Khi bất mãn với chính quyền, người dân Italy thường đến thăm một số bức tượng trong thành phố, nơi họ được thể hiện chính kiến của mình.
Ngoài đấu trường La Mã, đài phun nước Trevi, Rome còn cuốn hút du khách qua 6 bức tượng biết “nói chuyện”, nằm rải rác quanh thành phố. Các bức tượng có tên lần lượt là Pasquino, Marforio, Fontana del Facchino, Madama Lucrezia, Abbot Luigi, Fontana del Babuino.
Tượng Pasquino, bức nổi nhất trong 6 bức tượng. Ảnh: Amusing Planet. |
500 năm trước, người dân thành Rome, Italy đã thể hiện sự bất bình với chính quyền, giáo hoàng qua các mẩu chuyện ngắn, bài thơ có nội dung châm biếm. Các tác phẩm nặc danh này thường được viết ra giấy rồi dán lên nhiều bức tượng nổi bật quanh thành phố, nơi mọi người gặp gỡ và thảo luận về các vấn đề xã hội. Dần dần, mọi người bắt đầu sử dụng những bước tượng này như một tấm bảng thông báo, viết lên đó mọi điều họ không hài lòng, đồng tình và trao đổi, tâm sự với nhau. Do vậy, những bức tượng này được biết đến với biệt danh: “Những bức tượng biết nói chuyện”.
Đề tài châm biếm của người dân là giáo hoàng Nicholas V, nổi tiếng trong thời kỳ Phục hưng. Ông là người đã cho tu sửa lại nhiều nhà thờ và khởi xướng cho kế hoạch xây Vương cung thánh đường St.Peter ngày này. Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập thư viện Vatican và thu thập hàng ngàn bản thảo từ người Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Constantinople sụp đổ.
Tượng Marforio được tạc để tái dựng hình ảnh thần biển Neptune. Ảnh: Amusing Planet. |
Dù vậy, người dân không đánh giá cao những gì ông làm nên muốn lật đổ giáo hoàng, nhưng sau đó âm mưu bị phát hiện.
Tuy nhiên, giáo hoàng Urban VIII Barberini là người “sở hữu” câu châm biếm nổi tiếng nhất: “Điều đến những kẻ thô lỗ cũng không bao giờ làm, thì Barberini làm”. Giáo hoàng bị chỉ trích vì đã lấy đồng từ mái của đền Pantheon, nấu chảy làm nguyên liệu xây dựng Vương cung thánh đường St. Peter.
Các mẩu hội thoại, trò chuyện của người dân thường được dán vào ban đêm để những người tụ tập quanh đây đọc được vào sáng hôm sau, trước khi bị chính quyền hạ xuống. Để chấm dứt tình trạng “nói xấu” này, tượng Pasquino từng bị dọa ném đi. Trong số 6 bức tượng “biết nói” ở Rome, Pasquino nổi tiếng nhất, được tạc theo phong cách Hy Lạp, có niên đại từ thế kỷ thứ 3 TCN.
Sau đó, Pasquino được chính quyền giám sát chặt chẽ, khiến người dân chuyển sang các bức tượng khác để nói lên tiếng lòng của mình. Bức tượng khổng lồ Marforio tạc thần biển, nằm dưới chân đồi Quốc hội trở thành địa điểm thứ hai được người dân lựa chọn.
Fontana del Babuino là bức tượng mô tả Silenus, vị thần say xỉn trong thần thoại Hy Lạp. Ảnh: Amusing Planet. |
Người dân còn bắt đầu vui đùa bằng cách để hai bức tượng trò chuyện với nhau qua các mẩu giấy dán. Họ dán lên tượng Marforio dòng chữ: “Pasquino, tại sao dầu lại đắt vậy”. Ở bức tượng Pasquino là lời đáp:”Bởi vì Napoleon cần nó để xức cho các vị vua”. Năm 1679, với lý do bảo tồn, Marforio được chuyển tới sân của Cung điện Nuovo và tồn tại đến ngày nay.
Ngày nay, Pasquino vẫn được dùng làm nơi dán các thông điệp châm biến. Năm 2011, người dân đã phản ứng trước bê bối tình dục quanh Thủ tướng Silvio Berlusconi. Khi bức tượng trong quá trình sửa chữa, một ghi chép cũng xuất hiện tại đó: “Bạn có thể trùm kín Pasquino, nhưng nó sẽ không bao giờ im miệng”.
Anh Minh (Theo Amusing Planet)
Nguồn: Vnexpress.net