.

Cách đây gần 100 năm, ông đã có ý tưởng về một loại tiền tệ đặc biệt, thay thế vàng, phát hành với số lượng giới hạn, dùng cho mục đích cụ thể. Đây là những điều tương đồng với mô tả của Satoshi Nakamoto trong tài liệu giới thiệu Bitcoin.

Ý tưởng “đồng tiền năng lượng”

“Ford sẽ thay thế vàng bằng tiền tệ năng lượng và ngăn chặn các cuộc chiến” là tựa đề bài báo đăng trên tờ New York Tribune, số in ngày 4/12/1921.

y tuong tien ma hoa cua Henry Ford anh 1

Ảnh chụp bài báo nêu ý tưởng “đồng tiền năng lượng” của Henry Ford vào năm 1921. Ảnh: Bitcoin.com.

Ford nổi tiếng với việc phát triển kỹ thuật lắp ráp theo dây chuyền và tạo ra một trong những chiếc ôtô sản xuất hàng loạt đầu tiên của Mỹ. Trong khái niệm “tiền tệ năng lượng”, ông mô tả một loại tiền kỹ thuật số giống như Bitcoin của Satoshi Nakamoto.

Đồng tiền năng lượng của Ford không chỉ được đo lường bằng kWh, ông nêu ý tưởng nó sẽ “phát hành số lượng nhất định và cho một mục đích cụ thể”. Đây là những đặc tính rất giống với mô tả về Bitcoin của Satoshi Nakamoto trong sách trắng ra mắt năm 2008.

Thậm chí Ford còn lên kế hoạch hiện thực hóa ý tưởng tại Muscle Shoals. Đây là con đập thủy điện nằm trên khúc sông nguy hiểm và hoang dã của Tennessee. Nó cung cấp rất nhiều năng lượng, đồng thời kiểm soát lũ lụt và điều tiết nước.

Ông cũng minh họa bằng ảnh chụp một tập đoàn ngân hàng vào năm 1921. Chủ hãng Ford bày tỏ mong muốn thoát khỏi sự kiểm soát của các tổ chức tài chính, tạo ra những tiêu chuẩn mới.

Vài chục năm sau ý tưởng của Henry Ford, nhà kinh tế học Áo, người từng đoạt giải Nobel, Friedrick Hayek cũng nghĩ về một loại tiền tệ dành cho thị trường tự do.

“Tôi không tin rằng chúng ta có loại tiền tốt nếu nó vẫn nằm trong tay các chính phủ. Chúng ta không thể cướp đi từ họ, chỉ có cách là phải tạo ra một thứ gì đó mà họ không thể kiểm soát”, ông trả lời trong cuộc phỏng vấn vào năm 1984.

Ngoài Hayek, Milton Friedman, nhà kinh tế học Mỹ, đã thảo luận về ý tưởng tiền mã hóa. “Tôi nghĩ rằng Internet sẽ là một trong những động lực chính làm giảm vai trò của chính phủ”, Friedman nói trong cuộc phỏng vấn vào năm 1999.

“Một thứ còn thiếu, nhưng sẽ sớm được phát triển. Loại tiền mã hóa đáng tin cậy, một phương pháp trên Internet giúp bạn có thể chuyển tiền từ A sang B, mà không cần A biết B hoặc ngược lại”.

Thay thế vàng, ngăn chặn chiến tranh

Trong bài viết trên New York Tribune, Henry Ford mô tả vai trò của “đồng tiền năng lượng” không chỉ thay thế cho tiền tệ pháp định mà cả vàng – kim loại quý khởi nguồn của nhiều cuộc chiến tranh.

y tuong tien ma hoa cua Henry Ford anh 2

Ý tưởng vĩ đại của Henry Ford tương đồng với tiền mã hóa ngày nay. Ảnh: AP News.

“Nguyên nhân của mọi cuộc chiến là vàng. Chúng tôi sẽ chứng minh cho thế giới thấy 2 điều. Thứ nhất, tính khả thi, thứ hai, thay thế vàng làm cơ sở tiền tệ”, Ford cho biết.

Tuy nhiên, cuối cùng ý tưởng vượt thời đại này không thể trở thành hiện thực vào 100 năm trước. Đồng tiền đo lường bằng năng lượng, thay thế cho vàng không nhận được chấp thuận rộng rãi vào thời điểm đó.

Theo Bitcoin.com, nước Mỹ đang có xu hướng bước vào lĩnh vực tiền tệ kỹ thuật số, thể hiện rõ nhất thông qua hệ thống dữ liệu ngân hàng. Mong muốn loại tiền tệ thay thế cho vàng không chỉ đến từ thị trường tự do mà cả phía chủ nhà băng.

Tiền mã hóa được xem là đối thủ cạnh tranh với hệ thống tiền pháp định do các ngân hàng trung ương chi phối và những gã khổng lồ đầu cơ, tích trữ vàng. Trong quá trình này, coin thể hiện một số ưu điểm mà các tài sản truyền thống không có được.

Theo trang Companiesmarketcap, Bitcoin là loại tài sản lớn thứ 8 hiện nay, dựa trên vốn hóa thị trường. Vị trí hàng đầu do vàng nắm giữ, được định giá 11.161 tỷ USD, trong khi Bitcoin khoảng 1.041 tỷ USD.

Vì vậy, Bitcoin nói riêng và thị trường tiền mã hóa nói chung vẫn còn chặng đường dài để bắt kịp, trước khi thay thế vai trò của vàng trong xã hội loài người.

Bitcoin có tác hại như thế nào tới môi trường? Để khai thác Bitcoin, người ta cần rất nhiều máy đào hoạt động liên tục 24/7. Lượng khí thải carbon từ hoạt động đào Bitcoin tương đương với toàn bộ khí thải carbon của Argentina.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn