Những băn khoăn trước đề xuất bổ sung trách nhiệm cho công an xã

0
108

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng số lượng công an xã chỉ khoảng 3-5 người, trong khi công an phường có hàng trăm nhân lực mới có thể đảm nhận được nhiệm vụ.

Đề xuất bổ sung trách nhiệm cho công an xã trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là nội dung mới được đề cập trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Nội dung này được thảo luận trực tuyến tại Quốc hội sáng 25/10.

Chỉ cần vài xã làm không tốt sẽ gây ảnh hưởng lớn

Là đại biểu Quốc hội đầu tiên phát biểu, đại tá Nguyễn Tiến Nam (Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình) cho rằng đề xuất này là cần thiết.

“Đây là lực lượng thường trực gần dân nhất để nắm, tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm từ nhân dân, luôn có mặt nhanh nhất, kịp thời nhất khi có vụ việc liên quan đến ANTT xảy ra ở cơ sở; kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cũng như hậu quả của tội phạm, tiến hành các hoạt động theo thẩm quyền để bảo vệ hiện trường, tài liệu, vật chứng, phối hợp truy bắt tội phạm”, Giám đốc Công an Quảng Bình phân tích.

giao them trach nhiem cho cong an xa anh 1

Đại tá Nguyễn Tiến Nam (Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Quốc hội.

Hơn nữa, ông cho biết hiện nay 100% xã được bố trí công an chính quy với khoảng 45.000 người. Trong đó, có trên 50% có trình độ đại học, gần 22% từng công tác tại các đội điều tra công an cấp huyện, trên 71% từng làm công tác điều tra hoặc liên quan đến công tác điều tra hình sự.

Từ cơ sở đó, đại tá Nam khẳng định nhân lực của công an xã rất lớn, đủ khả năng đáp ứng cho việc bổ sung nhiệm vụ về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm tương đương với công an phường, thị trấn. “Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng giao nhiệm vụ này cho công an xã”, ông Nam nhấn mạnh.

Song đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) lại băn khoăn về việc áp dụng quy trình rút gọn và thời điểm quy định này có hiệu lực. “Đây là quy định mới, cần được xem xét, đánh giá đầy đủ theo trình tự xây dựng luật thông thường”, bà An nói.

Dẫn chứng thực tế từ Cao Bằng, bà An cho biết công an xã chính quy mới được thiết lập với mỗi địa bàn khoảng 5 người, nhưng địa bàn xã rộng, giao thông đi lại khó khăn. Trong khi đó, lực lượng công an xã được đưa về có chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau và phải đảm nhiệm rất nhiều việc, nên giao thêm nhiệm vụ mới cần xem xét, đánh giá lại.

Giơ biển xin tranh luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đề nghị Bộ Công an giải trình, tính toán về số lượng con người, khả năng chuyên môn của công an xã và các điều kiện cần thiết khác. Vì số lượng công an xã chỉ khoảng 3-5 người, trong khi công an phường có hàng trăm nhân lực mới có thể đảm nhận được nhiệm vụ này.

“Chúng ta có hàng chục nghìn xã, nhưng chỉ cần vài xã, vài người thực hiện không tốt thì dư luận sẽ quan tâm ngay và có thể gây ảnh hưởng rất lớn”, ông Thịnh đồng tình chủ trương nhưng đề nghị chuẩn bị thêm các điều kiện khác.

giao them trach nhiem cho cong an xa anh 2

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Hồng Phong.

Giải trình về nội dung này, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí khẳng định công an xã tăng cường lực lượng chính quy và về năng lực chuyên môn có thể đáp ứng yêu cầu. “Việc bổ sung nhiệm vụ nhằm phát huy năng lực và nguồn lực ở cơ sở, công an xã làm tốt thì giảm áp lực cho công an huyện đang quá tải”, ông Trí nói.

Theo ông, dịch bệnh khiến đời sống xã hội phát sinh nhiều vấn đề, trong đó có tình hình tội phạm. Việc tăng cường ở cơ sở sẽ giúp giải quyết ngay vấn đề phát sinh, đảm bảo an ninh trật tự cả trước mắt và lâu dài.

Nhiều vụ án không thể tiến hành hoạt động tố tụng

Góp ý về việc bổ sung quy định có thể tạm đình chỉ giải quyết tin báo tố giác tội phạm, tạm đình chỉ truy tố, đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án vì lý do bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh), Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình nhìn nhận đây là quyết định đúng đắn, kịp thời.

Ông nêu thực tế vừa qua thiên tai, mưa bão, lũ lụt gây hậu quả nặng nề ở nhiều tỉnh thành. Và đặc biệt, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly tập trung dẫn đến một số hoạt động tố tụng bị gián đoạn, kéo dài.

“Đây là những sự kiện bất khả kháng do khách quan quyết định. Nếu không bổ sung kịp thời quy định này sẽ rất khó khăn cho các cơ quan thi hành tố tụng, thậm chí có thể vi phạm pháp luật”, ông Nam nêu quan điểm.

giao them trach nhiem cho cong an xa anh 3

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu thống kê từ khi thực hiện Chỉ thị số 16 đến nay, có 171 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã gần hết thời hạn kiểm tra, xác minh; 77 vụ án gần hết thời hạn điều tra nhưng chưa có căn cứ ban hành quyết định tố tụng; 111 vụ án vướng mắc ở giai đoạn truy tố do không thể tiến hành được hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố.

“Vì Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh dẫn đến vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định của pháp luật”, bà Nga nói.

Theo bà, nếu hết thời hạn điều tra mà không thể hoàn thiện hồ sơ và thực hiện hoạt động tố tụng theo luật định thì phải đình chỉ điều tra. Điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, phải xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thậm chí là xử lý trách nhiệm hình sự đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

“Việc này làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, giảm sút lòng tin trong nhân dân, trong khi việc này không phải do lỗi chủ quan từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”, bà Nga nói.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn