Hyundai và Toyota dẫn đầu về thị phần ôtô tính đến quý II, trong khi đó Thaco có tổng lượng xe du lịch bán ra nhiều nhất thị trường với sự tăng trưởng mạnh của Kia.
Trải qua nửa năm 2021, thị trường ôtô Việt Nam nhìn chung đang ghi nhận kết quả khả quan so với cùng kỳ năm trước. Từ doanh số tổng 82.500 xe du lịch cách đây một năm, 11 thương hiệu ôtô Việt Nam nay đã bán được gần 130.000 xe, tăng trưởng đến 57%.
Trong đó, nhiều nhà sản xuất ghi nhận kết quả kinh doanh tăng đáng kể và có ưu thế lớn trong cuộc đua doanh số. Song song đó, một vài hãng xe chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ khiến thị phần bị ảnh hưởng. Các thống kê dưới đây được tính đến hết tháng 5/2021, theo số liệu báo cáo từ VAMA, TC Motor và VinFast.
Doanh số thị trường ôtô Việt Nam | |||||||||||||
Đơn vị: chiếc (Tính đến hết tháng 5/2021) | |||||||||||||
Nhãn | Hyundai | Toyota | Kia | Mitsubishi | VinFast | Mazda | Honda | Ford | Suzuki | Peugeot | Isuzu | ||
pie | 24276 | 24075 | 18266 | 13090 | 12421 | 11435 | 10134 | 9778 | 3139 | 2895 | 142 |
Cuộc đua song mã Hyundai và Toyota
Trong vòng 2 năm trở lại đây, ngôi vị thương hiệu xe bán tốt nhất của Toyota đã bị Hyundai chiếm lấy. Từ vị thế dẫn đầu trong thời gian dài, hãng xe Nhật Bản đang phải cố gắng để duy trì doanh số khi gặp phải nhiều thách thức cạnh tranh, không chỉ đến từ Hyundai mà còn nhiều nhà sản xuất khác.
Hiện tại, doanh số ôtô du lịch của Hyundai và Toyota tính đến hết tháng 5/2021 lần lượt là 24.276 xe và 24.075 xe, cùng tăng khoảng 4.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước và bám sát nhau.
Tỷ lệ thị phần đang nắm giữ tương ứng là 18,7% cho Hyundai và Toyota có 18,6%. Trong khi đó, cách đây 6 tháng thì thị phần của 2 hãng xe này có cao hơn đôi chút, với 21,7% của Hyundai và 20,9% cho Toyota khi kết sổ năm 2020.
Hyundai hiện có 6 dòng xe và đội hình này chưa bằng một nửa dải sản phẩm của Toyota tại Việt Nam. Cùng với đó, Elantra và Kona hiện không còn duy trì được sức cạnh tranh tốt trước các đối thủ đồng hương như Kia Cerato hay Seltos.
Tuy vậy, 4 model còn lại của hãng xe Hàn Quốc vẫn đang có được thứ hạng tốt trong phân khúc, không nhất thì nhì và duy trì được doanh số ổn định để bù đắp cho sự hạn chế về số lượng mẫu mã.
Hơn 87% doanh số của Hyundai trong 5 tháng đầu năm đến từ Accent (8.578 xe), Grand i10 (5.364 xe), Santa Fe (4.135 xe) và Tucson (3.215 xe). Các kết quả này đến từ việc Hyundai tạo dựng được lợi thế về giá bán, mẫu mã và chăm chỉ cập nhật đời xe mới hơn Toyota.
Về phía Toyota, một loạt dòng xe chủ chốt trước đây như Innova, Fortuner hay Camry đánh mất sức hút và doanh số giảm mạnh so với cùng kỳ. Lý do đến từ việc chậm thay đổi, cũng như các phiên bản nâng cấp không hấp dẫn khi so sánh với đối thủ.
Điều này đẩy các dòng xe Toyota vừa kể vào tình cảnh lép vế trước Mitsubishi Xpander, Hyundai Santa Fe và VinFast Lux A2.0. Đây cũng được xem là một trong các lý do quan trọng khiến tổng doanh số cả năm 2020 của Toyota kém hơn Hyundai. Dù vậy, Toyota vẫn đang giữ được khoảng cách sát sao với hãng xe Hàn Quốc nhờ vào Vios và Corolla Cross.
Mẫu sedan hạng B sau vài tháng loay hoay trong giai đoạn nâng cấp đời xe 2021 vừa lấy lại được vị trí dẫn đầu phân khúc và thu hẹp cách biệt doanh số với Accent. Song song đó, sự vươn lên đúng lúc của Corolla Cross giúp Toyota khỏa lấp phần suy giảm của những mẫu xe khác.
Sự vươn lên của Kia, Mitsubishi và VinFast
Lượng xe bán ra tăng nhưng thị phần thấp hơn trước của Hyundai và Toyota cho thấy những hãng xe khác có sự tăng trưởng mạnh. Đáng chú ý nhất có thể đến Kia, Mitsubishi và VinFast.
Trong 2 năm trở lại đây, bộ ba này đã thay thế cho những thương hiệu “kỳ cựu” là Mazda, Honda, Ford để bước vào nhóm 5 hãng xe có thị phần cao nhất tại Việt Nam.
Kia đang là thương hiệu ôtô bán tốt thứ 3 trên thị trường với doanh số khoảng 18.200 xe, tính đến hết tháng 5 vừa qua. Con số này cao hơn gấp đôi doanh số gần 8.500 xe ở cùng kỳ năm trước và giúp Kia có trong tay hơn 14% thị phần.
Bên cạnh việc thị trường ôtô đầu năm 2021 có sức mua tốt hơn thời điểm cách đây một năm, sự tăng trưởng của Kia còn có sự đóng góp lớn của 2 mẫu SUV mới là Seltos và Sorento.
Bộ đôi này xuất hiện đúng vào giai đoạn thị hiếu người dùng chuyển sang ưa chuộng xe gầm cao. Doanh số tốt của Kia Seltos và Sorento đã “gánh vác” được sự sa sút của các dòng xe gầm thấp như Morning, Soluto hay Optima.
Mitsubishi cũng là cái tên nổi bật trên thị trường khi đang có doanh số tích lũy hơn 13.000 xe, tăng trưởng khoảng 76,6% so với cùng kỳ tháng 5/2020 và chiếm 10,1% thị phần.
Thực tế, Mitsubishi trong năm qua không điểm nhấn nào quá đáng kể, hãng xe Nhật Bản chủ yếu giới thiệu các bản nâng cấp và dàn trải chính sách giảm giá để duy trì doanh số.
Công lớn trong kết quả kinh doanh hiện tại của vẫn là mẫu “MPV quốc dân” Xpander với doanh số hơn 7.100 chiếc, chiếm gần một nửa lượng xe Mitsubishi bán ra. Trong khi đó, Attrage nhờ loạt chương trình giảm giá hồi quý I cũng đang có phong độ tốt.
Đổi lại, Mitsubishi Pajero Sport, Outlander và Triton vẫn đang loay hoay để tìm cách thu hẹp khoảng cách với các đối thủ mạnh như Ford Everest, Mazda CX-5 hay Ford Ranger.
Sau một năm tham gia cuộc đua thị phần với các báo cáo bán hàng mỗi tháng, VinFast đang xây chắc vị trí của mình khi vượt qua hàng loạt hãng xe “thâm niên” trên thị trường.
Dù vậy, thực tế là 3 dòng xe VinFast hơn 2 năm qua chưa có nâng cấp nào đáng kể và gia đề xuất cao hơn các dòng xe cùng hạng trên thị trường nên phải thường xuyên giảm giá sâu để cạnh tranh doanh số.
Tác dụng hiệu quả nhất thể hiện ở Fadil với 7.575 xe, chiếm gần 61% lượng xe bán ra của VinFast. Doanh số 12.400 xe của VinFast tương đương 9,58% thị phần, xếp trên Mazda (8,82%), Honda (7,82%) và Ford (7,54%). Những vị trí sau cùng trong bảng xếp hạng này vẫn là Suzuki (1,56%), Peugeot (1,05%) và Isuzu (0,32%).
Chặng nước rút cuối năm
Trong quý III và IV sắp tới, cuộc cạnh tranh ở nhóm đầu có thể sẽ diễn ra quyết liệt hơn khi thị trường bước qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh. Bên cạnh các dòng xe ăn khách quen thuộc trên thị trường hiện nay, diễn biến của giai đoạn nửa sau năm 2021 được dự báo sẽ có thêm sự can thiệp của nhiều cái tên mới đang được chờ đợi.
Hyundai Tucson và Elantra ra mắt tại Việt Nam đã được 2 năm. Ảnh: TC Motor. |
Hyundai đang nắm giữ ưu thế để nới rộng khoảng cách với Toyota khi hãng xe Hàn Quốc vẫn còn vài quân cờ chiến lược sẵn sàng “ra trận”. Đó là các phiên bản nâng cấp của Kona, Tucson hay Elantra, những model này đã có mặt trên thị trường thế giới gần một năm nay và có nhiều tiềm năng để bán tốt khi ra mắt tại Việt Nam.
Trong khi đó, Toyota đã tập trung “thay máu” dải sản phẩm từ giữa năm 2020 nhưng đến nay loạt xe mới như Innova, Fortuner, Corolla Altis hay Wigo chỉ để lại nhiều sự thất vọng.
Tân binh đáng chờ đợi nhất là Toyota Camry nếu được trình làng cũng khó có thể tạo được cú hích cho hãng xe Nhật Bản. Nhóm sedan hạng D nay đã không còn được ưa chuộng như trước, doanh số bình quân của Camry hiện chỉ khoảng 400/xe tháng.
Bên cạnh đó, Toyota còn phải dè chừng Kia khi thương hiệu này đang đạt phong độ cao và có loạt xe mới rất đáng chờ đợi. Danh sách có thể kể đến Cerato facelift, Sedona 2021 hay Optima nâng cấp giữa đời.
Ngoài ra, không thể không kể đến khả năng Thaco giảm giá diện rộng cho Kia và Mazda để cạnh tranh thị phần với Hyundai cũng như Toyota. Thực tế, Thaco với 3 thương hiệu Mazda, Kia và Peugeot mới là “ông lớn” nắm giữ nhiều thị phần ôtô nhất trong vài năm qua tại Việt Nam.
Với Mitsubishi, khi Xpander còn duy trì được sức hút thì hãng xe này vẫn có thể an tâm và hài lòng với vị trí hiện tại trên bảng xếp hạng doanh số. Trong khi đó, VinFast nhiều khả năng sẽ kéo dài chính sách khuyến mại để đảm bảo sức mua ổn định cho Fadil cũng như 2 mẫu xe Lux.
VinFast sẽ có thêm mảng xe điện vào tháng 11 khi mẫu VF e34 bắt đầu được bàn giao. Tuy nhiên, ôtô điện vẫn là phân khúc mới và cần thời gian để thu được kết quả rõ ràng, không dễ để VinFast có thể ngay lập lập tức tạo được đột biến trong 2 tháng cuối năm.
Nguồn: News.zing.vn