Nhiều nét mới trong các lễ hội ở Tuyên Quang

0
151

Mùa xuân đến, Tuyên Quang vào hội. Tiết trời ấm áp như tiếp bước dòng người trảy hội xuân. Du khách ở mọi miền quê đổ về Tuyên Quang lễ đền, dự hội và điều khá thú vị đối với các vị khách là lễ hội diễn ra trong không gian văn hóa đặc sắc, đậm chất tín ngưỡng nhưng không hề có cảnh chen lấn, xô đẩy cướp lộc. Đây là tín hiệu vui với sự phát triển du lịch tỉnh nhà, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, nâng cao đời sống nhân dân.

Toàn cảnh Lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình năm 2017

Ông Nguyễn Vũ Phan, Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang cho biết, mùa lễ hội xuân năm nay thu hút khoảng 300 nghìn lượt khách đến tham quan. Các lễ hội đều do nhân dân làm chủ thể, thể hiện tính nhân văn cao cả, khát vọng chiến thắng nghèo đói của người dân xứ Tuyên. Điều đáng tự hào là lễ hội ở Tuyên Quang gắn với văn hóa truyền thống các dân tộc, đậm chất Tày, Dao, Mông. Mọi người đến với lễ hội luôn nêu cao ý thức giữ gìn an ninh trật tự, không xô đẩy, chen lấn tranh các trò chơi, cướp lộc, cướp quả còn. Vậy nên, mùa hội ở Tuyên Quang là mùa vui, mùa của sự đoàn tụ gắn kết cộng đồng.

Lễ hội năm nay có nhiều nét mới, thể hiện sự sáng tạo của nhân dân mang tính nhân văn cao cả. Các lễ hội chọi trâu, chọi dê, chọi gà không còn cảnh giết vật nuôi như trước, tập tục thiếu văn minh bị đẩy lùi. Trong các lễ hội tổ chức nhiều hoạt động phong phú, tránh sự nhàm chán cho du khách và người dân.

Lễ hội Xuân huyện Lâm Bình năm nay với chuỗi các hoạt động như triển lãm ảnh quảng bá tiềm năng du lịch của huyện; các trò chơi dân gian ngoài đánh cù, tung còn, đánh pam thì năm nay có thêm múa sạp, có gian hàng quảng bá không gian văn hóa người Tày, người Dao. Du khách dự Lễ hội Xuân Lâm Bình được xem người Dao tiến hành Nghi lễ Cấp sắc và hát Páo dung; được xem hát Then, hát Cọi do chính những người nông dân biểu diễn “trực tiếp”. Du khách ngẩn ngơ với ánh mắt trong trẻo của cô gái Tày và hút hồn với cô gái Dao, Mông, Thủy xúng xính trong bộ trang phục truyền thống hát dân ca của dân tộc mình. Anh Nguyễn Tùng Nghĩa đến từ quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội cùng bạn bè đi “phượt” đến dự lễ hội hết lời khen ngợi “gái Tuyên”. Anh bảo rằng, muốn “bắt” một cô về Hà Nội làm vợ. Gái Tuyên đẹp bởi nụ cười và sự tế nhị, rất am hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Anh được các cô gái Tày hát cho nghe làn điệu Then mượt mà, câu Cọi da diết lòng ai…

Lễ hội xuống đồng tại các huyện cũng có nhiều nét mới, được khéo léo đưa vào các hoạt động tôn vinh nghề nông. Ở Nà Hang, Lễ hội Lồng tông xã Năng Khả (Nà Hang) có thêm phần thi tay không bắt cá trên hồ ao; xã Đà Vị còn tổ chức thi trâu bò, khỏe đẹp, tạo dấu ấn trong lòng du khách gần xa. Tại các lễ hội, nhiều món ăn truyền thống, dụng cụ sản xuất đặc trưng của các dân tộc được giới thiệu, trưng bày ở các gian hàng tạo nên sự đặc sắc riêng có của lễ hội ở Tuyên Quang. Có thể nói, đây là cơ hội không nhỏ cho các công ty lữ hành du lịch kết nối các tour du lịch, kết nối du lịch vùng miền.

Anh Nguyễn Tiến Bảo, Giám đốc Công ty Du lịch Hương Việt (TP Tuyên Quang) vừa tổ chức cho một đoàn khách đến Lâm Bình dự hội xuân cho rằng, bản sắc văn hóa là “kho báu” để tỉnh Tuyên Quang phát triển du lịch. Thực tế đã có nhiều khách lựa chọn du lịch khám phá, du lịch văn hóa, tâm linh ở Tuyên Quang và họ đều rất thích thú với không gian văn hóa đặc sắc của người xứ Tuyên. Tới đây, công ty sẽ tiến hành khảo sát để tổ chức du lịch theo hình thức homestay tại Lâm Bình và một số địa phương trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Các lễ hội ở Tuyên Quang được tổ chức chủ yếu trong dịp Tết Nguyên đán mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Tày. Đa phần các lễ hội tổ chức vào ngày nghỉ tạo điều kiện cho tất cả mọi người về dự, trong đó đặc sắc nhất và kéo dài nhất là Lễ hội Thành Tuyên lại diễn ra vào các buổi tối gần Rằm Trung thu, không ảnh hưởng đến cuộc sống, lao động sản xuất của nhân dân. Đây là nét đẹp trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội đã được toàn dân Tuyên Quang hưởng ứng, chấp hành nghiêm túc.

Giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng nét đẹp trong các lễ hội là hướng đi, cách làm của Tuyên Quang. Cách làm này chắc chắn sẽ tạo cú huých để du lịch Tuyên Quang khởi sắc. Với những lợi thế riêng có về thiên nhiên, con người và truyền thống văn hóa, lịch sử, trong tương lai không xa Tuyên Quang sẽ là “nơi đáng sống” nhất do chính du khách lựa chọn.

Bài, ảnh: Thành Công

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn