TP.HCM và Quảng Châu là hai thành phố ước tính có khoảng 50-60% nhà máy ở dưới mực lũ lụt ven biển vào cuối thập kỷ này.
“Một số lượng lớn các khu vực sản xuất hàng may mặc ở châu Á sẽ chìm trong nước vào năm 2030. Điều này đe dọa đến hàng nghìn nhà cung cấp nếu họ không di dời đến vùng đất cao hơn”, SCMP đưa tin.
Một phân tích gần đây được thực hiện bởi hai nhà nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ), phục vụ cho bài báo do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ủy quyền.
Hai tác giả Jason Judd và J. Lowell Jackson đã viết: “Sự gia tăng nhanh chóng của mực nước biển và nhiệt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều công nhân may mặc của châu Á”.
Họ cho biết thêm một số trung tâm sản xuất hàng may mặc không thoát khỏi sự gia tăng dự kiến của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Nhân viên may mặc làm việc ở Gazipur, Bangladesh. Ảnh: Reuters. |
Bài phân tích bao gồm bản đồ mực nước biển dâng lên tại các thành phố Jakarta (Indonesia), Phnom Penh (Campuchia), Tirippur (Ấn Độ), Dhaka (Bangladesh), Quảng Châu (Trung Quốc), Columbo (Sri Lanka) và TP.HCM. Phân tích cảnh báo rằng vấn đề mực nước biển dâng đang nhận được ít sự quan tâm.
Bản đồ phác họa bức tranh nghiêm trọng nhất ở TP.HCM và Quảng Châu. Ước tính khoảng 50-60% nhà máy tại hai thành phố sẽ ở dưới mức lũ lụt ven biển vào cuối thập kỷ này.
Trong khi đó, các nhà cung cấp lớn, xuyên quốc gia có thể đóng cửa cơ sở ở những khu vực dễ bị tổn thương. Họ cũng củng cố sản xuất ở những nơi cao hơn.
Nhà cung cấp có quy mô nhỏ hơn chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo Shahidullah Azim – phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh, đây là mối đe dọa thực sự. Nhiều nhà máy đang nỗ lực để trở nên bền vững, “xanh” hơn đối với môi trường.
Công nhân may mặc ra khỏi nhà máy ở Dhaka (Bangladesh) bất chấp việc giãn cách toàn quốc Ảnh: Reuters. |
“Chúng tôi không thể chuyển nhà máy đến địa điểm cao hơn trong một sớm một chiều. Chúng ta đang trải qua thời kỳ chưa từng có do đại dịch. Chúng tôi sẽ lấy ngân sách ở đâu? Ai sẽ trả tiền cho chúng tôi?”, Shahidullah Azim chia sẻ.
Saleemul Huq – giám đốc Trung tâm Quốc tế về Khí hậu thay đổi và Phát triển tại Đại học Độc lập (Bangladesh) – cho biết tình hình này kêu gọi hành động khẩn cấp ở cấp độ toàn cầu.
Mục đích của lời kêu gọi nhằm giảm lượng khí thải, hạn chế sự nóng lên. Đồng thời cung cấp kinh phí cho người lao động để họ thích ứng với các tác động bất lợi của khí hậu.
Nguồn: News.zing.vn