Luật sư nhận định nhóm người mang quan tài đi đòi nợ có thể bị xử phạt do vi phạm quy định về trật tự công cộng hoặc xử lý hình sự về một trong 2 tội danh theo luật định.
Chiều 17/11, một nhóm khoảng 20 người mang quan tài tới nhà bà N. ở xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, để đòi nợ. Theo cơ quan chức năng, những người này la hét, chửi bới rồi khiêng quan tài để trong sân nhà bà N. nhằm yêu cầu người phụ nữ ra làm việc về khoản nợ khoảng 24 tỷ đồng.
Nhiều người đã đến theo dõi sự việc. Công an xã Đức Minh sau đó đã có mặt, giải tán đám đông và mời một số người về trụ sở làm việc.
Với hành vi mang quan tài đến đòi nợ, những người liên quan sẽ bị xử lý ra sao?
Luật sư Lưu Kiều Trang – Phó giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự
Hành vi tụ tập đông người, mang quan tài tới nhà rồi chửi bới, la hét, xúc phạm người vạy tiền nhằm đòi nợ là hành vi có tính chất đe dọa, uy hiếp tinh thần, gây hoang mang cho gia đình bà N. và làm náo loạn, ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Cơ quan chức năng cần vào cuộc để xác minh, làm rõ nguyên nhân, mục đích, động cơ, hậu quả của hành vi này.
Tùy thuộc diễn biến hành vi của những người đòi nợ, họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Nhóm người đòi nợ khiêng quan tài tới nhà bà N. Ảnh cắt từ clip. |
Nhóm người này có thể bị xử phạt về hành vi Vi phạm quy định về trật tự công cộng theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, nếu có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, họ bị phạt tiền 100.000-300.000 đồng.
Nếu hành vi được xác định là tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng, mức hình phạt là từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Còn nếu họ lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng, mức phạt sẽ là 2-3 triệu đồng.
Một yếu tố quan trọng cần làm rõ là hành vi của những người này có gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội như gây cản trở, ách tắc giao thông nghiêm trọng; gây thiệt hại về tài sản có giá trị; gây hậu quả chết người hoặc gây thương tích, tổn hại sức khoẻ cho người khác hay không. Trường hợp xác định hành vi có những yếu tố trên, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo Khoản 1, Điều 138 Bộ luật này, người phạm tội có thể bị phạt tiền 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu hành vi thuộc các tình tiết định khung như có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng… mức án cao nhất họ phải đối mặt có thể lên tới 7 năm tù.
Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng xác định việc dùng quan tài để đòi nợ được coi là thủ đoạn để uy hiếp tinh thần, ép bà N. trả tiền, những người này còn có thể bị xử lý hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015.
Về nguyên tắc, vay mượn tiền là quan hệ dân sự. Nếu người vay không trả nợ đúng hạn, người cho vay có quyền khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Quá trình đòi nợ, chủ nợ có quyền nhắc nợ, liên hệ để đòi nợ nhưng việc đòi nợ không được đe dọa, uy hiếp tinh thần của người nợ, không được sử dụng vũ lực, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người nợ tiền để tránh trở thành người phạm tội và bị xử lý trước pháp luật.
Nguồn: News.zing.vn