“Red Notice” quy tụ các ngôi sao hạng A gồm The Rock, Ryan Reynolds và Gal Gadot trong các vai chính. Bên dưới lớp vỏ hành động hào nhoáng, bộ phim để lộ nhiều vấn đề bất cập.
Red Notice được Netflix đầu tư kinh phí sản xuất ước tính lên tới 150 triệu USD, quy tụ nhiều ngôi sao ăn khách hàng đầu Hollywood vào phi vụ trộm cắp cổ vật vòng quanh thế giới. Tác phẩm ăn điểm nhờ khâu dàn dựng và phần hình ảnh đẹp mắt. Tuy nhiên, bên dưới lớp vỏ hào nhoáng ấy là một cốt truyện thiếu thuyết phục.
‘Chiếc áo không làm nên thầy tu’
Red Notice được đạo diễn Rawson Marshall Thurber xây dựng theo đúng chuẩn “văn mẫu” của Hollywood như sao hạng A, bối cảnh hoành tráng, hành động dồn dập lồng ghép yếu tố hài hước, cốt truyện đơn giản theo mô-típ buddy-cop bất bại. Trước khi lên sóng dịch vụ xem video trực tuyến Netflix hôm 12/11, phim đã được phát hành giới hạn tại một số cụm rạp ở Bắc Mỹ từ ngày 5/11.
Dù tung Red Notice ra rạp với Netflix chỉ là hành động quảng bá mang tính kỷ niệm, bộ phim với Dwayne “The Rock” Johnson, Ryan Reynolds và Gal Gadot vẫn thu về xấp xỉ một triệu USD sau ba ngày cuối tuần từ 700 cụm rạp Bắc Mỹ (theo The Hollywood Reporter). Con số ngang bằng thành tích của Army of the Dead, bộ phim trộm cướp lấy đề tài xác sống của Zack Snyder do Netflix đầu tư sản xuất, khi ra rạp hồi tháng 5.
Tương tác giữa bộ ba ngôi sao trên màn ảnh không phải lúc nào cũng mượt mà, cuốn hút. |
Trong phim, The Rock vào vai John Hartley, nhân viên cảnh sát nhận trách nhiệm ngăn chặn hai tên trộm nghệ thuật Nolan Booth (Ryan Reynolds) và Bishop (Gal Gadot) thu thập đủ ba trái trứng nạm ngọc Mark Antony từng dâng tặng Cleopatra làm tín vật tình yêu. Hartley và Booth nhanh chóng nhận ra mình đã bị Bishop dắt mũi. Bất đắc dĩ, họ phải bắt tay để đấu lại nữ tặc.
Trên các trang chấm điểm phim, giới phê bình không quá mặn mà với màn trình diễn của ba ngôi sao quyền lực. Dù người dùng Rotten Tomatoes hào phóng chấm phim 4,3/5 điểm, 61% cây bút phê bình (tương ứng với 69/114 người) đưa nhận xét tiêu cực về Red Notice. Câu chuyện cũng lặp lại trên Metacritic. Red Notice nhận điểm Metascore 36/100 và 5,7/10 từ khán giả.
Vẻ bề ngoài bóng bẩy cùng hào quang từ các ngôi sao lớn không thể che giấu sự thật Red Notice sở hữu cốt truyện rời rạc, rối rắm và yếu dần về cuối. Âm mưu trộm cắp của các siêu trộm nhạt nhẽo, dựa vào vận may nhiều hơn kỹ năng. Dàn nhân vật của phim, bất kể chính phụ, đều là “giang hồ miệng” thay vì những hình tượng khiến khán giả trầm trồ xen lẫn kinh sợ.
Bộ phim với nhiều dấu hỏi lớn
Dù đã dày công cài cắm nhiều âm mưu ẩn, sắp đặt các tình huống đối đầu kịch tính, diễn biến phi vụ trộm trứng trong Red Notice dựa quá nhiều vào yếu tố may rủi. Đặc biệt, toàn bộ trường đoạn nhân vật tìm kiếm trái trứng ngọc thứ ba dễ khiến người xem nhớ đến hai phần phim Indiana Jones and the Rider of the Lost Ark (1981) và Indiana Jones and the Kingdom of the Crystal Skull (2008) – tất nhiên với sự cải tiến đáng kể về công nghệ hình ảnh.
Nữ đạo chích Bishop được giới thiệu là trùm phản diện khiến nam chính lao đao, nhưng chiến tích lẫy lừng của cô đều là kể lại, còn chiến thắng trên màn ảnh đều tuân theo một kịch bản “ngư ông đắc lợi” nhàm chán. Điều này khiến nhân vật gián tiếp mất đi sự nguy hiểm và thiện nghệ mà bộ phim dày công tô vẽ.
Hậu trường Red Notice khi ghi hình giữa thời điểm đại dịch căng thẳng. |
Hồi 2016, khán giả từng cười nhạo chi tiết Batman (Ben Afleck) và Superman (Henry Cavill) đang đánh nhau thừa sống thiếu chết trong Batman v Superman: Dawn of Justice bỗng đột ngột làm hòa khi phát hiện mẹ họ cùng tên Martha. Ngày nay, trong Red Notice, ám ảnh về những ông bố tồi (daddy issues) đã trở thành cái cớ để các nhân vật từ thù thành bạn.
Hartley và Booth không phải những người duy nhất bị sang chấn tâm lý vì tuổi thơ sóng gió. Trên thực tế, dường như mọi nhân vật xuất hiện trong Red Notice đều gặp vấn đề với các ông bố vô trách nhiệm. Quá khứ sóng gió trở thành cái cớ biện minh cho sự sa ngã của họ ở tuổi trưởng thành. Những khán giả với tuổi thơ không êm đềm có thể sẽ chạnh lòng khi thấy mình được mô tả trên màn ảnh theo cách này.
Tiếp đến, dễ nhận ra trong bộ phim những tình tiết trên trời rơi xuống, được thêm vào chỉ vì câu chuyện cần gì đó làm bước ngoặt. Ví như nhà tù được canh gác nghiêm ngặt bậc nhất đột ngột xuất hiện lỗ thủng lớn trên tường chờ đợi hai nhân vật chính đến sửa chữa. Trong cảnh hỗn loạn, một phạm nhân đã lựa chọn đánh cai ngục thay vì thừa cơ bỏ trốn. Gã cũng chẳng buồn nhân cơ hội rối ren để tẩn bạn tù làm mình ngứa mắt, dù kẻ đó chạy qua ngay trước mặt.
Như một lẽ đương nhiên, trong các bộ phim trộm cướp, lực lượng chức năng hiếm khi ngang cơ tội phạm. Kịch bản này một lần nữa lặp lại với Red Notice. Interpol, dẫn đầu bởi nữ thám tử Urvashi Das (Ritu Arya) có nhiệm vụ truy bắt Booth, nhưng hết lần này tới lần khác đều thành công nhờ chỉ điểm.
Trong vụ trộm trái trứng ngọc thứ hai, Das đã có cơ hội tóm được Booth. Nhưng sự xuất hiện không đầu không cuối của cô ngoài tác dụng giải thích nguồn gốc cái còng tay trong cảnh sau thì hoàn toàn gây rối cho bộ phim.
Red Notice dành tặng khán giả một bất ngờ vào phút cuối. Nó góp phần giải quyết một vài điểm bất hợp lý trong hai hồi đầu, nhưng về tổng thể xem chừng lợi bất cập hại. Việc kéo dài đoạn kết phim – nhiều khả năng dọn đường cho hậu truyện – khiến phim trở nên phức tạp một cách không đáng có. Màn cameo của Ed Sheeran từ chỗ ẩn ý chế nhạo thói xa hoa hình thức trở thành pha trình diễn cồng kềnh, kỳ quặc, kém duyên.
Cú lật ngược tình huống cũng gây ra sự bối rối về mặt cảm xúc. Dù sau cùng kịch bản vẫn dàn xếp ổn thỏa chuyện ăn miếng trả miếng giữa ba nhân vật chính, người xem không thể xóa khỏi đầu cảm giác thứ mình vừa chứng kiến không phải kế hoạch lừa đảo hai tầng mà là một âm mưu bắt nạt công khai kiểu Carrie.
Nguồn: News.zing.vn