Nhà kinh tế học Joshua Gans, nhà tương lai học Jason Schenker đưa ra góc nhìn về kinh tế trong bối cảnh hậu Covid-19.
Đại dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng tới mọi mặt và kinh tế toàn cầu. Sản xuất đình trệ, nhiều người mất việc, kinh doanh thua lỗ… Từ năm 2020 đến nay, một số chuyên gia, nhà nghiên cứu đã cho ra mắt các cuốn sách đưa ra dự báo, chiến lược kinh doanh, khởi nghiệp thời Covid-19.
Sách Phục hồi kinh tế sau khủng hoảng Covid-19 và Kinh tế hậu Covid. Ảnh: 1980 Books. |
Jason Schenker là nhà tương lai học và chuyên gia dự báo tài chính. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, ông đã có những dự báo về nhiều mặt đời sống xã hội trong cuốn Tương lai sau đại dịch Covid. Ngay sau khi có cái nhìn bao quát, tác giả đi sâu vào vấn đề kinh tế và có cuốn Kinh tế hậu Covid – Biến nghịch cảnh thành cơ hội, nắm bắt tâm lý thị trường sau đại dịch.
Bản tiếng Việt sách được Nhà xuất bản Lao Động phát hành hồi tháng 9. Trong cuốn sách này, Jason Schenker nêu các chiến lược để ổn định và đạt thành công khi phải đối mặt khủng hoảng.
Sách chứa đựng những lời khuyên giúp vượt qua giai đoạn suy thoái hiện tại, cách thấy những dấu hiệu của đợt suy thoái, tận dụng cơ hội để vươn lên, tránh tình trạng loay hoay tìm cách ứng phó.
Tác giả nêu vấn đề rằng nhiều người nghĩ chẳng thể làm gì khi suy thoái kinh tế ập đến. Họ sẽ tư duy hoặc mình may mắn làm tốt công việc hoặc không may mắn và phải chấp nhận hoàn cảnh. Nhưng nếu hỏi một doanh nghiệp có thể làm gì khi sắp xảy ra suy thoái, người ta sẽ chỉ ra nhiều việc như thu nhỏ hoạt động, đổi tên thương hiệu, thay đổi địa điểm kinh doanh…
“Vậy câu hỏi tôi dành cho bạn là: Nếu một doanh nghiệp có những sự lựa chọn, vậy tại sao bạn lại không? Sự thật là bạn có quyền lựa chọn và những lựa chọn ấy về cơ bản cũng tương tự những lựa chọn của công ty. Hãy coi bản thân như một doanh nghiệp. Vậy nên, những công cụ tương tự mà các doanh nghiệp sử dụng để hiểu rõ tình hình cũng là những công cụ mà bạn có thể sử dụng”, Jason Schenker viết trong sách.
Tác giả cũng đề xuất phương án biến nghịch cảnh thành cơ hội, nắm bắt tâm lý thị trường sau đại dịch.
Từ góc nhìn kinh tế học, Joshua Gans viết cuốn Phục hồi kinh tế sau khủng hoảng Covid-19. Sách được viết khá sớm, xuất bản bằng tiếng Anh tháng 5/2020, bản tiếng Việt phát hành tháng 8/2020.
Tác giả đã xem xét sự hỗn loạn do Covid-19 gây ra, hệ thống lại các lựa chọn kinh tế để đối phó đại dịch. Từ đó, ông đề xuất các giai đoạn của nền kinh tế trong đại dịch, từ giai đoạn ngăn chặn đến thiết lập lại, cuối cùng là phục hồi và phát triển.
Phục hồi kinh tế sau khủng hoảng Covid-19 cung cấp thông tin từ góc nhìn kinh tế học, nêu những giải pháp đang được tiến hành trên toàn cầu nhằm hạn chế dịch bệnh, khôi phục cuộc sống, cả về khía cạnh xã hội lẫn khía cạnh kinh tế.
Sách Start-up trong thời kỳ bình thường mới. Ảnh: NXB Trẻ. |
Doanh nhân Lý Quí Trung quan tâm tới khía cạnh khởi nghiệp trong bối cảnh kinh tế chịu tác động của Covid-19. Ông viết cuốn Start-up trong thời kỳ bình thường mới.
Lý Quí Trung – tác giả của một số đầu sách – cho rằng việc khởi nghiệp thời kỳ này vừa chịu ảnh hưởng của đại dịch, vừa chịu tác động của chuyển đổi số, do đó thách thức và cơ hội gần như tương đương nhau.
Các doanh nghiệp làm sao để thay đổi những cách thức cũ. Thậm chí, làm sao để “khởi nghiệp” lại mô hình kinh doanh cũ, để đáp ứng kịp thời những thay đổi của cuộc chơi mới, trong thời kỳ bình thường mới, là những vấn đề mà tác giả đặt ra trong sách. Với hơn 20 chương sách, tác giả đi từ định nghĩa “khởi nghiệp” tới khi “chiếm lấy trái tim mọi người”.
Sách là những chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm, quan điểm cá nhân, đúc rút kiến thức về khởi nghiệp từ các doanh nhân đã thành công trên thương trường quốc tế.
Tác giả chia sẻ: “Lý do tôi viết cuốn sách này vì chợt nhận ra khi dịch bệnh đến, mọi thứ sẽ thay đổi rất nhiều, không còn như xưa nữa. Các công ty chắc chắn phải được vận hành khác mới tồn tại và phát triển. Cuốn sách có thể giúp các bạn trẻ rút ngắn con đường đến thành công hay ít ra là giảm thiểu ‘sát thương’ khi khởi nghiệp”.
Nguồn: News.zing.vn