Những cuốn sách đoạt giải thưởng thông tin đối ngoại

0
30

Một số cuốn sách có giá trị thông tin đối ngoại vì đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Trong số 102 tác phẩm được trao giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ bảy năm 2021, ấn phẩm Tại sao là Hồ Chí Minh? (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) được trao giải nhì.

Bốn tác phẩm đoạt giải ba gồm: Tinh thần Việt và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 (Nhà xuất bản Thông tấn), Văn hiến Thăng Long – Bằng chứng khảo cổ học (Nhà xuất bản Hà Nội), Saigon: Portrait of city (Nhà xuất bản Thế Giới) và bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ (Nhà xuất bản Trẻ).

Giải khuyến khích của hạng mục Sách trao cho Kiều bào với Trường Sa (Nhà xuất bản Dân trí), Lịch sử Việt Nam bằng tranh (Nhà xuất bản Trẻ), Tuyển tập thơ Tiệp Khắc – Việt Nam (Nhà xuất bản Hội Nhà văn)…

Giai thuong toan quoc ve thong tin doi ngoai anh 1

Bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ. Ảnh: NXB Trẻ.

Tái hiện sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tại sao là Hồ Chí Minh? là công trình của tác giả Song Phil-Kuyng, do Bùi Đình Thắng dịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành.

Cuốn sách trình bày khái quát về lịch sử Việt Nam, từ những địa danh gắn liền từng sự kiện lịch sử đến quê hương, sự nghiệp cách mạng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dưới góc độ của nhà nghiên cứu nước ngoài dành nhiều tình cảm cho Việt Nam, Song Phil-Kuyng đã nêu bật công lao của Hồ Chủ tịch trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Cuốn sách là những ghi chép xuất phát từ tình cảm của tác giả trong suốt thời gian sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Góc nhìn khách quan đó đã giúp tác phẩm giành giải nhì tại giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ bảy.

Bên cạnh Tại sao là Hồ Chí Minh?, bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ do Nhà xuất bản Trẻ thực hiện nhân kỷ niệm 110 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021) được trao giải ba.

Xuất phát từ cuốn sách Hành trình theo chân Bác của tác giả Trần Đức Tuấn (Nhà xuất bản Trẻ phát hành), tấm bản đồ này thể hiện trực quan chặng đường hoạt động của Bác từ năm 1911 đến 1941; qua đó tái hiện quá trình lịch sử tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch.

Giai thuong toan quoc ve thong tin doi ngoai anh 2

Bộ sách Lịch sử Việt Nam bằng tranh gồm 8 cuốn. Ảnh: NXB Trẻ.

Tự hào lịch sử, lãnh thổ đất nước

Cuốn sách song ngữ Việt – Anh Văn hiến Thăng Long – Bằng chứng khảo cổ học do PGS.TS Tống Trung Tín làm chủ biên, Nhà xuất bản Hà Nội phát hành, đoạt giải ba giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại.

Nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội và 10 năm di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới, PGS.TS Tống Trung Tín và các cộng sự của mình đã biên soạn cuốn sách này với mong muốn thông qua một số di tích, di vật khảo cổ học tiêu biểu, công chúng trong và ngoài nước có thể hiểu được giá trị của Di sản Văn hiến Thăng Long.

Ấn phẩm được viết bằng hai ngôn ngữ Anh – Việt, kết hợp phụ lục ảnh, bản đồ, sơ đồ, bản vẽ có in màu sắc nét, sống động, tái hiện nguồn cội và tiến trình phát triển của Văn hiến Thăng Long.

Được trao giải khuyến khích tại giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại, cuốn truyện ký Kiều bào với Trường Sa của nhà văn, dịch giả Hiệu Constant, do Nhà xuất bản Dân trí ấn hành, là tư liệu quý về Trường Sa dành tặng độc giả trong và ngoài nước.

Trong phần cuối truyện, nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nhận xét rằng còn rất nhiều hòn đảo trong quần đảo này nhà văn Hiệu Constant chưa kịp đặt chân đến. Nhưng với cuốn sách, độc giả có thêm “cột mốc chủ quyền” do chính tác giả đã cắm cho huyện đảo Trường Sa.

Bên cạnh đó, Kiều bào với Trường Sa còn thể hiện những tình cảm sâu nặng của kiều bào Việt ở nước ngoài đối với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cùng chung tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào lịch sử dân tộc, bộ sách tiếng Anh Lịch sử Việt Nam bằng tranh do Mai Barry và Patrick Barry dịch, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, cũng được vinh danh với giải khuyến khích.

Bộ sách ra đời nhằm mục đích giới thiệu lịch sử Việt Nam một cách súc tích, sinh động và có hệ thống qua những tranh vẽ minh họa. Qua đó, phản ánh hình ảnh con người và đất nước Việt Nam theo đúng tiến trình lịch sử với không gian, văn hóa, y phục, tính cách phù hợp từng thời kỳ.

Công trình gồm 8 tập: Born of Dragons and Fairies, The Trưng Sisters, Ngô Quyền defeats the Southern Han Army, Emperor Lê Đại Hành, The Dawn of Thăng Long, Lý Thường Kiệt, The Second Victory against the Mongols The Lam Sơn uprising.

Giai thuong toan quoc ve thong tin doi ngoai anh 3

Tập sách ảnh Sài Gòn Covid-19 của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong. Ảnh: Quỳnh My.

Quảng bá cảnh đẹp, con người Việt Nam

Hạng mục Sách của giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại còn vinh danh những ấn phẩm của các tác giả nước ngoài. Họ có thời gian sinh sống, trải nghiệm ở Việt Nam và yêu mến mảnh đất này.

Quyết định sinh sống tại Việt Nam 10 năm nay, nhiếp ảnh gia người Pháp Alexandre Garel đặc biệt dành tình yêu với TP.HCM. Ống kính máy ảnh của anh tập trung hướng về những công trình kiến trúc đặc sắc. Cuốn sách ảnh song ngữ Saigon: Portrait of city (Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành) được trao giải ba tại giải thưởng này.

Tác phẩm thể hiện hình ảnh một TP.HCM trầm mặc, cổ kính nhưng cũng không kém phần hiện đại. Qua mỗi bức ảnh, với phần lời của Tim Doling, nhiếp ảnh gia Alexandre Garel truyền tải thông điệp, mong muốn níu giữ nét đẹp của mảnh đất Sài thành.

Những hình ảnh về con người Việt Nam không chỉ thể hiện qua cảnh quan, kiến trúc, mà còn nằm ở nét đẹp tinh thần của người Việt.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, Việt Nam được thế giới biết đến như một đất nước có những biện pháp đẩy lùi dịch bệnh hiệu quả. Điều đó được tái hiện qua những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á trong cuốn sách ảnh song ngữ Tinh thần Việt và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 (Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành). Tác phẩm được trao giải ba tại giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại.

Cùng viết về chủ đề này, tập sách ảnh Sài Gòn Covid-19 của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM (nay là Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM) cũng được vinh danh tại giải khuyến khích.

Tập sách mang lại những giây phút thổn thức, đôi khi là sự bình yên giữa đất trời TP.HCM trong chuỗi ngày căng mình chống dịch. Đó là những khoảnh khắc đáng nhớ được tác giả ghi lại bằng ống kính máy ảnh của mình. Qua tác phẩm, ta thấy được giọt nước mắt, nụ cười cùng niềm tin vào sức mạnh và ý chí quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn