Những điều người dân TP.HCM cần lưu ý từ 1/10

0
Những điều người dân TP.HCM cần lưu ý từ 1/10

TP.HCM cho phép mở cửa lại nhiều hoạt động nhưng yêu cầu đáp ứng các tiêu chí nhất định. Người dân chỉ được tham gia nếu đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

phuc hoi kinh te tai TP.HCM anh 1

“Không mở cửa ồ ạt sau 30/9” là quan điểm được lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh nhiều lần khi công bố Chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội tại TP.HCM.

Trên tinh thần “an toàn mới mở cửa, mở cửa phải an toàn”, Chỉ thị 18 của TP.HCM liệt kê 7 nhóm hoạt động được mở lại, trong đó có 9 lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ. Người tham gia cũng cần đáp ứng nhiều điều kiện.

Người ra đường cần đáp ứng điều kiện nào?

Từ 1/10, TP.HCM cho phép phương tiện giao thông cá nhân được lưu thông trong thành phố và công an sẽ dừng kiểm tra giấy đi đường. Các chốt kiểm soát nội thành cũng được giải tỏa.

Tuy nhiên, người dân khi lưu thông phải đáp ứng 2 điều kiện. Đó là có mã QR khai báo di chuyển nội địa trên ứng dụng VNEID và mã QR thể hiện lịch sử tiêm vaccine trên ứng dụng “Y Tế HCM” hoặc “Sổ Sức Khỏe Điện Tử” (đến khi ứng dụng PC-COVID hoạt động). Trường hợp không có mã QR, người dân xuất trình giấy tờ chứng nhận F0 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; hoặc đã tiêm ít nhất một mũi vaccine đủ 14 ngày.

phuc hoi kinh te tai TP.HCM anh 2

CSGT và Công an TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất người đi đường để phát hiện vi phạm. Ảnh: Chí Hùng.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết nếu người dân không thể sử dụng ứng dụng công nghệ, công an sẽ kiểm tra thủ công giấy tờ của người lưu thông. Cụ thể là giấy xác nhận tiêm vaccine hoặc F0 khỏi bệnh.

Thời gian tới, Công an TP.HCM sẽ tăng cường kiểm soát đột xuất, ngẫu nhiên người đi đường. Các trường hợp không đảm bảo điều kiện lưu thông có thể bị xử phạt. Dự kiến, công an lập chốt lưu động, kiểm tra test nhanh khi cần thiết.

TP.HCM đặc biệt khuyến cáo người dưới 18 tuổi chưa nên ra đường bởi nhóm này chưa tiêm vaccine.

Ai được ra – vào TP.HCM từ 1/10?

Hiện, người dân TP.HCM chưa được tự ý sử dụng phương tiện cá nhân ra – vào thành phố. Công an TP.HCM duy trì 12 chốt chính và 39 chốt phụ giáp ranh các tỉnh để kiểm soát người ra/vào.

Lãnh đạo TP.HCM kêu gọi người dân ở lại thành phố. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sẽ được mở lại để tạo công ăn việc làm cho người dân.

Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn đi lại giữa các tỉnh trong vùng cho các đối tượng ưu tiên (công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh…); tổ chức vận chuyển người lao động về thành phố; và trường hợp cấp thiết.

TP.HCM đã lên 3 phương án để đưa người lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến làm việc tại TP.HCM.

Các hoạt động được mở lại cần đáp ứng điều kiện gì?

Để mở cửa trở lại, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải thuộc 7 nhóm được hoạt động trở lại trong Chỉ thị 18.

Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thuộc nhóm đối tượng được hoạt động phải đảm bảo đạt Bộ tiêu chí an toàn cho từng lĩnh vực (hiện đã ban hành 14 bộ tiêu chí) và đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ có thời gian từ nay đến 8/10 để tổ chức lại lao động và đảm bảo đáp ứng bộ tiêu chí theo lĩnh vực hoạt động (ví dụ tiêm vaccine, xét nghiệm định kỳ…); trang bị thiết bị đọc mã QR; cài đặt ứng dụng để kiểm tra người đến giao dịch… Cơ sở đã hoàn thành các thủ tục này có thể hoạt động.

Sau khi được cấp mã, đơn vị quét mã QR (trên điện thoại thông minh hoặc in trên giấy) của toàn bộ người đến liên hệ công tác, giao dịch, sử dụng dịch vụ (hoặc ứng dụng PC-COVID).

Từ 8/10, TP.HCM kiểm tra việc doanh nghiệp chấp hành yêu cầu trong chỉ thị và kiểm tra mã QR của đơn vị.

phuc hoi kinh te tai TP.HCM anh 3

Các hoạt động được phép mở cửa lại phải đáp ứng nhiều tiêu chí. Ảnh: Phương Lâm.

Doanh nghiệp, đơn vị có F0 có phải đóng cửa?

Theo chỉ thị mới, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải ban hành quy trình quản lý và xử lý khi phát hiện F0 tại khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu vực khác. Yêu cầu là đảm bảo an toàn, phù hợp với tình hình mới, và không làm gián đoạn các hoạt động.

Trao đổi với Zing, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết trong các bộ tiêu chí đều có quy định về việc cơ sở phải có khu cách ly trong trường hợp phát hiện ca F0 hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2. Sau khi khoanh vùng nhóm nguy cơ, khử khuẩn, đơn vị có thể tổ chức hoạt động sản xuất trở lại bình thường.

“Trong tình hình mới, không cần chỉ vì phát hiện F0 mà phong tỏa cả cơ sở, dừng hoạt động như trước đây”, ông nói.

phuc hoi kinh te tai TP.HCM anh 4

Các cơ quan, doanh nghiệp khi phát hiện F0 chỉ cần khoanh vùng xử lý, không cần dừng hoạt động. Ảnh: Quỳnh Danh.

Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM Võ Thị Trung Trinh cho biết việc đơn vị, doanh nghiệp đăng ký mã QR tại http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/ sẽ giúp họ tự giám sát nguy cơ lây nhiễm của cơ sở.

Cụ thể, nếu khi quét mã QR của nhân viên, người tới giao dịch… ứng dụng hiển thị người này là F0 hoặc từng tiếp xúc F0, đơn vị có thể từ chối tiếp đón. Hoặc nếu có trường hợp F0 từng đến điểm này, ứng dụng sẽ thông báo cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để có các biện pháp khoanh vùng, xử lý phù hợp.

Để chăm sóc F0, UBND TP.HCM yêu cầu 100% quận, huyện, TP có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc Covid-19; đảm bảo 100% trạm y tế có oxy y tế; phát huy tổ phản ứng nhanh Covid-19; thiết lập trạm y tế lưu động tại khu, cụm công nghiệp.

Địa phương giảm mức độ nguy cơ có được mở rộng hoạt động?

Chỉ thị 18 yêu cầu mỗi quận/huyện/TP căn cứ trên hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để đánh giá cấp độ dịch ở quy mô nhỏ nhất có thể (xã/phường hoặc tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm hoặc nhỏ hơn).

Theo đó, địa phương xem xét, quyết định điều chỉnh mức độ giãn cách xã hội, mở rộng các hoạt động kinh tế – xã hội phù hợp tại từng khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân.

Theo ông Lê Hòa Bình, TP.HCM xây dựng chỉ thị dựa trên cấp độ 3. Tuy nhiên, nếu phường/xã (hoặc tổ dân phố) đánh giá địa phương thấp hơn cấp độ 3 (cấp độ 1, 2) thì có thể mở rộng hoạt động.

phuc hoi kinh te tai TP.HCM anh 5

Đánh giá mức độ nguy cơ tại phường Phú Thuận, quận 7. Bản đồ Covid-19 TP.HCM chiều 30/9.

Ví dụ, phường Phú Thuận (quận 7) có 60% tổ dân phố xanh (cấp độ 1) và 3% tổ dân vàng (cấp độ 2). Toàn phường áp dụng các biện pháp chống dịch căn cứ theo chỉ thị mới của thành phố.

Riêng các tổ dân phố xanh, vàng có thể được nới lỏng thêm một số hoạt động so với chỉ thị này. Mức nới lỏng căn cứ vào hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Cụ thể, giảm tần suất xét nghiệm định kỳ tại cơ sở, sản xuất kinh doanh, dịch vụ; hoặc tăng công suất kinh doanh, số lượng người tham dự của các hoạt động được cho phép…

Chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức quyết định việc điều chỉnh theo cấp độ dịch, nếu có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo UBND TP.HCM.

Khi nào TP.HCM mới áp dụng Thẻ xanh Covid-19?

Một điểm đáng chú ý là trong Chỉ thị 18 hoàn toàn không xuất hiện Thẻ xanh Covid-19. Trong khi đó, hơn 2 tuần qua, TP.HCM đã nhiều lần nói về ý tưởng kiểm soát người ra đường bằng Thẻ xanh Covid-19. Trong các bộ tiêu chí phòng, chống dịch mà TP.HCM đã ban hành, nhiều bộ tiêu chí cũng căn cứ trên thẻ xanh này để quản lý người lao động, người tham gia giao dịch.

phuc hoi kinh te tai TP.HCM anh 6

TP.HCM sử dụng ứng dụng VNEID và Y tế HCM trong khi chờ PC-Covid hoàn thiện. Ảnh: Xuân Sang.

Giải thích việc này, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, lý giải TP.HCM sẽ triển khai Thẻ xanh Covid-19 cùng Bộ Y tế.

“Để áp dụng thẻ xanh thì phải xem độ phủ vaccine của toàn dân chứ không thể chỉ tính mỗi TP.HCM. Do đó, trong thời gian chờ hướng dẫn chính thức về Thẻ xanh Covid-19, thành phố lồng ghép các yêu cầu tiêm vaccine, xét nghiệm vào các bộ tiêu chí”, bà Trinh cho hay.

Để tiện dụng cho người dân, cả nước sẽ cùng sử dụng một ứng dụng thống nhất là PC-Covid. Trong thời gian chờ ứng dụng này vận hành, TP.HCM sử dụng ứng dụng Y Tế HCM (hoặc Sổ Sức Khỏe Điện Tử) và VNEID để kiểm soát việc đi lại của người dân. Sau này, dữ liệu từ cá ứng dụng nêu trên cũng sẽ được tích hợp vào app PC-Covid.

Nguồn: News.zing.vn