Nhóm thiện nguyện tặng áo quan ở TP.HCM

0
71

“Món này không ai muốn tặng, chẳng ai muốn nhận. Khi nghe các gia đình nói lời cảm kích, tôi thấy xót xa lắm”, chị Thu Thảo, thành viên nhóm thiện nguyện, nói.

23h ngày 16/8, khi đang nghỉ ngơi tại điểm tập kết cùng các thành viên đoàn thiện nguyện, chị Trương Thị Thu Thảo (26 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bất chợt nhận được một cuộc điện thoại từ số lạ.

“Cho tôi hỏi, nhóm chị còn hỗ trợ áo quan mai táng không? Vợ tôi mất rồi, mất vì Covid-19…”, đầu dây bên kia nghẹn ngào.

Chị Thảo khựng lại vài giây, rồi nhỏ giọng đáp lời: “Chúng tôi sẽ chuyển tới nhà anh sớm nhất có thể. Xin chia buồn với gia đình”.

quan tai mien phi o tp.hcm anh 1

Khoảng 1-2 tiếng sau khi nhận điện thoại, các thành viên đoàn thiện nguyện thầy Khánh Lê sẽ vận chuyển áo quan tới cho các gia đình có người nhà mất vì Covid-19 miễn phí.

Vài tuần qua, đoàn thiện nguyện mà chị tham gia nhiều lần nhận những cú điện thoại tương tự.

Trong vòng 1-2 tiếng kể từ khi bắt máy, các thành viên sẽ cố gắng chuyển tới tận nhà mà không lấy thêm bất cứ chi phí nào.

“Chứng kiến Sài Gòn khó khăn vì dịch bệnh, nhóm nghĩ hoạt động này sẽ phần nào xoa dịu nỗi đau của các gia đình và giúp người đã khuất yên nghỉ”, chị Thảo nói.

Dành cho người mất vì Covid-19

Đoàn thiện nguyện mà chị Thảo tham gia được sư thầy Khánh Lê (ngụ xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) thành lập và bắt đầu tham gia hỗ trợ công tác chống dịch từ tháng 6.

Gần 3 tháng qua, 12 thành viên trong đoàn phối hợp với Chùa Vô Ưu (phường Linh Đông, TP Thủ Đức) triển khai nhiều hoạt động thiện nguyện.

Họ gửi tặng lương thực, thuốc men cho bà con sống ở khu vực phong tỏa, người vô gia cư, sinh viên kẹt lại TP.HCM; hỗ trợ suất ăn cho lực lượng tuyến đầu, trực chốt phong tỏa.

Thời gian gần đây, đoàn thiện nguyện thầy Khánh Lê còn tặng quan tài dành cho những hộ có người thân qua đời vì dịch bệnh.

Chia sẻ với Zing, sư thầy cho biết hoạt động này bắt nguồn từ một cú điện thoại lạ, gọi tới xin đoàn thiện nguyện giúp lo hậu sự cho thân nhân.

“Ở đầu dây bên kia, người đó nhờ chúng tôi giúp đỡ vì người vợ mới mất vì dịch bệnh. Dù bất ngờ, nhóm vẫn cố gắng và gửi cho anh ấy ngay hôm sau”, thầy Khánh Lê kể.

Chứng kiến gia đình người nhận vừa lau nước mắt, vừa nói lời cảm ơn, đoàn thiện nguyện nhanh chóng có ý tưởng về kế hoạch giúp đỡ đần phần nào chi phí mai táng và an ủi các gia đình trong dịch.

Tới nay, thầy Khánh Lê và các thành viên đoàn thiện nguyện vẫn liên tục kết nối với các mạnh thường quân, nhận áo quan từ các xưởng gỗ và chuyển về 2 điểm tập kết tại Chùa Vô Ưu và nhà chung ở huyện Củ Chi.

Khi có người liên hệ, nhóm sẽ cử 2-3 thành viên chuyển quan tài tới tận nhà, không lấy thêm bất cứ khoản phí nào và tặng thêm một phần lương thực cho gia đình người mất.

Ngoài ra, đoàn thiện nguyện cũng giúp gia đình liên hệ với các đơn vị mai táng theo quy trình của Bộ Y tế để lo hậu sự cho bệnh nhân tử vong, ngăn dịch bệnh lây lan.

Kể cả vào lúc 1-2h, chị vẫn cùng một thành viên lái xe, chuyển quan tài tới cho người cần để lo hậu sự cho thân nhân.

“Thú thực, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải đi tặng món này. Những ‘món quà’ này chẳng ai muốn tặng và không ai muốn nhận. Nghe các gia đình nói lời cảm kích, tôi thấy xót xa lắm”, chị Thu Thảo chia sẻ.

“Mong không phải tặng cho ai nữa”

Hiện tại, 12 thành viên thuộc đoàn thiện nguyện thầy Khánh Lê vẫn tiếp tục hoạt động tích cực, góp phần giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và lực lượng tuyến đầu trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng.

Để đảm bảo công việc, thực hiện nghiêm túc việc phòng dịch và tránh lây nhiễm cho người thân, các thành viên chuyển tới tạm trú tại nhà chung từ vài tháng nay.

Hàng ngày, nhóm sẽ chuẩn bị lương thực, dỡ rau củ quả từ 3-4h, nghỉ ngơi và bắt đầu một ngày đi làm thiện nguyện lúc 9-10h.

quan tai mien phi o tp.hcm anh 4

Chứng kiến người thân mắc Covid-19 khi đi làm nhiệm vụ, bạn bè mất người thân, chị Thảo càng mong muốn được góp sức chống dịch.

Các thành viên đều mặc đồ bảo hộ, khử khuẩn và xét nghiệm Covid-19 thường xuyên, đảm bảo 5K khi đi phát đồ cứu trợ.

“Chúng tôi cũng thường đi dọc đường tới 4-5h hôm sau, hễ gặp ai sống cơ nhỡ thì dừng lại tặng lương thực, khẩu trang, thậm chí chăn mền cho họ”, thầy Khánh Lê kể.

Thực tế, trong quá trình hoạt động, đoàn thiện nguyện cũng gặp không ít thách thức như nguồn lương thực hạn chế, phí thuê ôtô vận chuyển tăng cao.

Tuy nhiên, tất cả đều đồng lòng góp sức, nỗ lực tìm kiếm mạnh thường quân để tiếp cận và giúp đỡ được nhiều người hơn nữa.

Kể từ tháng 6, chị Thu Thảo đã tham gia đoàn thiện nguyện và tích cực hoạt động suốt gần 3 tháng qua. Đây là công việc thiện nguyện đầu tiên chị tham gia và cũng là lần đáng nhớ nhất.

Khi chứng kiến bạn bè xung quanh mất người thân vì Covid-19, ba chị không may mắc Covid-19 khi làm nhiệm vụ trực chốt kiểm soát dịch bệnh, chị càng mong muốn được giúp đỡ cộng đồng vượt qua dịch bệnh.

Công việc vất vả, phải thường xuyên thức khuya, dậy sớm, mang vác nặng và tiếp xúc nhiều người, chị Thu Thảo và các thành viên vẫn luôn động viên tinh thần lẫn nhau để tiếp tục hành trình chia sẻ khó khăn với người dân thành phố.

“Tôi cũng lo sợ dịch bệnh, nhưng không vì vậy mà từ bỏ công việc. Ở ngoài kia còn rất nhiều người cần được giúp đỡ. Tôi chỉ mong dịch bệnh sớm qua, Sài Gòn sớm trở lại cuộc sống nhộn nhịp thường ngày”, chị nói.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn