
Vịnh Hạ Long là niềm tự hào của Quảng Ninh, đồng thời đặt ra những thách thức không nhỏ trong vấn đề quản lý, phát huy giá trị di sản. Đi tìm lời giải cho bài toán bảo tồn và phát triển của di sản này, những năm gần đây, Quảng Ninh đã có không ít những quyết sách táo bạo…
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra hạ tầng phục vụ khách tại điểm tham quan Động Thiên Cung, Vịnh Hạ Long
Mạnh dạn, táo bạo
Tỉnh đã ra nhiều văn bản có tính định hướng cao đối với công tác quản lý, phát huy giá trị di sản. Trong đó, Quyết định 1139/QĐ-UBND (ngày 27/4/2015) “Phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long đến năm 2020” là văn bản rất quan trọng để triển khai các hoạt động, các chương trình bảo tồn, dự án phát triển dịch vụ, cũng như định hướng phát triển của Vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Rồi Quy hoạch về môi trường Vịnh Hạ Long đến 2020, tầm nhìn đến 2030; các kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2011-2016 và hiện đang trình tỉnh kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2017-2021…
Quá trình triển khai thực hiện, một trong những quyết sách lớn mà tỉnh đã áp dụng vào năm 2013, đó là chủ trương di dời các nhà bè trên Vịnh, quy hoạch, sắp xếp lại khu vực nuôi trồng thuỷ sản trên Vịnh và chuyển toàn bộ các ngư dân sinh sống tại 7 làng chài trên Vịnh lên sinh sống tại khu tái định cư Cái Xà Cong (phường Hà Phong). Quá trình thực hiện chủ trương này có không ít khó khăn, vướng mắc đã và đang tiếp tục được tháo gỡ. Tuy nhiên, cái được lớn nhất là ngư dân sau khi lên bờ đã cơ bản ổn định cuộc sống, dần yêu cuộc sống trên bờ, không còn nỗi lo mưa bão; người già được chăm sóc y tế tốt hơn, trẻ em có điều kiện học hành đầy đủ hơn. Các hoạt động kinh tế – xã hội trên Vịnh cũng đã tạo điều kiện cho bà con ngư dân khi di chuyển lên bờ có công ăn việc làm khi tham gia các hoạt động trên tàu du lịch, chèo đò phục vụ khách tham quan… Một số vấn đề “nóng” trên Vịnh liên quan đến các nhà bè, như kinh doanh, nuôi trồng thuỷ sản trái phép, tình trạng “chặt chém” du khách khi mua hải sản trên Vịnh đã giảm đi đáng kể.
Quá trình quản lý nhà nước đối với di sản thế giới Vịnh Hạ Long hơn 20 năm qua luôn vướng mắc ở vấn đề hiệu lực, hiệu quả trong quản lý di sản. Chính vì vậy, để gỡ cái khó này, tỉnh đã có văn bản số 3736 chỉ đạo chuyển chức năng quản lý nhà nước từ Ban Quản lý (BQL) Vịnh Hạ Long về UBND TP Hạ Long, kể từ 1/12/2015. Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Ban Thường trực BQL Vịnh, cũng là người có quá trình gắn bó lâu năm với công tác quản lý di sản này, nhận định: Đây là một bước chuyển căn bản về công tác quản lý, với bước chuyển này, BQL Vịnh là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, thực hiện nghiệp vụ về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Và UBND TP Hạ Long là cơ quan quản lý nhà nước về Vịnh Hạ Long, Trưởng Ban là Chủ tịch UBND thành phố kiêm nhiệm. Vì vậy, các hoạt động mà thành phố chỉ đạo có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ các phòng, công an, quân đội, các đoàn thể xã hội của TP Hạ Long, kết hợp với gần 400 cán bộ, viên chức của BQL Vịnh, quản lý trải dài từ Tuần Châu (TP Hạ Long) đến Vân Đồn, tạo ra một sự hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, bảo tồn. Nghĩa là, thành phố có một bộ máy quản lý nhà nước toàn diện, còn BQL Vịnh có lực lượng CBVCLĐ bám trụ tại các điểm tham quan cũng như các khu bảo tồn trên Vịnh 24/24h. Do đó, công tác quản lý, bảo tồn di sản cũng được nâng lên một bước; các chức năng, nhiệm vụ được sự hỗ trợ tích cực của thành phố đã tạo những chuyển biến rõ rệt trong quản lý nhà nước. Vì vậy, các hoạt động tồn tại dai dẳng trên Vịnh lâu nay, như tàu cập ca bán hàng rong, ăn xin đeo bám giảm đi rõ rệt; hiệu quả, hiệu lực quản lý trên địa bàn được nâng cao hơn và có sự phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương chặt chẽ hơn.
Chuyển biến mạnh mẽ
Cùng với đó, công tác quản lý vé, tàu thuyền, các hoạt động kinh tế – xã hội khác trên Vịnh cũng có chuyển biến quan trọng, mang tính chất liên tục, chuyên nghiệp, có tính chất hệ thống hơn. Chúng ta đã biết, từ tháng 1/2016, tàu du lịch được chuyển toàn bộ về Cảng Tuần Châu với cơ sở vật chất hiện đại, chuyên nghiệp hơn, đã tạo một diện mạo mới cho du lịch Vịnh Hạ Long. Việc bán vé từ trên Vịnh nay được chuyển hết lên bờ, từ uỷ quyền cho các cảng chuyển sang BQL Vịnh bán vé trực tiếp nên công tác quản lý về phí, vé tham quan chặt chẽ, thống nhất, giảm thất thoát, tránh nợ đọng tiền phí, vé tham quan. Với cơ sở dữ liệu về tàu được sử dụng hệ thống phần mềm GPS đảm bảo việc quản lý, giám sát tàu du lịch chặt chẽ hơn. BQL Vịnh cũng đã ký hợp đồng với các tàu du lịch trong quá trình vận chuyển khách tham quan Vịnh. Qua đó tạo ra những ràng buộc với chủ tàu trong quá trình hoạt động tại các khu di sản trên Vịnh, tạo ra sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp trong quá trình phát triển dịch vụ, phục vụ khách tham quan một cách chu đáo, thuận lợi, đảm bảo an ninh, an toàn và cứu hộ, cứu nạn.
Sử dụng chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, ông Phạm Đình Huỳnh đã cho chúng tôi thấy, dù chỉ ngồi trên bờ nhưng có thể giám sát căn bản các hoạt động đang diễn ra tại một số điểm tham quan lớn trên Vịnh. Có được điều đó là bởi thời gian vừa qua, BQL Vịnh đã triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, lắp đặt hệ thống viba với các đường truyền băng thông rộng, truyền dữ liệu từ các đảo về bờ. Trên cơ sở đó, đơn vị đã lắp đặt hệ thống wifi, camera để quản lý, giám sát, truyền dữ liệu trực tiếp về bờ, vì vậy ngay tại văn phòng cũng có thể giám sát các hoạt động kinh tế – xã hội cũng như các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long.
Dù đã có những kết quả khả quan, tuy nhiên, ông Huỳnh cũng thẳng thắn chia sẻ, quá trình phát triển vẫn còn khá nhiều thách thức trong công tác quản lý di sản, như: Ăn xin, cập ca đeo bám bán hàng rong có những biến tướng nhất định, rồi những phương tiện chở khách tham quan từ khu vực ven bờ, vi phạm trong hoạt động tàu du lịch, hướng dẫn viên… Để khắc phục những vấn đề còn tồn tại, đưa công tác quản lý di sản ngày càng tốt hơn, thời gian tới, BQL Vịnh sẽ ban hành các quy định về quản lý phương tiện thuỷ nhỏ (đò chèo tay, kayak…), phối hợp với cơ quan chức năng ban hành các quy định về quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh tế – xã hội trên Vịnh. Dự kiến trong năm nay sẽ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long đến 2020 và triển khai các pha tiếp theo của hệ thống camera, wifi tại các điểm tham quan khác trên Vịnh. Đồng thời tiến tới lắp đặt hệ thống vé tham quan điện tử trên Vịnh; giám sát lượng khách đi qua các điểm tham quan, cũng như điều tiết lượng tàu du lịch tại các điểm tham quan, để đảm bảo không bị ùn tắc cục bộ tại một số điểm tham quan như thời gian qua.
Công tác PCCC, tìm kiếm cứu nạn trên Vịnh cũng là vấn đề rất được chú trọng. Ông Huỳnh cho hay, hiện đơn vị đang chủ trì phối hợp với lực lượng PCCC, Bộ CHQS tỉnh để tiếp tục tập huấn cho lực lượng thuyền viên trên các tàu du lịch; sẽ tổ chức các đợt diễn tập để sao cho khi sự cố xảy ra thì các thuyền viên có thể sơ tán được hành khách, cứu được người và tài sản để giảm thiểu thiệt hại rủi ro trong quá trình hoạt động trên Vịnh… Tất cả các giải pháp quản lý này đều nhằm xây dựng môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh đối với du khách; đồng thời đảm bảo Vịnh Hạ Long cũng như TP Hạ Long trở thành một trung tâm du lịch của Việt Nam và thế giới.
Ngọc Mai
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn