Kinh phí sản xuất thấp đã trở thành đặc trưng của phim kinh dị. Tuy nhiên, lợi nhuận mà những tác phẩm này mang về có thể cao gấp hàng chục, trăm lần số vốn bỏ ra.
Psycho (1960): Thập niên 1950, dù Alfred Hitchcock đã là một đạo diễn tài danh, ý tưởng chuyển thể tác phẩm Psycho (Robert Bloch) lên màn ảnh rộng của ông vẫn không được hưởng ứng. Nội dung ghê rợn của nguyên tác khiến hầu hết hãng phim từ chối đầu tư. Khi Paramount Pictures quyết định chi tiền cho Hitchcock làm phim, hãng cũng chỉ cấp vốn 806,967 USD (tác phẩm trước đó của Hitchcock, North by Northwest, được đầu tư 4,3 triệu USD). Dưới bàn tay nhào nặn của Hitchcock, Psycho đã thu về 50 triệu USD từ phòng vé toàn cầu, trở thành tác phẩm thành công nhất trong sự nghiệp làm phim của ông. Ảnh: Paramount Pictures. |
Night of the Living Dead (1968): Night of the Living Dead – bộ phim được truyền cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết I Am Legend – là tác phẩm điện ảnh đầu tay của George A. Romero trong vai trò đạo diễn. Với kinh phí đầu tư chỉ 6.000 USD, bộ phim tốn 114.000 USD để hoàn thiện. Tại phòng vé, Night of the Living Dead đã thu 30 triệu USD, cao gấp 263 lần vốn đầu tư. Con số giúp tác phẩm trở thành bộ phim kinh dị độc lập thành công nhất thập niên 1960 và phim có doanh thu cao nhất tại châu Âu năm 1969. |
The Texas Chain Saw Massacre (1974): Đạo diễn Tobe Hooper của The Texas Chain Saw Massacre chỉ được cấp 60.000 USD kinh phí làm phim. Do đó, ông đã tìm những cách cực đoan để tiết kiệm tiền như dùng xác động vật thật thay vì đạo cụ giả. Không may, chi phí tăng cao trong khâu hậu kỳ đã đẩy Hooper đến chỗ bán bớt một phần bản quyền phim lấy 80.000 USD. Những vất vả này đã được đền đáp xứng đáng khi The Texas Chain Saw đã thu về 30,9 triệu USD khi phát hành tại rạp – con số cao gấp 200 lần vốn đầu tư. Ảnh: Bryanston Distributing Company. |
The Rocky Horror Picture Show (1975): Được xây dựng dựa trên vở nhạc kịch ra đời năm 1973 của Richard O’ Brien, The Rocky Horror Picture Show là tác phẩm kết hợp yếu tố ca vũ nhạc, hài kịch và kinh dị trong một cốt truyện đầy các tình tiết cường điệu. Trong phim, chiếc xe hơi chở cặp vợ chồng mới cưới đã bị hỏng giữa đường, buộc họ phải xin tá túc trong căn nhà của một ông bác sĩ (Tim Curry) ăn mặc và phục sức như phụ nữ. Người này sở hữu một bộ sưu tập với những món đồ kỳ quái. Tác phẩm với kinh phí đầu tư chỉ 1,4 triệu USD đã thu về 170 triệu USD từ phòng vé toàn cầu. Ảnh: Fox. |
Halloween (1978): Phần phim mở màn thương hiệu kinh dị kinh điển, gắn liền với tên giết người hàng loạt Michael Myers, được thực hiện với khoản kinh phí vô cùng eo hẹp. Đạo diễn John Carpenter phải làm mọi cách để thắt lưng buộc bụng. Đoàn không có tiền chi cho khâu phục trang, do đó phần lớn trang phục của nhân vật là quần áo do diễn viên mang tới. Nữ chính Jamie Lee Curtis chỉ được trả thù lao 8.000 USD trong khi Nick Castle – nam diễn viên thủ vai tên giết người – nhận mức lương 25 USD/ngày. May mắn đã mỉm cười khi Halloween ra rạp và thu 47 triệu USD, cao gấp 150 lần vốn sản xuất. Ảnh: Compass International Pictures. |
Friday the 13th (1980): Bộ phim kinh dị của đạo diễn Sean S. Cunningham từng nhận vô số bình luận tiêu cực tại thời điểm mới ra mắt. Nhà phê bình danh tiếng Gene Siskel từng nhận xét đây là “một bộ phim tàn nhẫn” và “sản phẩm giật gân câu khách phi nghệ thuật”. Tuy nhiên, bất chấp hàng loạt chỉ trích, phim vẫn thu 59,8 triệu USD từ phòng vé toàn cầu – con số cao gấp 100 lần vốn sản xuất. Tới nay, Friday the 13th đã trở thành thương hiệu phim kinh dị có tầm ảnh hưởng toàn cầu, với 12 bộ phim đã ra mắt. Ảnh: New Line Cinema. |
The Blair Witch Project (1999): Kịch bản The Blair Witch Project được hai sinh viên điện ảnh Daniel Myrick và Eduardo Sanchez thai nghén từ năm 1993. Với kinh phí eo hẹp, họ quyết định quay bộ phim theo phong cách góc nhìn thứ nhất. Ban đầu, họ dự kiến chi phí làm phim là 20.000 USD, tuy nhiên khi The Blair Witch Project bấm máy, con số này đã tăng lên 60.000 USD. Nhiều năm sau, cả hai chi thêm 500.000 USD để quay lại một số cảnh và quảng bá cho The Blair Witch Project trước khi gửi tác phẩm tới LHP Sundance. Tại đây, phim được hãng Artisan Entertainment mua bản quyền phát hành toàn cầu, gặt hái doanh thu ấn tượng 248,6 triệu USD. Ảnh: Artisan Entertainment. |
Open Water (2003): Năm 1998, một cặp tình nhân người Mỹ đã bị lạc khỏi đoàn lặn biển trong chuyến du lịch ngoài khơi Australia. Lực lượng chức năng đã tiến hành tìm kiếm trong 3 ngày nhưng không thấy dấu vết của họ. Bi kịch này đã truyền cảm hứng cho hai nhà làm phim Chris Kentis và Laura Lau thực hiện bộ phim về cặp vợ chồng bị bỏ lại giữa vùng biển toàn cá mập nhan đề Open Water. Sử dụng trang thiết bị cơ bản, số lượng diễn viên tối thiểu và bộ đồ lặn của chính mình, họ đã hoàn thành tác phẩm với kinh phí 120.000 USD. Một nửa số tiền được dành vào việc thuê cá mập làm đạo cụ trong hai ngày. Phim được thực hiện ròng rã trong hai năm rưỡi, thu về 55,5 triệu USD từ phòng vé toàn cầu. Ảnh: Lionsgate. |
Saw (2004): Năm 2003, Leigh Whannell và James Wan đã đầu tư 5.000 USD để thực hiện phim ngắn 7 phút với nhan đề Saw. Thành công bước đầu đã khuyến khích hai nhà làm phim tới Mỹ để tìm kiếm cơ hội phát triển Saw thành tác phẩm dài hơi. Họ được cấp kinh phí 1,2 triệu USD để hoàn thành bộ phim điện ảnh. Ban đầu, Lionsgate Films dự định phát hành Saw dưới định dạng DVD nhưng sau đó đổi ý vào phút cuối và đưa phim ra rạp. Saw đã bán được 103,9 triệu USD trong đợt phát hành đầu tiên tại rạp. Con số cao hơn 86 lần kinh phí đầu tư sản xuất. Ảnh: Lionsgate Films. |
Paranormal Activity (2007): Ý tưởng thực hiện Paranormal Activity đến với đạo diễn Oren Peli sau khoảng thời gian anh tự đặt mát quay để tìm hiểu nguyên nhân khiến đồ đạc trong nhà bị xáo trộn. Paranormal Activity được thực hiện với kinh phí chỉ 15.000 USD, không có kịch bản và hoàn thành trong 10 ngày quay. Năm 2007, sau khi sửa kết và làm lại phần âm thanh – khiến kinh phí bị đội lên 215.000 USD – Paranormal Activity đã được Paramount Pictures mua bản quyền phát hành với giá 350.000 USD. Phim chính thức phát hành toàn cầu năm 2009 và thu về 193,3 triệu USD. Ảnh: Paramount Pictures. |
Nguồn: News.zing.vn