Những giá trị làng biển trên dải đất hình chữ S

0
Những giá trị làng biển trên dải đất hình chữ S

VTV.vn – Biển Việt Nam không chỉ là tài nguyên thiên nhiên mà còn là phần hồn của văn hóa dân tộc. Đây chính là nguồn tài nguyên giàu có để phát triển du lịch biển, đảo bền vững.

Từ bao đời, biển, đảo đã là nơi cung cấp nguồn sống, là không gian để cộng đồng người Việt tạo lập nên nền văn hóa với những di sản đặc sắc. Đó là hệ thống di tích lịch sử – văn hóa liên quan đến môi trường biển. Đây chính là nguồn tài nguyên giàu có để phát triển du lịch biển, đảo bền vững.

Cảnh quan biển đảo tuyệt đẹp

Do đặc điểm kiến tạo địa chất ở Việt Nam, chủ yếu là các dãy núi đá vươn ra sát bờ biển đã hình thành nên những vũng, vịnh, bãi cát trắng, hang động, các bán đảo và đảo lớn, nhỏ liên kết với nhau thành quần thể cảnh quan thiên nhiên hiếm có: từ Di sản thiên nhiên thế giới – vịnh Hạ Long đến bãi tắm quyến rũ ở Đà Nẵng, hoặc Nha Trang – vịnh đẹp nổi tiếng thế giới hay thiên đường đảo ngọc Phú Quốc.

Những giá trị làng biển trên dải đất hình chữ S - Ảnh 1.

Cảnh quan biển đảo tuyệt đẹp.

Từ năm 1836, vua Minh Mạng đã chú trọng chọn hình ảnh bãi biển Đại Lãnh ở vùng cực Đông và cho khắc trên Tuyên Đỉnh, đặt tại kinh thành Huế để giới thiệu đến nhiều người phong cảnh nên thơ, tuyệt đẹp của bờ biển Việt Nam. Đây cũng là nơi chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá những giá trị làng biển trên dải đất hình chữ S.

Những giá trị làng biển trên dải đất hình chữ S - Ảnh 2.

Những chuyến tàu xuất bến lúc mờ sáng để kịp thả mẻ lưới đầu tiên.

Tại làng biển Đại Lãnh, cuộc sống của bà con như bắt đầu sớm hơn. Những chuyến tàu vừa xuất bến lúc mờ sáng đã kịp thả mẻ lưới đầu tiên. Sản vật vừa đánh bắt được, ngư dân đưa về chợ cá bên chân sóng để trao đổi mua bán, đảm bảo độ tươi ngon. Chúng tôi cảm nhận được cuộc sống gắn liền với biển của bà con, biết cách khai thác hài hòa nguồn lợi thiên nhiên ban tặng để đảm bảo mưu sinh lâu bền ngay ở vùng biển gần bờ.

Những giá trị làng biển trên dải đất hình chữ S - Ảnh 3.

Khai thác hài hòa nguồn lợi thiên nhiên ban tặng để đảm bảo mưu sinh lâu bền ngay ở vùng biển gần bờ.

Cuộc sống yên bình gắn với biển

Việt Nam là quốc gia gắn liền với biển. Dọc theo chiều dài 3.260km đường bờ biển có đến 15,5 triệu người sinh sống gần bờ và trên 160 ngàn người ở các đảo. Mỗi vùng biển, mỗi làng biển là một câu chuyện khác biệt, nhưng điểm chung là ở đó có những con người đang tìm mọi cách để giữ lấy sự trong lành của biển, bảo vệ hệ sinh thái biển, gìn giữ bản sắc cộng đồng làng biển để từ đó có thể làm giàu nhờ biển.

Những giá trị làng biển trên dải đất hình chữ S - Ảnh 4.

Cuộc sống yên bình gắn với biển.

Những ngôi làng biển luôn tạo cảm giác thân thương và khơi gợi cảm xúc của nhiều người. Trải qua thời gian, đây là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, thể hiện những nét đặc trưng của vùng duyên hải Nam Trung bộ. Nơi thân thương ấy là chốn đi về của những người con xa quê, là nơi gắn bó của những người đã và đang sinh sống gắn liền với biển.

Tri thức biển được đúc kết qua bao đời

Đi qua nhiều làng biển, chúng tôi càng dễ nhận ra chặng đường của nghề cá Việt Nam được phác họa qua những ngư cụ được thu thập. Từ những ngư cụ thô sơ đến hiện đại – những hiện vật lặng im nhưng lại có thể nhắn gửi đến mọi người thông điệp về biển Việt Nam và những con người gắn bó với biển. Lúc này, người xem như được chạm vào văn hóa biển, hiểu hơn tri thức biển được đúc kết từ ngàn đời.

Những giá trị làng biển trên dải đất hình chữ S - Ảnh 5.

Tàu của bà con ngư dân đang thả lưới trên biển.

Đến với những làng biển nghĩa là đến với nghề khai thác. Gắn với mỗi nghề khai thác là một dạng lưới đánh bắt. Những tấm lưới dù cùng chung chất liệu được làm ra từ sợi cước, sợi nylon, nhưng với nghề khai thác này thì mắt lưới to, với nghề kia thì mắt lưới nhỏ, nghề này tấm lưới dài, rộng, nghề khác thì lưới ngắn hơn, nhỏ hơn, để rồi mỗi khi thả xuống biển mới thấy giá trị của sự khác biệt lại phù hợp với từng vùng biển để có thể bắt được tôm cá… Vì vậy, tấm lưới trở thành một phần của tri thức biển, đôi lúc chỉ bình dị như cách ngư dân dệt nên tấm lưới. Bình dị là vậy nhưng để hiểu hết tận cùng chuyện làm ra những ngư cụ ở làng biển thì có lẽ phải mất nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Nguồn sống từ biển không bao giờ cạn

Biển Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, là ngư trường lý tưởng cho nhiều loại thủy hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Từ bao đời nay, người dân ven biển đã biết cách sống dựa vào nghề đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản. Điều đó tạo nên giá trị của mối liên hệ không thể tách rời giữa con người với biển.

Biển cả, khơi xa đầy gió giông, hiểm nguy nhưng cũng là nguồn tài nguyên vô tận nuôi sống bao đời người dân làng biển. Nghề cá ở những làng chài gần bờ như Cát Bà, Tam Quan, Phú Yên, Nha Trang hay ở đảo xa như  Phú Quý, Phú Quốc đã sớm hình thành, tạo nên nét văn hóa đặc trưng, gắn liền với cuộc sống thường ngày của ngư dân miền biển.

Những giá trị làng biển trên dải đất hình chữ S - Ảnh 6.

Biển là nguồn tài nguyên vô tận nuôi sống bao đời người dân làng biển.

Biển mặn mòi nhưng luôn hàm chứa vị ngọt, được kết tinh từ thành quả lao động giản đơn, nối tiếp từ ngàn xưa đến nay. Những sản vật từ biển là nguồn cung cấp thực phẩm bổ dưỡng cần thiết không bao giờ cạn cho cả cộng đồng cư dân Việt. Ẩm thực biển Việt Nam phong phú với các món ăn tươi ngon, đậm đà hương vị cho thấy sự đa dạng sinh học của biển cả. Mỗi vùng biển, làng biển đều có đặc sản riêng càng tạo nên sự lôi cuốn cho nền ẩm thực biển trên dải đất hình chữ S.

Tạo nên bản sắc văn hóa biển trường tồn

Tiếp tục hành trình qua những ngôi làng biển dọc dài đất nước, bất cứ ai, dù quen hay lạ, bao giờ cũng trọn vẹn niềm yêu thích. Yêu cái mặn mòi của biển. Thích nhịp sống làng biển bình yên nhưng đầy nội lực. Những hàng dừa, rặng phi lao hay luống hoa muống biển mềm mại đều có sức sống mãnh liệt trước phong ba nắng hạn miền duyên hải.

Người dân ven biển không chỉ là ngư dân mà còn là những người giữ gìn tri thức bản địa phong phú. Những câu chuyện, truyền thuyết về biển được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên một kho tàng văn hóa dân gian đầy lôi cuốn. Những điệu hát ru, bài ca dao, dân ca về biển cả không chỉ là nghệ thuật diễn xướng mà còn là hình thức lưu giữ lịch sử và văn hóa của cộng đồng. Cùng với đó là các lễ hội dân gian của cư dân miền biển; văn hóa sinh kế, văn hóa cư trú, văn hóa ẩm thực, diễn xướng dân gian, tri thức bản địa.

Những giá trị làng biển trên dải đất hình chữ S - Ảnh 7.

Lễ hội Cầu ngư các tỉnh miền Trung là những minh chứng cho sự kết nối giữa con người với biển.

Cuộc sống gắn với biển, đi qua bao mùa gió giông đã sớm hình thành trong tâm thức của cư dân làng biển tín ngưỡng và phong tục tập quán liên quan đến biển. Ở bất kỳ làng biển nào, mỗi năm, ngư dân đều tổ chức nghi lễ cúng biển. Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Cầu ngư các tỉnh miền Trung là những minh chứng cho sự kết nối giữa con người với biển.

Những lễ hội này không chỉ là dịp để cầu mong bình an cho chuyến ra khơi, mang lại mùa biển bội thu, mà còn để cộng đồng đoàn kết, gắn bó, thể hiện sự tôn trọng đối với các thần linh biển tôn kính và tri ân đối với những vị tiền bối đã có công trong công cuộc chinh phục biển cả, xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia trên biển.

Những giá trị làng biển trên dải đất hình chữ S - Ảnh 8.

Tri ân những vị tiền bối đã có công trong công cuộc chinh phục biển cả, xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia trên biển.

Biển Việt Nam không chỉ là tài nguyên thiên nhiên mà còn là phần hồn của văn hóa dân tộc. Lưu truyền những vốn quý văn hóa, làm hồi sinh và tiếp nối những giá trị luôn được bắt đầu từ tình yêu và trách nhiệm của những người con làng biển. Chính họ mới tạo nên sức sống đầy nội lực và bản sắc biển trên cung đường dáng hình chữ S của Việt Nam.

Nguồn: Vtv