Những cặp vợ chồng bị lãng quên ở Trung Quốc

0
47

Mất đứa con duy nhất nhưng không thể sinh thêm vì chính sách một con kéo dài nhiều năm, nhiều cặp vợ chồng xứ tỷ dân đối mặt sự cô đơn, bấp bênh khi về già.

Đối với người làm cha mẹ, việc mất đi đứa con là nỗi đau khó diễn tả bằng lời. Ở Trung Quốc, nỗi đau đó dường như còn kinh khủng hơn khi đứa con duy nhất không còn.

Đó là kết luận của một dự án nghiên cứu về nỗi đau cha mẹ mà nhà nhân chủng học Li Hong Shi thực hiện ở Trung Quốc từ năm 2016, theo Channel News Asia.

Từ năm 1980 đến năm 2015, chính phủ Trung Quốc giới hạn các cặp vợ chồng chỉ được sinh một con.

Li đã phỏng vấn hơn 100 phụ huynh Trung Quốc lập gia đình trong thời kỳ này và mất đi đứa con duy nhất, dù là với lý do bệnh tật, tai nạn, tự tử hay giết người. Đã quá tuổi sinh sản vào thời điểm con qua đời, những cặp vợ chồng này không thể sinh thêm đứa khác.

Vào năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã nâng giới hạn sinh lên 2 khi dân số đất nước ngày càng già hóa. Tới tháng 5 vừa qua, các cặp vợ chồng đất nước tỷ dân chính thức được cho phép có đến 3 con.

Tuy nhiên, nhiều người dân Trung Quốc tỏ ra khá thờ ơ với chính sách mới này. Không ít cặp vợ chồng cho biết họ không muốn có nhiều con do chi phí nuôi dạy ngày càng cao.

Những bậc cha mẹ không con Li phỏng vấn chia sẻ họ cảm thấy bị lãng quên khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu thay đổi các chính sách sinh đẻ so với ban đầu – điều đã khiến họ phải chịu nỗi cô đơn, bấp bênh khi về già, nhất là ở một đất nước xem con cái là yếu tố đem lại sự chắc chắn, an tâm cho người già.

nguoi gia Trung Quoc khong con cai anh 1

Trung Quốc duy trì chính sách một con trong nhiều năm để tập trung phát triển kinh tế. Ảnh: AP.

Đứa con duy nhất

Cho đến đầu những năm 1970, hầu hết mỗi phụ nữ Trung Quốc có ít nhất 5 con. Đến năm 1979, dân số Trung Quốc đã đạt gần 1 tỷ người, so với con số 542 triệu vào năm 1949.

Vì vậy, Trung Quốc bắt đầu áp dụng “chính sách một con”, nhằm làm chậm tốc độ tăng dân số và tập trung vào phát triển kinh tế. Chính phủ đất nước tỷ dân tuyên bố chính sách này đã ngăn 400 triệu ca sinh ở Trung Quốc, dù con số này bị cho là phóng đại.

Thời gian đầu, chính sách một con không được nhiều người Trung Quốc hưởng ứng.

“Hồi đó, chúng tôi muốn có thêm con. Thậm chí cha mẹ còn khó chấp nhận việc vợ chồng tôi chỉ được phép có một con hơn cả chúng tôi”, một phụ nữ trong độ tuổi 60 kể khi được phỏng vấn trong nghiên cứu năm 2017.

nguoi gia Trung Quoc khong con cai anh 2

Dân số Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng vì chính sách một con. Ảnh: EPA.

Để thực thi có hiệu quả chính sách một con, chính quyền Trung Quốc đã ban hành nhiều biện pháp nghiêm ngặt, bao gồm việc tránh thai bắt buộc và phá thai. Những người vi phạm chính sách sẽ bị phạt tiền, có nguy cơ mất việc, những đứa trẻ sinh ra trái phép thường không được đăng ký quyền công dân và hưởng quyền lợi.

Khi được Li phỏng vấn, một số bà mẹ cho biết họ đã mang thai đứa con thứ 2 hoặc thứ 3 vào những năm 1980, 1990 nhưng phải phá bỏ vì sợ mất việc làm.

Nhờ chính sách hà khắc, Trung Quốc góp phần hình thành nên cơ cấu tuổi có lợi cho nền kinh tế: nhóm dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh so với nhóm dân số trẻ và lớn tuổi.

Bất cập

Tuy nhiên, chính sách một con của Trung Quốc cũng tạo ra rủi ro cho các cặp vợ chồng: nhiều người có khả năng phải chịu cảnh cô đơn khi về già nếu không may mất đi đứa con duy nhất.

“Các gia đình như bước đi trên sợi dây mảnh, có thể ngã xuống bất cứ lúc nào. Chúng tôi là những người như vậy, những người không may mắn”, một bà mẹ bày tỏ.

Ở Trung Quốc, nơi hệ thống lương hưu và chăm sóc sức khỏe còn chắp vá và phân tầng cao, con cái trưởng thành là nơi để nhiều bậc cha mẹ dựa vào khi về già, cả về tinh thần và tài chính.

Năm 2010, ước tính khoảng 1 triệu cặp vợ chồng Trung Quốc đã mất đi đứa con duy nhất. Những ông bố bà mẹ này hiện đã ở tuổi 50, 60, phải đối mặt với một tương lai bất ổn khi không còn con cái cạnh bên.

Trong thập kỷ qua, nhiều gia đình cô quạnh đã thương lượng với chính quyền Trung Quốc, yêu cầu hỗ trợ tài chính và kết nối các cơ sở chăm sóc người cao tuổi với giá cả phải chăng.

nguoi gia Trung Quoc khong con cai anh 3

Nhiều cặp vợ chồng cô quạnh, đối mặt tương lai không chắc chắn khi về già vì mất đi đứa con duy nhất. Ảnh: AFP.

Trong nghiên cứu của Li, nhiều người bày tỏ họ đã hoàn thành nghĩa vụ công dân khi tuân thủ quy tắc một con và cảm thấy bây giờ chính phủ nên có trách nhiệm chăm sóc họ khi về già.

Bắt đầu từ năm 2013, chính phủ Trung Quốc đã khởi xướng nhiều chương trình dành cho nhóm gia đình không con cái, đáng chú ý nhất là trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm chăm sóc tại bệnh viện và trợ cấp chăm sóc tại nhà dưỡng lão ở một số vùng.

Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng cho rằng các chương trình này không đủ để đáp ứng nhu cầu được chăm sóc của họ.

Ví dụ, khi nằm viện, những người có con cái trưởng thành sẽ được con chăm sóc, giúp tắm rửa, mua đồ ăn. Trong khi đó nếu muốn những điều tương tự, những người cao tuổi không con cái phải thuê người chăm sóc với giá có thể lên tới 300 nhân dân tệ/ngày.

Dựa trên nghiên cứu của Li, ở các khu vực cung cấp chương trình bảo hiểm chăm sóc tại bệnh viện do chính phủ chi trả cho người già neo đơn, hầu hết chỉ hỗ trợ 100-200 nhân dân tệ/ngày.

Nhiều người Li phỏng vấn lại bày tỏ sự lo lắng về chi phí cao và chất lượng hạn chế của các viện dưỡng lão ở một số vùng. Hệ thống cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở Trung Quốc không thể đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng già hóa và việc sống trong các cơ sở này thường không được bảo hiểm chi trả.

Chính sách một con gây tranh cãi của Trung Quốc đã đi vào quá khứ, nhưng mức độ hậu quả nó để lại còn phụ thuộc vào cách các nhà chức trách Trung Quốc đối xử với những bậc cha mẹ cô quạnh ra sao.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn