Hình thỏ bằng kim loại được gắn trên đường phố như biểu tượng để chỉ chúng có thể đào hầm và không bị cản trở bởi bức tường Berlin.
Trong quá khứ, Berlin từng bị chia cắt thành hai phần Đông – Tây bởi một bức tường bê tông kéo dài 155 km. Nó còn được biết đến như biểu tượng của chiến tranh Lạnh và việc chia cắt nước Đức. Hàng đêm, bức tường với những dây thép gai được chiếu sáng, có lính tuần tra và những con chó luôn chực chờ tìm kiếm kẻ vượt rào.
Tuy nhiên, bức tường chỉ thành công trong việc ngăn chặn con người đi từ Đông sang Tây Đức mà không thể cản bước loài thỏ, vốn tự do qua lại giữa hai bên. Vì thế, hình ảnh những con thỏ trên đường phố Berlin ra đời như nhắc nhở người dân nước Đức nhớ về sự tự do mà họ từng có.
Hình ảnh con thỏ bằng đồng trên đường phố Berlin. Ảnh: Flickr. |
Khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1990, số lượng loài thỏ theo đó cũng giảm dần. Chúng biến mất trong những công viên, bụi cây hay khu vườn rộng lớn. Phần lớn trong số đó di cư về phía tây và chỉ còn duy nhất một loài ở phía đông.
Để tưởng nhớ về những con thỏ thời Bức tường Berlin, năm 1999, nghệ sĩ Karla Sachse đã tạc hình thỏ bằng đồng trên đường phố và vỉa hè ở khu vực Chausseestrasse. Dự án có tên gọi “Kaninchenfeld” mang ý nghĩa “khu vực của thỏ” trong tiếng Đức. Một phần trong số đó đặt tại con đường chia cắt cũ của Berlin.
Chỉ một phần rất nhỏ các bức hình nguyên vẹn còn sót lại. Ảnh: Flickr. |
Tuy nhiên, điều đáng buồn là một lượng lớn những bức hình đang dần biến mất dưới lớp nhựa đường hoặc bị phá hủy trong quá trình xây dựng mới. Những hình ảnh từng là biểu tượng giờ đã không còn nhận được sự quan tâm như trước. Rất khó để biết được bao nhiêu tấm hình còn sót lại, nhưng hình ảnh về một con thỏ chạy giữa hai miền Đông-Tây vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong lịch sử nước Đức ngày nay.
Xem thêm: 8 công trình nghệ thuật tưởng niệm bức tường Berlin
Nguồn: Vnexpress.net