Nhật Bản phạt tù, Singapore đánh đòn cho tội vẽ bậy khu du lịch

0
Nhật Bản phạt tù, Singapore đánh đòn cho tội vẽ bậy khu du lịch

Nhiều quốc gia như Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan áp dụng mức xử phạt nặng với các hành vi viết, vẽ bậy lên các công trình lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh và tài sản công.

Mới đây, dòng chữ “Tú love Nhung” khắc ở cột mốc ghi độ cao trên đỉnh Fansipan (Lào Cai) khiến cộng đồng mạng Việt Nam phẫn nộ. Đa số ý kiến bày tỏ sự thất vọng với ý thức của nhiều du khách, trong khi một số khác đặt câu hỏi tại sao những người xung quanh có thể để hành động này diễn ra.

Thực tế, viết hoặc vẽ bậy lên các công trình văn hóa – lịch sử và danh lam thắng cảnh không phải là câu chuyện mới trong cộng đồng du lịch. Vấn nạn này khiến tất cả nhà quản lý di tích phải đau đầu.

Nhat Ban phat tu, Singapore danh don cho toi ve bay khu du lich hinh anh 1
Dòng chữ “Tú love Nhung” ở cột mốc ghi độ cao trên đỉnh Fansipan khiến cộng đồng mạng Việt Nam phẫn nộ.

Khi các danh lam lên tiếng khóc

Cũng giống Hy Lạp, người Ai Cập cổ đại tôn thờ các vị thần. Họ cho rằng những vị thần bảo vệ, che chở cho tất cả, từ con người, thú vật đến cây cối và thậm chí cả nội tạng trong thi thể người đã khuất cũng như nước sông Nile. 

Do đó, họ thường xây những đền thờ rất to để bày tỏ sự tôn sùng. Đền Luxor, một quần thể đền thờ nằm bên bờ sông Nile, là một trong số đó. 

Tọa lạc ở thành phố Thebes cổ xưa, ngôi đền được xây dựng vào năm 1400 TCN. Trong tiếng Ai Cập, tên của công trình này gọi là “ipet resyt”, nghĩa là “nơi linh thiêng phía Nam”.

Nhat Ban phat tu, Singapore danh don cho toi ve bay khu du lich hinh anh 2
Dòng chữ “Đinh Cẩm Hạo đã đến đây” bằng tiếng Trung khắc trong đền thờ 3.500 tuổi ở Ai Cập. Ảnh: AP.

Năm 2013, đền thờ 3.500 tuổi do người xưa để lại xuất hiện dòng chữ khắc bằng tiếng Trung với nội dung: “Đinh Cẩm Hạo đã đến đây”. Sự kiện này khiến người Ai Cập nổi cơn thịnh nộ. Họ cho rằng đây là hành vi kém văn minh, phá hoại và thiếu tôn trọng di tích.

Trong khi đó, cư dân mạng Trung Quốc cũng rất tức giận. Thậm chí, họ còn quyết tâm truy hung thủ đến “chân tơ, kẽ tóc”.

Cũng là nạn nhân của vấn nạn viết, vẽ bậy trong nhiều năm, những nhà quản lý của Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc) đã rất đau đầu với những dấu ấn trên tường. Những hình vẽ trên công trình có từ thời cổ đại của Trung Quốc rất đa dạng, đơn giản nhất là ghi tên riêng, lời tỏ tình. Không chỉ dùng bút, du khách còn dùng dao khắc sâu tên vào đá.

Nhiều khu danh lam thắng cảnh và di tích khác trên thế giới như Yonago (Nhật Bản), cổng The Phea (Thái Lan) hay chùa Thiên Mụ (Việt Nam) cũng không thoát khỏi chuyện du khách ký tên check-in.

Năm 2018, Brimham Rock (Anh), tảng đá cân bằng nổi tiếng thế giới, đã bị hủy hoại bởi 5 thanh niên. Họ đã đùa nghịch và xô đổ tảng đá từ trên đỉnh. Không dừng lại, nhóm khách còn vẽ bậy lên các phiến đá lớn bên dưới.

Công trình tự nhiên này đã vượt qua mọi thiên tai và tồn tại suốt hơn 320 triệu năm nhưng cuối cùng bị phá hủy chỉ sau vài giây bởi nhóm người thiếu ý thức.

Nỗ lực khôi phục nguyên trạng

Tại Việt Nam, sau khi phát hiện dòng chữ “Tú love Nhung”, phía quản lý khu du lịch trên đỉnh Fansipan đã nhanh chóng xóađể phục hồi nguyên trạng cho công trình. Để xử lý, bộ phận kỹ thuật hạ tầng của khu du lịch đã phải dùng máy móc chuyên dụng để chà, mài trên mặt đá đến khi dòng chữ biến mất.

Tuy nhiên, vì cột mốc xây dựng dùng đá tự nhiên nên quá trình này để lại những vết xước tại nơi dòng chữ từng tồn tại.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, bất lực trước vấn nạn viết, vẽ bậy lên Vạn Lý Trường Thành, chính quyền đành phải cho phép các “thợ vẽ” có thể tha hồ phóng tác tại một khu vực nhất định. Nơi được chọn là Mộ Điền Cốc, một trong những đoạn trường thành được bảo tồn tốt nhất, cách trung tâm Bắc Kinh khoảng 70 km về phía Bắc.

Tất nhiên, đi kèm với quyết định này là đội ngũ chuyên dọn dẹp hậu quả do du khách để lại. Tuy nhiên, chuyện để lại dấu ấn ngoài nơi quy định vẫn diễn ra.

Nhat Ban phat tu, Singapore danh don cho toi ve bay khu du lich hinh anh 5
Tình trạng viết, vẽ bậy trên Vạn Lý Trường Thành nhiều đến mức chính quyền Trung Quốc phải khoanh vùng nơi cho phép du khách phóng tác. Ảnh: AP.

Những hối hận muộn màng

Sau khi vụ việc tại đền thờ Luxor bị phát giác, chiến dịch của cộng đồng mạng đã lùng ra danh tính thủ phạm. Người khắc tên lên di tích cổ khi đó là một nam sinh 15 tuổi sống ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô.

Những thông tin cá nhân của Đinh Cẩm Hạo như ngày sinh và trường học của cậu cũng bị công khai trên mạng. Thậm chí, nhóm tin tặc còn tấn công vào website của trường và để lại dòng chữ cùng nội dung nam sinh khắc tại đền Luxor.

Trong bối cảnh đó, cha mẹ của cậu bé đã liên lạc với truyền thông địa phương để xin lỗi công chúng công khai. Họ thừa nhận đã không dạy con tử tế, đồng thời xin xã hội cho cậu một cơ hội. Một phóng viên của Global Times cho hay nam sinh khóc suốt và không thể đi đâu bởi phóng viên vây quanh nhà.

Gần đây hơn, Bobby Browns, ngôi sao bóng rổ nhà nghề Mỹ, cũng phải công khai xin lỗi sau khi viết BB#6 (tên viết tắt và số áo thi đấu) lên Vạn Lý Tường Thành vào năm 2016. 

“Tôi thực sự rất thích Vạn Lý Trường Thành. Tôi đã viết tên mình lên đó bằng phấn, bên cạnh nhiều cái tên khác nhau. Tôi không có ý làm tổn hại tới công trình. Sai lầm này sẽ không bao giờ xảy ra thêm một lần nào nữa”, anh viết.

Trước đó, Bobby đã đăng bức ảnh check-in bằng dòng ký tự lên trên trang cá nhân. Cộng đồng mạng Trung Quốc rất phẫn nộ. Một người dùng Weibo viết: “Anh tự hào về điều này? Vạn Lý Trường Thành là một phần di sản thế giới, không phải toilet nhà anh”.

Sau khi nhận hàng loạt lời chỉ trích, ngoài gửi lời xin lỗi, Bobby cũng gỡ bài đăng.

Nhiều du khách khác như Brittney Schneider (Canada) và Lee Furlong (Anh) trong vụ vẽ bậy lên cổng The Phea ở Thái Lan cũng bày tỏ sự hối hận sau khi vụ việc bị lôi ra ngoài ánh sáng. Tuy nhiên, tất cả nhân vật này đều có điểm chung là xin lỗi sau khi bị phát giác.

Nhat Ban phat tu, Singapore danh don cho toi ve bay khu du lich hinh anh 6
Trước khi bị phá hoại, Brimham Rock là điểm đến nổi tiếng tại Anh. Ảnh: Yorkshire.

Luật pháp không dung thứ

Tại Việt Nam, điều 23 của Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Mức phạt tăng tới 5-15 triệu đồng nếu hiện vật có giá trị dưới 50 triệu đồng, và 30-40 triệu đồng nếu hiện vật có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.

Trong khi đó, ở Nhật Bản, người viết, vẽ lên các di tích văn hóa được bảo vệ có thể bị phạt tù dưới 5 năm hoặc phạt số tiền khoảng 300.000 yên (khoảng 2.700 USD).

Tại Singapore, người vẽ, viết bậy tại nơi công cộng hoặc các di tích sẽ bị bắt. Mức phạt tối đa cho tội này là 2.000 SGD (gần 1.500 USD) hoặc phạt tù tới 3 năm, chịu đánh từ 3 đến 8 roi.

Nhat Ban phat tu, Singapore danh don cho toi ve bay khu du lich hinh anh 7
Vụ án của Michael Fay phá hoại tài sản công ở quốc đảo sư tử làm mối quan hệ Mỹ – Singapore căng thẳng vào năm 1994. Ảnh: DavidHouseFoundation.

Truyền thông thế giới từng sốc với hình phạt này của quốc đảo sư tử vào năm 1994, khi Michael Fay, một thiếu niên người Mỹ, bị quất roi vì phá ôtô và tài sản công cộng tại quốc gia này. 

Cụ thể, tháng 10/1993, một loạt vụ phá hoại và đánh cắp tài sản nhà nước xảy ra trên khắp Singapore. Cuộc điều tra của cảnh sát dẫn họ đến trường Singapore American School, nơi Fay, khi đó 18 tuổi, theo học.

Ban đầu, cậu bị buộc tội với 53 tội danh nhưng sau đó giảm xuống còn 5. Tòa án của Singapore quyết định phạt Fay 4 tháng tù giam, 3.500 SDG và 6 roi.

Bất chấp sự can thiệp từ phía cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, chính quyền Singapore vẫn giữ nguyên hình phạt. Tuy nhiên, số roi cậu phải chịu giảm xuống. Theo BBC, năm 2015, 2 du khách Đức phải ngồi tù 9 tháng và chịu 3 roi vì tội vẽ graffiti lên một đoàn tàu.

Ở Thái Lan, với tội phá hoại công trình cổ, người vi phạm phải đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù và khoản tiền phạt một triệu baht (gần 31.500 USD).

Tại Hàn Quốc, viết, vẽ trái phép lên tài sản công hoặc tư đều bị quy vào tội xâm phạm và phá hoại tài sản. Theo cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc (KNP), người phá hoại tài sản có thể bị phạt 7 triệu won (gần 6.200 USD) và 3 năm tù. Những đối tượng xâm phạm tài sản đối mặt với mức phạt 5 triệu won (khoảng 4.400 USD) và 3 năm tù. Luật pháp Hàn Quốc không loại trừ du khách nước ngoài.

Tại Trung Quốc, mức phạt đối với các hành vi phá hoại công trình cổ, di tích tham quan được pháp luật bảo vệ khá thấp. Nếu thiệt hại không đủ nghiêm trọng để xử phạt hình sự, mức phát tiền chỉ 200 nhân dân tệ (gần 30 USD) hoặc cảnh cáo. Do đó, những vụ phá hoại xảy ra thường xuyên, China Daily nhận định.

Ngắm núi rừng Tây Bắc hoang sơ trên ‘nóc nhà Đông Dương’ Đỉnh Fansipan với độ cao 3.143 m là một trong những đỉnh núi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Chinh phục nơi này là niềm mơ ước của rất nhiều khách du lịch khi đến tham quan Sa Pa.

Nguồn: News.zing.vn