(TITC) – Nhân dịp Tết Đoan Ngọ và Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức một chuỗi các hoạt động trưng bày, trải nghiệm phục vụ khách tham quan và các em nhỏ.
Đây là những hoạt động tìm về cội nguồn xưa, gìn giữ những phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông và góp phần khơi nguồn tinh hoa dân tộc, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, bao gồm: Trưng bày “Tết Đoan Ngọ xưa và nay”, giới thiệu một số phong tục xưa trong dân gian và cung đình, bộ sưu tập quạt đặc sắc, vẽ các danh lam thắng cảnh Thăng Long của nghệ nhân Lân Tuyết (thời gian: từ ngày 24/5/2019 – 9/6/2019); Trưng bày “Trò chơi dân gian Việt Nam” (thời gian: từ ngày 24/5/2019 – 30/6/2019).
Trong đó, có nhiều trải nghiệm, hoạt động dân gian, truyền thống dành cho các em thiếu nhi như: làm quạt đón phúc lành; kết vòng nhận bình an; các trò chơi dân gian: chơi ô ăn quan, chơi chuyền, làm diều, bắn bi, nhảy dây, ném lon, đập niêu đất…
Có một số hoạt động đặc biệt, cần đăng ký trước để Ban tổ chức sắp xếp lịch biểu diễn, bao gồm: múa rối nước; hoạt cảnh lễ ban quạt; giao lưu cùng các nghệ nhân (nghệ nhân làm quạt Lân Tuyết, nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết, nghệ nhân làm thuốc nam Tuyết Mai).
Các hoạt động mở cửa từ ngày 24/5/2019 tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội (19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội).
Đoan Ngọ (Đoan Dương) là tết cổ truyền của Việt Nam và một số quốc gia Đông Á, diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Tuy nhiên, ở mỗi nước lễ này lại mang những sắc thái và ý nghĩa riêng. Ở Việt Nam, dân gian thường gọi là tết nửa năm hay tết “giết sâu bọ”, từ xa xưa đã lưu truyền câu ca dao: “Tháng Năm nhớ tết Đoan Dương Là ngày giỗ mẹ Việt Thường Văn Lang” hay “Tháng Tư đong đậu nấu chè Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm” Tết Đoan Ngọ được xem là tết kỳ lạ nhất của người Việt. Sách Đồng Khánh địa dư chí chép “Tết Đoan Ngọ chuẩn bị đầy đủ rượu và hoa quả lễ tổ tiên từ sáng sớm. Mọi người đều uống rượu, ăn hoa quả, gọi là giết sâu bọ. Hôm ấy người ta hái các loại thuốc cất giữ để sử dụng, hái lá ngải tùy theo năm mà bó thành hình con vật tượng trưng của năm đó…” Bên cạnh các phong tục trong dân gian, các nguồn sử liệu như Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Triều hội điển, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ… cũng cho biết, trong cung đình xưa, tết Đoan Ngọ là lễ thường triều, hoàng đế chịu mệnh trời thực hiện một số nghi lễ như cúng tế các tiên đế, báo hiếu bậc sinh thành, ban yến và ban quạt cho văn võ bá quan, với mong muốn ban phúc lành, sức khỏe, bình an. |
*Một số hình ảnh tại lễ khai mạc:
Tin, ảnh: Thu Thủy
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn