Gần 400 đầu mối có thể cung cấp dồi dào lượng nông sản, thực phẩm đến 31/7 và đang có dấu hiệu dư thừa nhóm hàng trái cây, sản phẩm chăn nuôi và thủy sản.
Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, TP phía Nam (tổ công tác 970) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết đến ngày 25/7, có tổng số 388 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đã đăng ký.
Cụ thể: Rau củ 85 đầu mối, trái cây 102 đầu mối, thủy hải sản 157 đầu mối, lương thực 24 đầu mối, các mặt hàng khác 20 đầu mối.
Trong tổng số 388 đầu mối đăng ký qua tổ công tác 970, sản lượng hàng hóa có thể cung cấp đến ngày 31/7 dồi dào và đang có dấu hiệu thừa nhóm hàng trái cây, sản phẩm chăn nuôi và thủy sản.
Cụ thể, nhóm rau củ tăng đột biến sản lượng là khoai lang tím và khóm (dứa). Trong khi đó dưa leo có dấu hiệu cung vượt cầu. Chanh các loại ghi nhận tăng đột biến.
Nhóm trái cây có số lượng đăng ký tăng cao nhất là nhãn, lượng cung các đầu mối trên 700 tấn/ngày. Nhãn và chuối đang có dấu hiệu khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp thu mua không thể tiếp cận hết các địa bàn.
Dứa là loại rau, củ ghi nhận mức tăng đột biến về sản lượng. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Thủy sản ghi nhận sản lượng tăng nhanh của tôm, cua, cá nước mặn. Số đầu mối sản phẩm chăn nuôi cung cấp ít nhưng có dấu hiệu dư thừa của thịt gà lông trắng, chim bồ câu ở khu vực các tỉnh miền Đông”, tổ công tác thông tin.
Dự báo những ngày sắp tới, các mặt hàng dưa leo, nhãn xuồng, nhãn Idor, khóm, chanh, chuối, khoai lang, gà lông trắng, cua và tôm nước mặn sẽ cung vượt cầu.
Hiện, khả năng cung ứng nông sản của các tỉnh rất lớn. Ước tính sơ bộ cho thấy nhóm rau củ khoảng 1.500 tấn/ngày, trái cây hơn 1.200 tấn/ngày, thủy sản 111 tấn/ngày, thịt gia súc gia cầm 114 tấn/ngày… và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới khi tổ công tác tiếp tục cập nhật danh sách các đầu mối cung cấp.
Tuy nhiên, theo báo cáo của tổ công tác tại 19 tỉnh, đã có một số nhà máy, cơ sở chế biến và giết mổ đang tạm dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ” hoặc không đủ công nhân do phong tỏa. Việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư phục vụ sản xuất vẫn còn bị thắt chặt ở một số địa phương.
Có nơi thương lái rất khó khăn trong đi lại thu mua nông sản. Khâu vận chuyển, phân phối sản phẩm; vận chuyển cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản vẫn còn gặp khó khăn do hoạt động kiểm soát tại các chốt kiểm dịch.
Tổ cũng đề nghị Sở NNPTNT 19 tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản.
Đồng thời đề nghị Sở Y tế các địa phương nên sớm hướng dẫn, hỗ trợ tạo điều kiện an toàn phòng dịch để các cơ sở chế biến giết mổ sớm hoạt động trở lại. Chính quyền các địa phương cũng cần động viên và hỗ trợ các nhà máy chế biến, đóng gói, cơ sở giết mổ đang gặp khó khăn duy trì sản xuất; thường xuyên kiểm tra, rà soát các nguồn cung nông sản; ưu tiên tiêm vaccine và test nhanh Covid-19…
Trong cuộc họp sáng 26/7 với các tỉnh phía Nam, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết: “Đến giờ này, gần 400 cơ sở, hợp tác xã sản xuất, doanh nghiệp đã kết nối. Hiện 24 đầu mối đã khớp với nhau, đa số đồng tình với cách làm của Bộ NNPTNT. Điển hình, một hợp tác xã rau ở Long An đã tiêu thụ được 200 tấn và ký hợp đồng ngay trong đêm”, Thứ trưởng Nam cho hay.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn