Khi lối sống không kết hôn ngày càng phổ biến, các nhà quản lý phải thay đổi quan điểm để tạo môi trường làm việc cân bằng, tôn trọng cuộc sống riêng của nhân viên độc thân.
Eric Klinenberg, tác giả cuốn sách Going Solo, chia sẻ với The Atlantic rằng người độc thân gặp nhiều thách thức ở môi trường công sở.
“Nhiều nhân viên chưa lập gia đình mà tôi đã phỏng vấn nói họ phải làm thêm giờ vì cấp trên nghĩ họ có nhiều thời gian rảnh, không vướng bận gia đình”, ông kể.
Ngoài ra, cơ hội sự nghiệp của lao động cũng có thể bị ảnh hưởng nếu không kết hôn, sinh con.
Nhiều người lao động có thể bị ảnh hưởng cơ hội sự nghiệp nếu chưa kết hôn. Ảnh: iStock. |
Một nghiên cứu gần đây ở Thụy Sĩ cho thấy các nhà tuyển dụng có xu hướng lựa chọn ứng viên nam đã lập gia đình hơn người độc thân.
Thậm chí, việc chưa có bạn đời còn đẩy không ít nhân viên vào tình thế bối rối, bị ghép đôi với nhau tại các sự kiện tập thể.
“Ở mọi bữa tiệc, đồng nghiệp của tôi đều mang vợ, bạn gái tới. Tôi thấy mình như ‘người thừa’ vậy”, Aimee Colton, giám đốc truyền thông, nói.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều người lựa chọn lối sống độc thân. Điều này buộc nhà sử dụng lao động phải thay đổi quan điểm, chính sách để thích ứng, theo Quartz.
Thay đổi quan điểm về gia đình
Dữ liệu thống kê từ Trung tâm Nghiên cứu Pew chỉ ra cứ 10 người Mỹ ở độ 25-54 tuổi thì có 4 người chưa kết hôn. Tỷ lệ này tăng 29% so với năm 1990.
Tại Anh và xứ Wales, tỷ lệ người độc thân hoặc chưa từng kết hôn hiện tại là 35%, tăng thêm 5% so với năm 2002, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia.
Ở châu Á, xu hướng không lập gia đình cũng dần phổ biến. 43% người Hàn Quốc ở độ tuổi 30 chưa kết hôn.
Ngày càng nhiều người chọn sống độc thân để tập trung cho mục tiêu cá nhân, tận hưởng cuộc sống. Ảnh: SupChina. |
Trong khi đó, ở Nhật Bản, tỷ lệ phụ nữ độ tuổi 18-39 chưa kết hôn tăng từ 27% vào năm 1992 lên 41% vào năm 2015. Con số này ở nam giới là 51%, tăng 11% so với số liệu năm 1992.
Đa số nhận định yếu tố kinh tế, chênh lệch giáo dục giữa nam và nữ hay áp lực từ công việc khiến họ ngày càng khó tìm bạn đời.
Thay vì kết hôn, sinh con, họ muốn tận hưởng cuộc sống độc thân và dành sự ưu tiên cho những định hướng khác.
Khi lối sống này được nhiều người hưởng ứng hơn, các công ty buộc phải thay đổi quan điểm để thích ứng.
Thực tế, tới nay, phần lớn nhà quản lý vẫn coi gia đình như yếu tố mặc định khi nói về cuộc sống riêng của nhân viên.
“Trong các buổi hội thảo, đào tạo, người sử dụng lao động thường đặt câu hỏi giả định rằng mọi người đều có bạn đời, con cái”, Bella DePaulo, tác giả cuốn Singled Out, nói.
Bà nhận định các công ty nên bỏ quan điểm “mối quan hệ của nhân viên chỉ giới hạn trong khuôn khổ gia đình truyền thống”.
DePaulo chỉ ra phụ nữ da đen ở xứ cờ hoa có tỷ lệ thấp hơn so với phái nữ thuộc chủng tộc khác.
Tỷ lệ người chọn làm cha, mẹ đơn thân cũng có xu hướng gia tăng. Báo cáo năm 2019 của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 1/4 trẻ em ở Mỹ sống trong các hộ gia đình đơn thân, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Vì thế, Quartz cho rằng thay vì đặt câu hỏi về gia đình, bạn đời của nhân viên, các nhà quản lý có thể chia sẻ về khó khăn mà cấp dưới đang trải qua, dù là trong buổi họp hay cuộc nói chuyện ngoài giờ.
Tôn trọng thời gian cá nhân
Theo Quartz, nhiều nhân viên độc thân gặp khó khăn khi từ chối yêu cầu làm thêm giờ, hay xin cấp trên linh động thời gian làm việc.
Đặc biệt, khi đồng nghiệp đã kết hôn nghỉ phép để chăm sóc gia đình, họ buộc phải đảm nhận thêm trách nhiệm, tăng ca hay nhận thêm dự án.
Điều này được tạp chí Work, Employment and Society đề cập ở một nghiên cứu từ năm 2017.
“Họ cảm thấy mình không thể nói ‘không’ với những yêu cầu từ cấp trên. Việc thay đổi giờ làm, xin nghỉ, từ chối làm việc vào ngày cuối tuần hay ở lại văn phòng sau 21h đều khó khăn hơn những đồng nghiệp có gia đình”, nghiên cứu cho biết.
Nhiều nhân viên chưa kết hôn khó từ chối yêu cầu tăng ca từ cấp trên. Ảnh: Getty. |
Peter McGraw, nhà kinh tế học hành vi ở ĐH Colorado Boulder (Mỹ), đã khởi động dự án A Single Insight nhằm hỗ trợ các lao động chưa kết hôn.
Ông cho rằng các công ty cần thay đổi chính sách nghỉ phép giúp nhân viên có thể tạm dừng công việc để chăm sóc bất kỳ người thân nào, không chỉ riêng bạn đời.
Vấn đề này đặc biệt quan trọng với các nhóm thiểu số như cộng đồng LGBTQ+.
Một khảo sát thực hiện vào tháng 6 năm 2020 bởi Trung tâm Phát triển Mỹ chỉ ra “ít hơn một nửa người dân thuộc cộng đồng LGBTQ+ ở xứ cờ hoa có thể dựa vào gia đình khi ốm đau”.
Theo McGraw, người lao động có thể xin nghỉ phép gia đình để chăm sóc cho một người bạn thân thiết “như vợ, chồng” nếu họ ốm nặng.
“Chính sách hiện hành tại Mỹ chỉ cho phép nghỉ để chăm sóc thân nhân. Nhân viên phải tự tìm cách chăm sóc cho người thân thiết trong tình huống này”, ông nói.
Nguồn: News.zing.vn