Nhiều báo cáo chỉ ra mức độ căng thẳng ở sinh viên tăng cao trong đại dịch. Một số người quyết định “gap year” thay vì học online trong thời gian dài.
Từ đầu năm 2020, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên thế giới phải trải qua những thay đổi chưa từng có do Covid-19. Hầu hết trường phải chuyển qua dạy học trực tuyến. Do tình huống khẩn cấp, nhiều sinh viên không kịp chuẩn bị tâm lý cho sự thay đổi này.
Thay đổi hình thức học có tác động nghiêm trọng đến nhiều sinh viên. Đối với các em, khuôn viên trường không chỉ là nơi để học. Nó là nơi cung cấp không gian và cơ hội xây dựng các mối quan hệ xã hội và phát triển nhiều kỹ năng sống. Học online đã hạn chế cơ hội đó.
Đối tượng dễ bị tổn thương do đại dịch bao gồm các sinh viên năm nhất, năm cuối, học online toàn thời gian. Đặc biệt, sinh viên năm nhất dễ rơi vào khủng hoảng vì phải tập quen với môi trường mới chỉ qua màn hình máy tính.
Sinh viên đại học tổn thương vì Covid-19. Ảnh: Inside Higher Ed. |
“Khủng hoảng” năm nhất
Từ tháng 5 đến tháng 9/2021, Beginning College Survey of Student Engagement thực hiện một khảo sát với khoảng 50.000 tân sinh viên tại Mỹ về trải nghiệm ở môi trường đại học. Kết quả cho thấy hơn 50% cảm thấy mệt mỏi về thể chất và tinh thần, 30% có dấu hiệu trầm cảm, khoảng 20% cảm thấy cô đơn, mất tập trung và tuyệt vọng.
Một khảo sát khác với hơn 18.000 sinh viên Mỹ, tập trung vào tác động của Covid-19 đối với sức khỏe tâm lý. Qua đó, 41,8% cho biết các em tìm đến hỗ trợ tâm lý, nhưng phần lớn không có kết quả, thậm chí mọi chuyện còn rắc rối hơn. Một số em cho biết nhà trường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm lý, nhưng hiệu quả không cao.
Đại học North Carolina (Mỹ) cũng thực hiện một khảo sát tương tự với gần 500 sinh viên năm nhất. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã theo dõi tình trạng tâm lý của nhóm sinh viên này trước và sau khi đại dịch bắt đầu. Các em cũng được hỏi thêm về các vấn đề khi học online.
Kết quả, tỷ lệ sinh viên mắc các vấn đề tâm lý từ trung bình đến nghiêm trọng đã tăng 40% so với thời gian trước dịch. Tỷ lệ sinh viên mắc trầm cảm cũng tăng từ 21,5% lên 31,7%. Trong đó, sinh viên da màu là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 89% sinh viên thuộc nhóm này được xác định mắc trầm cảm.
“Sinh viên năm nhất đang vật lộn khi tập làm quen với việc học online. Các em cũng phải chống chọi với việc giãn cách xã hội”, phó giáo sư Jane Cooley Fruehwirth, tác giả nghiên cứu, cho biết.
Giống như nhiều người bạn của mình, Lezette Flores, sinh viên năm nhất tại Đại học California Polytechnic State (Mỹ), đã từng rất hào hứng khi chuẩn bị bước vào môi trường đại học. Bên cạnh việc học, nữ sinh từng đặt mục tiêu tham gia tổ chức phi lợi nhuận để giúp đỡ trẻ em thiếu may mắn. Tuy nhiên, đại dịch đã phá hỏng toàn bộ kế hoạch của cô.
Học kỳ đầu tiên là một thất bại lớn đối với Lezette. Do phải học online, nữ sinh không theo kịp bài giảng và bắt đầu “trượt dài” trong việc học. Cô nhận thấy tiếp cận kiến thức qua màn hình máy tính là điều quá khó khăn. Thậm chí, Lezette không thể qua môn dù đã học rất chăm chỉ.
Học tập sa sút chưa phải là điều tồi tệ nhất đối với Lezette Flores. Do mới chỉ là tân sinh viên, cô không có nhiều người quen ở trường. Nữ sinh gặp khó khăn trong việc kết nối với những người bạn cùng lớp và giảng viên.
Lezette thừa nhận cô có ý định bỏ học vì không thể hòa nhập với môi trường mới. “Tôi bắt đầu có dấu hiệu trầm cảm. Tôi cảm thấy bị đánh gục vì phải học trong môi trường thiếu kết nối như vậy”, nữ sinh nói.
Không chỉ riêng ở Mỹ, nhiều sinh viên năm nhất tại Nhật Bản cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo Asahi Shimbun, quốc gia này đã thực hiện khảo sát và nhận thấy một lượng lớn sinh viên đại học đang phải chịu đựng các vấn đề sức khỏe do đại dịch, bao gồm rối loạn lo âu, cô đơn, trầm cảm, giảm động lực.
Kết quả khảo sát được công bố ngày 10/8. Cụ thể, trong số hơn 7.000 sinh viên tham gia trả lời, 66,7% em cảm thấy lo lắng về tương lai. 45,3% cảm thấy bản thân như đang “thất học” vì lười biếng khi phải học online.
Ngoài ra, 39,2% sinh viên năm hai, những người đã trải qua năm nhất bằng hình thức online, cho biết họ cảm thấy cô đơn và bồn chồn vì không thể kết nối với bạn bè. 22,7% cho biết các em cũng từng nghĩ đến chuyện tự tử.
Mio Shinkawa, sinh viên năm hai tại một trường đại học tư thục ở Tokyo, cho biết em đã trải qua năm nhất mà không thể làm quen với người bạn mới nào.
Năm học thứ hai bắt đầu vào tháng 4/2021, nữ sinh được tham gia lớp trực tiếp mỗi tuần một lần. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, Mio cảm thấy bản thân không hề giống một sinh viên đại học. Tất cả những gì cô biết là lặp đi lặp lại nhiệm vụ “ghi bài” qua màn hình máy tính và hoàn thành bài tập được giao qua mạng.
“Tôi chỉ muốn có cuộc sống bình thường của một sinh viên đại học”, nữ sinh bày tỏ.
Kotono Aihara, 20 tuổi, sinh viên tại một trường đại học nghệ thuật ở Tokyo, cũng phải trải qua năm nhất theo hình thức trực tuyến. Aihara cảm thấy tội lỗi vì cho rằng việc học của cô không xứng với 18.200 USD cha mẹ đã bỏ ra để đóng học phí.
Giống như Mio, Aihara cảm thấy tìm kiếm bạn bè khi học online là điều quá khó khăn.
“Tôi biết vài người bạn cùng trường qua mạng xã hội, nhưng tôi chưa được gặp mặt, thậm chí không biết tên thật của họ”, Aihara nói.
Quyết định “gap year”
Covid-19 đặt ra nhiều thách thức cho sinh viên đại học khi hàng loạt trường phải đóng cửa và chuyển sang hình thức trực tuyến. Do đó, một số em quyết định nghỉ học một năm, hoặc nghỉ nửa kỳ để cân bằng cuộc sống.
Theo CNBC, số học sinh đăng ký vào đại học tại Mỹ giảm 2,5% vào năm 2020. Tỷ lệ nhập học của sinh viên năm nhất cũng giảm 13,1%. Con số này chỉ là 1,4% vào năm học 2019.
Trước đây, nhiều sinh viên trung học chọn “gap year” để nghỉ xả hơi hoặc tham gia những hoạt động theo sở thích trước khi lên đại học. Con số này đã tăng lên đáng kể trong đại dịch.
Nhiều sinh viên không còn đủ khả năng chi trả học phí, một số khác không muốn trải qua quãng đời sinh viên qua màn hình máy tính. Những người khác cho biết họ “gap year” chỉ đơn giản vì kiệt sức và cảm thấy căng thẳng khi phải sống trong đại dịch.
Một số trường ở Mỹ như Đại học Harvard, Đại học Princeton và Đại học Tufts khuyến khích sinh viên năm nhất hoãn việc nhập học. Ước tính, khoảng 340 sinh viên năm nhất ở Đại học Harvard chọn hoãn nhập học vào năm 2020. Con số này cao gấp đôi so với những năm trước khi Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, gap year trước và trong đại dịch không giống nhau. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều quốc gia đóng cửa biên giới và phần lớn dịch vụ để hạn chế lây lan dịch bệnh. Các sinh viên “gap year” phải vật lộn tìm cách mới để tích lũy kinh nghiệm trước khi bước vào đại học.
Marco Balestri, sinh viên chuyên ngành Lịch sử tại Đại học Columbia (Mỹ), đi du học trao đổi ở Argentina và phải trở về nước chỉ sau chưa đầy 3 tuần. Đại dịch ập đến bất ngờ, Macro cùng toàn bộ sinh viên đều được đưa về nước. Nam sinh quyết định nghỉ một học kỳ vì không muốn học online.
Trong thời gian nghỉ, Macro làm việc trong nhóm điều tra về Covid-19 và trở thành tình nguyện viên cho một tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục.
Edith Desantiago, 21 tuổi, tân sinh viên Dallas College (Mỹ) đã dành một năm ở nhà phụ giúp gia đình. Là con cả trong gia đình 4 chị em, Edith cho biết cô sẽ nghỉ học vài năm để giúp gia đình vượt qua cơn khủng hoảng do dịch bệnh. Những lúc rảnh rỗi, nữ sinh nuôi gà để giải khuây.
“Gap year” đã giúp Edith tạm rời xa những căng thẳng và mệt mỏi khi học tập. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nữ sinh chỉ ngủ 5 giờ, toàn bộ thời gian đều dành cho việc học và làm thêm.
Hiện tại, nữ sinh có nhiều thời gian rảnh và bắt đầu tập viết sách. Cô hy vọng có thể xuất bản cuốn sách của riêng mình.
“Tôi có nhiều thứ muốn làm, tôi muốn tập nhảy, tôi muốn chuyển đến Stanford. Tôi đã bắt đầu thực hiện giấc mơ và ‘gap year’ là quyết định đúng đắn nhất từ trước đến nay”, Edith nói với Teen Vogue.
Nguồn: News.zing.vn