Sự gắn bó cùng tình yêu thương của những người ruột thịt luôn thôi thúc các nhà văn viết nên câu chuyện xúc động. Dưới mỗi mái nhà luôn có nước mắt cùng bao nụ cười.
Có người may mắn được sinh ra trong một gia đình đủ đầy, được cha mẹ bao bọc. Có thể, số phận muốn thử thách một ai đó khi họ chào đời dưới một mái nhà không hoàn hảo. Thế nhưng, chỉ cần có tình yêu thương, ngôi nhà nào cũng sẽ trở thành mái ấm. Dưới đây là một số tiểu thuyết cảm động về đề tài gia đình.
Tiểu thuyết Những lá thư không gửi chinh phục bạn đọc bởi cách kể chuyện nhẹ nhàng, giàu xúc cảm. Ảnh: Quỳnh Anh. |
Những lá thư không gửi
Với tiểu thuyết Những lá thư không gửi của nhà văn người Pháp gốc Mỹ Susie Morgenstern là một câu chuyện cảm động khiến người đọc lưu luyến và mỉm cười. Nhân vật chính của tác phẩm là chú nhóc Ernest Morlaisse. Với nhiều người, cậu bé giống như ông lão 80 đang sống trong hình hài của một đứa bé học lớp năm.
Sau khi mẹ mất, cậu nhóc tội nghiệp sống cùng bà ngoại trong một căn hộ cũ kỹ. Đứa trẻ đáng thương ấy chưa từng được gặp cha. Thế nhưng, trong lòng cậu luôn tồn tại nỗi niềm chẳng thể nào nguôi cho ông bố xa lạ ấy. Một ngày của Ernest thật tẻ nhạt, tan học cậu sẽ về nhà ăn tối, làm bài tập và đi ngủ. Mọi chuyện thay đổi khi cô bé hoạt bát Victoire xuất hiện.
Khi biết Ernest chưa từng được sống trong bầu không khí của một gia đình trọn vẹn, cô bạn tốt bụng đã mời cậu tới nhà ăn tối. Khác với Ernest, Victoire lớn lên trong một gia đình đông đúc, cô bé có tới 13 người anh trai. Căn nhà của họ luôn rộn rã tiếng cười. Biết được Ernest luôn muốn nhận được một lá thư tay, Victoire đã năn nỉ anh trai mình viết thư cho cậu bạn.
Một ngày kia, số mệnh đã mang tới cho cậu bé tội nghiệp một món quà bất ngờ. Ernest nhận được một thùng đầy thư. Đó là những lá thư bố viết cho cậu. Sau khi mẹ của Ernest ra đi, bố cậu không thể nào vượt qua được nỗi đau ấy. Ông không dám đối mặt với con trai. Nhưng trong suốt quãng thời gian xa cách ấy, người bố tội nghiệp luôn nhớ và thương Ernest thật nhiều.
Tiểu thuyết Người anh không lớn của nhà văn người Pháp Marie-Aude Murail. Ảnh: Sachnhanam. |
Người anh không lớn
Sau cái chết của mẹ, bố của Kléber không muốn các con ảnh hưởng đến cuộc sống mới của mình. Hai anh em cậu phải nương tựa lẫn nhau.
Chăm sóc một người bị thiểu năng không phải là chuyện đơn giản. Điều đó khó khăn gấp bội với một cậu học trò lớp 12 như Kléber. Đã hơn 20 tuổi, nhưng trí tuệ của Simple chỉ như một đứa trẻ lên ba. Mọi thứ với anh đều đơn giản
Cuộc sống của hai anh em luôn đầy rẫy những khó khăn. Kléber biết mình phải dịu dàng với người anh tội nghiệp, hơn ai hết Simple luôn muốn sống một cuộc đời bình thường. Thế nhưng nhiều khi một cậu trai mới lớn như Kléber không kiềm chế được và quát mắng anh trai. Còn Simple luôn ngây thơ như một đứa trẻ, anh chẳng giận dai bao giờ.
Tuy cuộc đời mang tới cho hai anh em nhiều thử thách, nhưng may mắn thay luôn có những con người tốt bụng sẵn sàng giúp đỡ họ. Lắm lúc Simple làm Kléber thấy mệt mỏi, nhưng cả hai không thể sống thiếu nhau, bởi hai anh em là một gia đình.
Nhà văn người Pháp Marie-Aude Murail đã mang đến một câu chuyện cảm động với văn phong chậm rãi và cách kể chuyện đầy lôi cuốn. Một tác phẩm không có những chi tiết kịch tính, nhưng người đọc vẫn không thể rời mắt khỏi trang giấy.
Bên cạnh câu chuyện cảm động về tình mẫu tử, nhà văn Park Sung Kyung còn cho người đọc thấy những khó khăn mà các bà mẹ đơn thân ở Hàn Quốc phải vượt qua. Ảnh: Nhã Nam. |
Mẹ xấu
Cuốn tiểu thuyết của nhà văn người Hàn Quốc Park Sung Kyung xoay quanh những mâu thuẫn của anh chàng mới lớn Ji Hwan và mẹ.
Lớn lên cùng người mẹ đơn thân, Ji Hwan không biết cha mình là ai, nhiều lần cậu đã hỏi mẹ, nhưng bà thường im lặng hoặc tìm cách né tránh. Đôi khi Ji Hwan tự hỏi người phụ nữ sắp bước vào tuổi trung niên kia có phải là mẹ mình không?
Mẹ của Ji Hwan giống như một thiếu nữ mắc kẹt trong thể xác của một người phụ nữ 36 tuổi. Bà không biết nấu ăn, luôn mơ mộng và thích làm thơ. Trong ký ức của Ji Hwan, chưa bao giờ cậu được ăn một bữa cơm tươm tất, với những món ăn nóng hổi. Bữa tối của cậu thường là những thức ăn bị cháy, do mẹ mải nghĩ ngợi linh tinh trong lúc nấu nướng.
Không mang tới cho con trai một gia đình hoàn hảo, cũng chẳng chu toàn như những bà mẹ khác, nhưng mẹ của Ji Hwan luôn cố gắng hiểu con trai mình. Bà chưa từng áp đặt cậu.
Sâu trong tâm khảm, người mẹ ấy cũng muốn được con thấu hiểu và tha thứ. Cuộc sống luôn bắt con người chấp nhận những điều không hoàn hảo, và gia đình là nơi đầu tiên dạy chúng ta điều đó.
David Walliams luôn biết cách lồng ghép yếu tố hài hước vào trong những câu chuyện cảm động về gia đình. Ảnh: Nhã Nam. |
Ông nội vượt ngục
Cuốn tiểu thuyết có nhan đề độc đáo này là một sáng tác của nhà văn người Anh David Walliams. Arthur Bunting là một ông lão góa vợ, đầu óc đã không còn minh mẫn. Con trai và con dâu luôn lo sợ ông sẽ gặp nguy hiểm nếu sống một mình. Đưa cha vào viện dưỡng lão là phương án hợp lý hơn cả. Ông cụ sẽ được chăm sóc tử tế và con cháu không phải lo lắng nữa.
Thế nhưng, bệnh đãng trí của người già khiến Arthur Bunting luôn coi bản thân là một phi công đang phục vụ trong Không quân Hoàng gia. Cuộc sống ở viện dưỡng lão thật nhàm chán, nó khiến vị phi công tài ba ngán đến tận cổ. Ông lão dự định sẽ thực hiện một “cuộc đào tẩu” khỏi viện dưỡng lão. Arthur cần một trợ thủ, và người được chọn không ai khác chính là Jack, đứa cháu nội nhút nhát của ông.
Hai con người một già, một trẻ ấy đã mang tới cho độc giả một câu chuyện hài hước, đầy tiếng cười và rất ấm áp. Chính sự hóm hỉnh của ông nội Arthur đã khiến cho tình bạn của ông và Jack không còn khoảng cách. Ai rồi cũng có lúc phải già đi, và rắc rối luôn rình rập chúng ta ở ngoài kia mà không hề báo trước. Thế nhưng, gia đình mãi luôn là điểm tựa trong lúc khó khăn!
Nguồn: News.zing.vn