Nhật Bản vừa thu hút khách, vừa lo ứng phó quá tải điểm đến

0
Nhật Bản vừa thu hút khách, vừa lo ứng phó quá tải điểm đến

Vừa xúc tiến du lịch để thu hút khách nước ngoài, Nhật Bản cũng coi việc giải quyết sự quá tải là vấn đề cấp bách, bắt đầu từ các địa phương hoặc điểm đến đang tập trung số lượng du khách quá lớn nhằm tạo cân bằng trong phát triển du lịch.


Trong 5 tháng liên tục vừa qua, số du khách nước ngoài đến Nhật Bản luôn vượt qua con số 3 triệu lượt/tháng. Riêng tháng 7, bất chấp những cảnh báo về siêu động đất tại toàn bộ khu vực rãnh Nankai và cả Tokyo, cùng nắng nóng gay gắt và mưa lũ cục bộ, lượng khách đến Nhật Bản vẫn đạt hơn 3,29 triệu lượt. Trong đó, số du khách Trung Quốc dẫn đầu với hơn 776.000, tiếp theo là Hàn Quốc với hơn 757.000 lượt. 

Không chỉ các lễ hội, các điểm du lịch, điểm vui chơi giải trí… ở Nhật Bản đầy ắp du khách nước ngoài, ngay cả những nơi không phải là điểm du lịch, ví dụ như các công viên nhỏ trong các khu dân cư, hè phố ở các quận xa trung tâm vốn rất vắng lặng, thanh bình, rồi thì sân chơi cho trẻ em… cũng thành những điểm dừng nghỉ cho du khách nước ngoài. Thậm chí, có nhiều du khách nước ngoài uống bia rượu rồi ngủ trên hè phố.

Nhật Bản thu hút rất đông du khách mỗi dịp hoa anh đào nở

Việc lượng du khách tăng cao đang ảnh hưởng lớn tới người dân và doanh nghiệp của các khu vực có đông du khách như Tokyo, Osaka, Yamanashi, Shizuoka, Hokkaido, Okinawa… với hàng loạt vấn đề như: rác thải, xâm nhập khu vực tư nhân để chụp ảnh mà không xin phép, tình trạng quá tải của các cơ sở lưu trú và kinh doanh dịch vụ vận tải, mất trật tự công cộng, thiếu hụt nhu yếu phẩm, dịch bệnh, nguy cơ khủng bố quốc tế trà trộn… Câu chuyện về nhu yếu phẩm là khá nghiêm trọng, vì năm nay Nhật Bản mất mùa do thiên tai ở nhiều nơi, gạo còn không đủ cho nhu cầu trong nước, mà hàng tháng lại có hàng triệu du khách cũng cần được cung cấp thực phẩm.

Điều chỉnh hành vi của du khách

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng số lượng lớn du khách cũng đang mang lại nguồn thu khổng lồ cho Nhật Bản. Thêm nữa, người Nhật vốn lịch sự và hiếu khách nên ở bất cứ nơi đâu, du khách đều được chào đón nồng nhiệt. Một mặt tiếp tục xúc tiến du lịch để thu hút khách nước ngoài, mặt khác Nhật Bản cũng coi việc giải quyết sự quá tải là vấn đề cấp bách; bắt đầu từ việc các địa phương nơi có nhiều khách du lịch nước ngoài phải tự chủ, theo tinh thần “địa phương tự trị” truyền thống. 

Cho đến nay, các cơ quan quản lý du lịch và chính quyền các địa phương của Nhật Bản cũng đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực do tình trạng quá tải du lịch gây ra, bắt đầu từ việc siết chặt luật pháp. Với những vấn đề hoặc hành vi nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật pháp có sẵn, thì người Nhật dùng luật để răn đe, xử lý. Ví dụ như đối với hành vi trộm cắp, hút thuốc không đúng nơi quy định và vứt rác bừa bãi…, đã được quy định trong luật thì cơ quan chức năng Nhật Bản sẽ xử lý theo luật, đồng thời tuyên truyền cho du khách biết những hành vi vi phạm để tránh.

Một khu phố mua sắm đông đúc du khách tại Osaka, Nhật Bản.

Một số vấn đề hoặc hành vi mới phát sinh mà chưa có luật nào điều chỉnh, người Nhật đưa ra những quy định dưới luật để xử lý. Ví dụ như một số quận nội thành của Tokyo hoặc Osaka đã phải đưa ra nhiều quy định mới đối với cư dân và du khách như: cấm tụ tập ban đêm tại vườn hoa, công viên để uống rượu và vui chơi, cấm uống rượu say rồi ngủ ngay trên đường phố, cấm đi xe đạp sau khi đã uống rượu bia… Nói chung, đã có rất nhiều biện pháp mới, nhưng vẫn chưa có biện pháp nào thực sự bền vững và hiệu quả. Tới đây, Nhật Bản sẽ phải tiếp tục đối mặt với tình trạng này khi du khách nước ngoài tiếp tục tăng lên.

Cân bằng trong phát triển du lịch

Theo ông Saito Tetsuo – Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, du lịch là một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển của Nhật Bản, đồng thời là khâu đột phá cho phát triển kinh tế của các địa phương. Thông qua du lịch, người Nhật Bản được tiếp xúc, hấp thu tinh hoa văn hóa của các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, để từ đó, gìn giữ và phát triển văn hóa bản địa. Thêm nữa, trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp như hiện nay, du lịch mang lại một giá trị ngày càng trở nên quan trọng. Đó là góp phần tăng cường giao lưu quốc tế, góp phần làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

Nhật Bản đang tìm cách san sẻ khách du lịch từ những điểm nóng du lịch sang những địa điểm mới hơn. Trong ảnh là thành phố Sakai, cách không xa trung tâm Osaka nhưng lại ít được khách nước ngoài biết đến, dù sở hữu nhiều kỳ quan độc đáo.

Theo dự báo, số du khách nước ngoài đến Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng mạnh. Cơ quan Du lịch Nhật Bản vừa công bố kết quả cuộc điều tra được tiến hành tại 23 nước và vùng lãnh thổ, trong đó cho biết nguyên nhân chính khiến lượng du khách nước ngoài liên tục tăng nhanh là do đồng Yên mất giá, và nhiều người có mong muốn cũng như đủ khả năng chi trả cho chuyến du lịch Nhật Bản. Thêm nữa, Nhật Bản vẫn đang đẩy mạnh hợp tác du lịch với nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Mới đây, tại Hội nghị các bộ trưởng phụ trách du lịch 3 nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, một mục tiêu đầy tham vọng được đặt ra. Đó là, tăng số khách du lịch đến 3 nước từ 30 triệu lượt/năm trong giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 lên 40 triệu lượt/năm vào năm 2030. 

Vừa tiếp tục xúc tiến du lịch, Nhật Bản cũng nỗ lực giải quyết sự quá tải du lịch, hướng tới việc lấy lại sự cân bằng. Nước này tìm cách san sẻ khách du lịch từ những nơi tập trung số lượng du khách quá lớn sang những địa điểm chưa được nhiều du khách đặt chân tới. Hiện nay Nhật Bản đã bắt đầu quá trình này với các bước như: xây dựng và quảng bá các điểm du lịch mới có nhiều di sản hấp dẫn du khách, tăng số lượng các đường bay thẳng nối các địa phương của Nhật Bản với các nước khác, phối hợp với các nước để tận dụng các lợi thế về thiên nhiên và văn hóa vùng miền của các địa phương nhằm tạo thêm giá trị gia tăng cho các sản phẩm du lịch, chia sẻ các thông tin về du lịch.

Tuấn Nhật

Nguồn: Dulichvn.org.vn