Nhiều phụ huynh đánh, mắng con vì không hài lòng với kết quả học tập hoặc khi con làm sai. Hành động này khiến trẻ dễ gặp vấn đề tâm lý.
“Mẹ, con sẽ bỏ nhà đi và đến một nơi mẹ không bao giờ tìm thấy”, Xiaotian, cậu bé 10 tuổi ở quận Tiêu Sơn (Hàng Châu, Trung Quốc), để lại mẩu giấy nhắn sau khi bị mẹ mắng vì chỉ đạt 90/100 điểm trong bài thi Tiếng Anh cuối kỳ.
Cậu bé sau đó được cảnh sát tìm thấy ở bờ sông, The Paper đưa tin.
Vài ngày trước, cảnh sát ở đồn cảnh sát Yaqian, quận Tiêu Sơn nhận được đơn cầu cứu của mẹ cậu bé, báo cáo việc con trai mất tích. Người mẹ kể hôm đó khi Xiaotian đi học về, biết con chỉ được 90 điểm môn thi cuối kỳ, cô đã mắng mỏ bởi bình thường cậu bé luôn có thành tích tốt.
Cậu bé 10 tuổi khóc khi nhìn thấy mẹ. Ảnh: The Paper. |
Cô hoảng hốt khi con trai bỏ đi, để lại chiếc đồng hồ cùng mảnh giấy nhớ trên bàn.
Phòng chỉ huy đồn cảnh sát đã giao cho các nhân viên chia ra đi tìm. Cảnh sát Fang Jian cùng một số đồng nghiệp đi cùng mẹ đứa trẻ đến bờ sông gần nhà họ, phát hiện Xiaotian đang ngồi khóc ở đó.
Vừa nhìn thấy mẹ, cậu bé vừa khóc vừa lao tới, liên tục nói: “Mẹ đừng trách con nữa nhé”.
Cảnh sát đã khuyên nhủ và làm công tác tư tưởng với cả hai mẹ con rồi đưa họ về nhà.
Từng xảy ra nhiều trường hợp các em nhỏ bỏ nhà đi khi bị cha mẹ mắng vì thành tích học tập chưa cao hoặc làm sai. Không ít phụ huynh bị chỉ trích về phương pháp giáo dục khi đánh, mắng, chì chiết con cái chỉ vì không vừa lòng với kết quả học tập.
Con trẻ uất ức khi bị đánh, mắng
Tối ngày 7/9/2020, một người dân Thượng Hải phát hiện một bé gái đi lang thang trên đường. Nghi ngờ bé gái bị lạc, người này đã liên hệ với cảnh sát địa phương, thông báo vụ việc, Sina đưa tin.
Khi đến hiện trường, cảnh sát phát hiện bé gái bị kích động, không chịu phối hợp khi được hỏi thăm. Sau hơn 10 phút thuyết phục, em chịu nói tên là Nữu Nữu, 7 tuổi.
Nữu Nữu tâm sự em bị cha mẹ mắng và luôn tỏ ra không vui khi em làm bài tập sai. Thậm chí, mẹ thường xuyên đánh đập, khiến em bức xúc và muốn về quê nội ở Thiểm Tây. Tối hôm đó, nhân lúc người lớn không để ý, Nữu Nữu bỏ nhà đi.
Với sự giúp đỡ của cảnh sát, Nữu Nữu được bố mẹ đón về nhà an toàn.
Con cái dễ tổn thương khi bị cha mẹ mắng mỏ, đòi hỏi quá cao. Ảnh: The Paper. |
Tháng 7/2019, cậu bé đến từ Vân Nam tên Miao Moucai, khi đó mới 10 tuổi, đã bỏ đi khỏi nhà suốt 24 ngày sau khi bị cha đánh.
Miao Moucai vốn có tính tình ương ngạnh nên cha mẹ cậu không để ý, nghĩ rằng con bỏ chạy một lúc sẽ về nhà. Khi đợi mãi không thấy con về, họ hốt hoảng báo cảnh sát.
Sau 24 ngày, cảnh sát mới tìm thấy cậu bé mặt mũi đen nhẻm đang ngồi bên đường. Sau khi nói chuyện, họ ngỡ ngàng khi biết cậu đã đi bộ từ Vân Nam sang Quý Châu và lang thang khắp nhiều thành phố.
Khi được hỏi tại sao lại lặng lẽ bỏ nhà đi lúc nửa đêm, Miao Moucai nói: “Cháu chỉ muốn đi càng xa càng tốt và không để gia đình tìm thấy”.
Miao Moucai còn ghi nhật ký, trong đó kể chuyện cậu đã nhặt bìa cứng, phế liệu dọc đường đem bán để kiếm tiền. Một lần, do mưa lớn nên cậu bị cảm lạnh, nhớ lại lời cha mẹ dặn lúc trước, cậu tự lên núi tìm lá bồ công anh về nấu nước xông để giải cảm.
Khi đi các làng quê, cậu thường xin hoa quả để ăn cho đỡ đói bụng. Cậu còn làm dụng cụ câu cá và bắt tôm để ăn.
Miao Moucai bỏ nhà đi suốt 24 ngày sau khi bị cha đánh. |
Đến khi được cảnh sát tìm thấy, cậu bé vẫn còn tức giận và không chịu về nhà. Cha cậu đã đến đồn cảnh sát cảm ơn và xin lỗi con trai để cậu về nhà.
“Cảm ơn rất nhiều, nếu không có các anh, chắc tôi đã không thể gặp lại con mình. Sau này tôi nhất định thay đổi phương pháp giáo dục, không đánh đập và mắng nhiếc con nữa”, ông Miao Mohu nắm chặt tay viên cảnh sát, run rẩy nói.
Sau khi được khuyên nhủ, Miao Moucai cũng nhận ra lỗi của mình. Cậu bé hứa sau này sẽ chăm chỉ học tập và không nghịch phá để cha mẹ lo lắng nữa.
Các chuyên gia nhận định, cha mẹ giáo dục bằng đánh, mắng có thể gây tác động xấu đến tâm lý, tính cách của trẻ, đồng thời khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con có khoảng cách.
Đặc biệt, những đứa trẻ thường xuyên bị đánh có kỹ năng xã hội thấp. Do chịu nhiều bạo lực tinh thần và thể xác, trẻ trở nên nhút nhát, nảy sinh tâm lý phản kháng, chống đối.
Haim Ginott, nhà tâm lý học trẻ em người Mỹ, cho biết những lời phê bình, chỉ trích của cha mẹ không giúp các em sửa sai, thậm chí khiến con chán nản hơn trong học tập. Đồng thời, trẻ dễ mất đi lòng tự trọng, sự tự tin khi bị mắng quá nhiều.
“Nhiều trường hợp cha mẹ không nhận ra rằng, dưới sự chỉ trích liên tục, trẻ không thể phát triển theo chiều hướng cha mẹ mong mốn, đôi khi còn gây phản tác dụng”, ông Haim Ginott nói.
Cha mẹ nên là người đồng hành, chấp nhận và chỉ ra những thiếu sót để con cải thiện. Trẻ cần được khuyến khích thay vì chỉ trích. Những lời khích lệ có thể giúp các em cảm thấy bản thân có giá trị, tự tin và làm được nhiều điều có ích hơn.
Nguồn: News.zing.vn