Những bài học của tỷ phú Leonard Lauder

0
Những bài học của tỷ phú Leonard Lauder

Trong cuốn hồi ký “Công ty tôi gìn giữ”, Leonard Lauder kể về hành trình dẫn dắt công ty Estée Lauder vượt nhiều thử thách, đi tới thành công.

Leonard Lauder sinh năm 1933 tại Mỹ. Cũng trong năm ông ra đời, mẹ ông (bà Josephine Esther Lauter) đã mở cửa hàng dược phẩm Lauter; năm 1946, bà cùng chồng thành lập công ty Estée Lauder.

Năm 1958 Leonard Lauder về làm tại công ty của gia đình, ông tập trung xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy kinh doanh.

Hiện, Leonard Lauder là Chủ tịch danh dự, cựu CEO của tập đoàn Estée Lauder. Theo Bloomberg Billionaires Index, tài sản ròng của Lauder ước tính là 30,9 tỷ USD (tháng 1/2021), ông là một trong 44 người giàu nhất trên thế giới.

Hoi ky cua Leonard Lauder anh 1

Tỷ phú Leonard Lauder. Ảnh: Nytimes.

Những bài học trên thương trường

Cuốn hồi ký Công ty tôi gìn giữ do chính Leonard Lauder viết (Phương Hạ dịch, Tân Việt và NXB Dân trí phát hành) không chỉ kể về 60 năm nắm quyền lãnh đạo của Leonard Lauder. Sách còn cho thấy hành trình một công ty từ khi chỉ có 8 sản phẩm trở thành một biểu tượng trong ngành mỹ phẩm toàn cầu.

Là “cuốn hồi ký của tôi trong ngành mỹ phẩm” như lời Leonard Lauder nói, sách dẫn dắt bạn đọc đi từ bước tiền đề thành lập công ty Estée Lauder.

Mẹ của ông, bà Josephine Esther Lauter (sau này là Estée Lauder) vốn là người yêu thích làm đẹp, chăm sóc làn da cho phụ nữ. Cùng chồng, bà gây dựng công ty mỹ phẩm, sau này, bà là phụ nữ duy nhất lọt danh sách 20 thiên tài kinh doanh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do tạp chí Time bình chọn năm 1998. Leonard Lauder đã dành sự kính trọng khi viết về mẹ mình trong những ngày đầu thành lập công ty.

Năm 1956, Leonard Lauder 25 tuổi, rời quân ngũ, về làm việc trong công ty của cha mẹ mình. Cho đến năm 1958, Estée Lauder mới chỉ có vài dòng sản phẩm được bán trong các cửa hàng bách hóa của Mỹ.

Qua hồi ký của Leonard Lauder, người đọc hình dung được quá trình trưởng thành của công ty mà ông nuôi dưỡng, từ giai đoạn chật vật trong cuộc Đại khủng hoảng, những thập niên bùng nổ mạnh mẽ sau Thế chiến thứ hai, những cuộc đối đầu quyết liệt với các đối thủ trên thương trường là Revlon, L’Oréal; thách thức của một công ty toàn cầu…

Nuôi dưỡng, gìn giữ một công ty mà cha mẹ mình đã dành bao công sức biến tham vọng thành hiện thực, Leonard Lauder trải qua nhiều bài học kinh doanh.

Ông không ngần ngại chia sẻ những sai lầm, những kinh nghiệm trong hồi ký. Đó có thể là việc ứng dụng những gì trường dự bị hải quân dạy vào lãnh đạo thực tế, bài học từ cha, mẹ, bài học về cách xây dựng thương hiệu, đặt niềm tin vào năng lực bản thân, xây dựng các mối quan hệ…

Ngày nay, tập đoàn Estée Lauder đã trở thành một trong những nhà sản xuất chuyên cung cấp các dòng sản phẩm dưỡng da, chăm sóc tóc cao cấp, mỹ phẩm trang điểm, và nước hoa. Tập đoàn bao gồm hơn 25 thương hiệu, hiện diện ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sự phát triển ngoạn mục và thành công rực rỡ ấy chính là nhờ Leonard Lauder. Ông đã vạch ra tầm nhìn chiến lược và thực hiện mở rộng quy mô tập đoàn trong suốt 60 năm lãnh đạo trên cương vị giám đốc điều hành và chủ tịch công ty.

Hoi ky cua Leonard Lauder anh 2

Hồi ký Công ty tôi gìn giữ. Ảnh: H. T.

Cuốn hồi ký của tình yêu

Bên cạnh nói về những bài học học trên bước đường kinh doanh, Leonard Lauder chia sẻ những kinh nghiệm mà chính ông đúc rút. Ông nêu người lãnh đạo cần biết chịu trách nhiệm, trở thành tấm gương về tinh thần làm chủ cho nhân viên, phải có tính quyết đoán…

Làm việc trong ngành mỹ phẩm, làm đẹp cho phái nữ, Lauder khuyên “đừng bao giờ đưa ra quyết định quan trọng mà không tham khảo ý kiến của phụ nữ”. Ông cũng đưa ra các bài học về trị trường như: Tự tạo ra đối thủ cạnh tranh, luôn tiên phong, đón đầu ngọn sóng…

Là một cuốn hồi ký, nhưng Công ty tôi gìn giữ không chỉ kể câu chuyện cuộc đời một con người. Sách bố cục thành các chương theo dòng thời gian, mỗi chương chia ra nhiều phần nhỏ là những bài học về kỹ năng lãnh đạo, kinh nghiệm phát triển công ty.

Câu chuyện về con người, cuộc sống của Leonard Lauder cũng được thể hiện trong sách. Đó là một vị CEO sát sao, gần gũi với nhân viên. Ông cẩn thận viết từng bức thư tay gửi đến khách hàng, nhân viên của mình, chuẩn bị từng gói quà, tặng phẩm cho khách hàng thân thiết…

Ngoài kinh doanh, Leonard Lauder cũng là một nhà sưu tầm có tiếng và tham gia nhiều hoạt động xã hội. Ông đã xây dựng công viên, sân chơi cho trẻ em, quyên góp nghệ thuật cho bảo tàng mỹ thuật, tham gia các chiến dịch nâng cao nhận thức trong cuộc chiến chống bệnh ung thư vú, Alzheimer.

Trong cuốn hồi ký, ngoài thể hiện sự kính trọng với cha mẹ mình, Leonard Lauder còn dành rất nhiều tình cảm tốt đẹp khi nói về em trai mình – Ronald Lauder. Ông cũng không quên kể những câu chuyện nhỏ về nhân viên trong công ty với sự trìu mến, những người đã cùng xây đắp, gìn giữ doanh nghiệp. Hai người vợ, những người con, người bạn đều được ông nhắc tới đầy trân trọng.

Bởi vậy, trong lời bạt, Leonard Lauder nói: “Cuốn sách này là trái ngọt của tình yêu”. Ngoài tập trung chia sẻ những bài học kinh nghiệm, những nỗ lực trong 60 năm điều hành công ty, tác giả cũng kể về cuộc sống hiện tại tràn đầy hạnh phúc của mình.

Nguồn: News.zing.vn