Khi đại dịch kết thúc, đời sống con người sẽ có nhiều biến chuyển. Cuốn sách của Fareed Zakaria chỉ ra 10 bài học cần thiết ở thời điểm thế giới vắng bóng Covid-19.
Tác giả người Mỹ gốc Ấn Độ Fareed Zakaria là nhà báo của CNN và The Washington Post. Ông viết 10 bài học cho thế giới hậu đại dịch dựa trên tư liệu thu thập, dẫn chứng sự kiện và số liệu xác đáng về cuộc sống trong đại dịch ở nhiều quốc gia. Qua đó, ông đưa ra những dự đoán về đời sống con người, doanh nghiệp thời hậu Covid-19.
Khi kiểm soát được đại dịch, nền kinh tế sẽ trở lại trạng thái bình thường nhưng con người phải trải qua khó khăn để thích nghi cuộc sống mới.
Trong 10 bài học cho thế giới hậu đại dịch, Fareed Zakaria đề ra giả thuyết rất đơn giản: Covid-19 hoạt động như một chất xúc tác thúc đẩy các xu hướng toàn cầu hiện có. Vì lẽ đó, “đây không phải cuốn sách nói về đại dịch, mà là về thế giới đang dần hình thành”.
Tác giả vẽ nên bức tranh về thế giới mà ở đó, con người đã được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa, song cũng bị đe dọa bởi sự phát triển với tốc độ vũ bão. Tác giả lập luận rằng trong thời kỳ này, khả năng xảy ra thay đổi tích cực sẽ chiếm ưu thế. Vì xét theo nghĩa nào đó, công việc sẽ gắn chặt với cuộc sống ở nhà hơn.
Sách 10 bài học cho thế giới hậu đại dịch. Ảnh: NXB Trẻ. |
Covid-19 ập đến vào giai đoạn mà phần lớn thế giới đã được kết nối trong “thế giới phẳng”. Bởi thế, nó đã nhanh chóng xóa đi một nốt trở ngại cho tương lai kỹ thuật số và thái độ làm quen “cuộc sống số” của con người.
Trước đây, nhiều người không bao giờ nghĩ đến việc tham gia một lớp học trực tuyến, không đồng ý khám bác sĩ qua video, các hãng phim Hollywood cũng không chấp nhận ra mắt một bộ phim kinh phí lớn qua dịch vụ phát trực tuyến… Đại dịch và việc đóng cửa đã kéo theo sự thay đổi bắt buộc trong hành vi, không chỉ đối với từng cá nhân, mà còn cả doanh nghiệp.
“Các cuộc họp nhóm thông thường có thể trở nên ảo nhưng các hội nghị về mạng lưới làm việc, tăng cường kết nối, cung cấp kích thích trí tuệ, hoặc đơn giản là cung cấp giải trí có thể tiếp tục là những hoạt động trực tiếp giữa con người… Mô hình này sẽ khiến mối quan hệ giữa người với người hoặc các cuộc gặp gỡ bất ngờ trở nên quý báu hơn chứ không mất đi giá trị”, tác giả viết.
Sự phát triển con người bền vững được vạch ra qua 10 bài học súc tích như: Hiệu ứng dơi, Siết dây an toàn, Vấn đề không phải là số lượng mà là chất lượng của nhà nước, Thị trường thôi chưa đủ, Lắng nghe chuyên gia và lắng nghe người dân…
Những bài học ấy bao gồm các chủ đề từ rủi ro tự nhiên và sinh học đến sự lên ngôi của cuộc sống kỹ thuật số. Fareed Zakaria giúp người đọc bắt đầu suy nghĩ xa hơn về những tác động của Covid-19.
10 bài học cho thế giới hậu đại dịch nói đến quá khứ, hiện tại và tương lai, là lời chiêm nghiệm lâu dài về cuộc sống của nhân loại sau khi đại dịch kết thúc.
Đặc biệt, ở bài học số 4 – Cuộc đời là sống số, tác giả cho rằng máy tính càng thông minh hơn trong việc tính toán dữ liệu và đưa ra câu trả lời, nó càng buộc chúng ta phải suy nghĩ xem cái gì chỉ có ở con người, ngoài khả năng suy luận.
Cuốn sách một mặt cho chúng ta hiểu Covid-19 đang thách thức nền kinh tế như thế nào, mặt khác chỉ ra bức tranh toàn cảnh về cơ hội của con người. Qua đó, độc giả thêm trân trọng và đánh giá đúng những thành tựu an sinh xã hội mà chúng ta đang có.
Nguồn: News.zing.vn