Nạn buôn người và mại dâm, tình trạng lạm dụng động vật là một số vấn đề đang tồn tại của du lịch Thái Lan.
Du lịch Thái Lan nổi tiếng thế giới, nhưng có những mảng tối không thể phủ nhận, đáng để bạn cân nhắc khi lên lịch trình.
Koh Tao hay “đảo Tử Thần”?
Koh Tao, hay còn gọi là đảo Rùa, là điểm đến lý tưởng cho những người thích lặn biển và du lịch giá rẻ. Tuy nhiên, thiên đường Koh Tao cũng được báo chí mô tả là “đảo Tử thần”, nơi 17 du khách nước ngoài thiệt mạng từ năm 2014 đến nay. Nhiều cái chết được cho là tự tử hoặc gặp tai nạn, theo các nhà chức trách địa phương.
Theo Samui Times, hòn đảo còn một bí danh khác là “đảo Tử Thần” vì nhiều vụ tai nạn đáng ngờ của các du khách nước ngoài xảy ra tại đây. Ảnh: istock. |
Đỉnh điểm là vụ sát hại tàn nhẫn hai du khách Anh, Hannah Witheridge và David Miller, hồi năm 2014. Vụ án khép lại với phiên tòa xử thủ phạm là hai công nhân nhập cư người Myanmar.
Cuối tháng 4 vừa qua, cảnh sát địa phương phát hiện ra thi thể không nguyên vẹn của nữ du khách Bỉ, Elise Dallemange, trong khu rừng trên đảo. Kết luận ban đầu từ cảnh sát cho thấy Elise đã treo cổ tự tử. Tuy nhiên, quá trình điều tra mở ra khả năng đây là một vụ ám sát.
Người Kayan
Những bản làng của phụ nữ cổ dài bộ tộc Kayan từ lâu đã trở thành điểm hút khách tham quan. Họ được đưa tới từ Myanmar, Campuchia và Lào. Tại Thái Lan, người Kayan định cư trong những khu du lịch được thiết kế giống như bản làng tại quê hương của họ, sống dựa vào nguồn thu từ việc bán đồ lưu niệm như khăn choàng hay túi thêu cho khách tham quan.
Một cô bé người Kayan bôi bột thanaka trên má. Ảnh: Flickr. |
Tuy nhiên, ngành du lịch đã gây những tác động tiêu cực tới cộng đồng người Thái và người Kayan nhập cư. Bị đẩy qua biên giới vì đói nghèo, nhiều người Kayan buộc trở thành công dân Thái Lan với quyền lợi hết sức hạn chế, họ kiếm được khoảng 90 USD/tháng từ du lịch. Điều này dẫn đến tình trạng buôn người và bóc lột sức lao động khi phần lớn nguồn thu từ du khách chảy về túi các công ty lữ hành, theo SCMP.
Phyoe Wai Yar Zar, một công chức trong ngành du lịch tại Myanmar, cho rằng: “Chi tiền để chụp ảnh những người trong tộc Kayan chẳng khác nào coi như họ đang sống trong một vườn thú người. Thay vào đó, du khách có thể đến bản làng nơi người Kayan sinh sống tại quê hương để mua thức ăn, đồ thủ công mỹ nghệ hay quà lưu niệm để hỗ trợ họ”.
Nạn buôn người và mại dâm
Đường Bangla (Phuket), chợ đêm Patpong, hẻm Cowboy (Bangkok), phố đi bộ tại Pattaya… là những khu phố đèn đỏ có tiếng tại Thái Lan. Tuy nhiên, trong đó có nhiều đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị buôn bán sang quốc gia Đông Nam Á này để phục vụ cho ngành công nghiệp mại dâm đang nở rộ.
Reuters dẫn số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế cho biết có hơn 3 triệu lao động nhập cư tại Thái Lan. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2016 cho biết trong đó có nạn nhân của nạn buôn người, bị đưa vào các ngành đánh bắt thủy hải sản, các nhà máy, nông trại và làm giúp việc, hoặc bắt đi ăn xin. Buôn bán người cho hoạt động mại dâm cũng là một vấn nạn lớn trong ngành công nghiệp tình dục phát triển của Thái Lan.
Liên Hợp Quốc ước tính có tới hàng chục nghìn người trở thành nạn nhân của những đường dây buôn người tại Thái Lan. Ảnh: Roberto Schmidt. |
Chương trình hành động của Liên Hợp Quốc về hợp tác chống nạn buôn bán người (UNACT) cho rằng du lịch tình dục sẽ tiếp tay cho hoạt động buôn bán người, đồng thời cản trở những nỗ lực ngăn chặn các đường dây này.
Những khu bảo tồn thiên nhiên
Năm 2016, chính quyền Thái Lan giải cứu 137 con hổ tại Wat Pha Luang Ta Bua (Đền Hổ), tỉnh Kanchanaburi. Khám xét khu vực bếp của ngôi đền này, các nhà chức trách đã tìm thấy 40 xác hổ con trong tủ đông lạnh. Phát hiện này khiến những người chủ trì ngôi đền phải đối mặt với các cáo buộc hình sự về tội buôn bán, ngược đãi động vật hoang dã.
Những con hổ tại Wat Pha Luang Ta Bua được di dời đến nơi ở mới hồi cuối tháng 5/2016. Ảnh: CNN. |
Theo Al Jazeera, những người chủ trì ngôi đền thu về khoảng 15.000 USD mỗi ngày nhờ hoạt động du lịch – khách tham quan sẽ được tiếp xúc gần gũi và chụp ảnh lưu niệm với hổ.
Tại Chiang Mai, ngành du lịch khai thác lợi nhuận từ những hoạt động cưỡi voi xuyên rừng, vấn đề này dấy lên nhiều câu hỏi về mặt đạo đức. Nhiều cá thể voi bị buôn bán trái phép, đưa tới Thái Lan để thuần hóa bằng những biện pháp dã man. Chúng thường bị nuôi nhốt, xích chân khi không phải làm việc. Khi chở khách, voi bị quản tượng dùng gậy có móc sắt đánh vào thân thể để điều khiển.
Những khu bảo tồn như Elephant Nature Park tại Chiang Mai và Boon Lott’s Elephant Sanctuary tại Sukhothai là nơi cứu trợ voi bị lạm dụng, cho phép bạn tiếp xúc với các con vật mà không làm tổn hại chúng.
“Tôi có nên đi du lịch Thái Lan nữa không?”
Đây có thể là băn khoăn của không ít người sau khi hiểu hơn về những vấn đề tồn tại trong ngành du lịch của xứ sở chùa Vàng, nhưng sẽ thật thiếu sót nếu bạn bỏ lỡ điểm đến hấp dẫn như Thái Lan.
Về bản chất, đất nước này không còn là “xứ sở thần tiên” cho giới phượt thủ đam mê chạm tới thiên nhiên hoang dã. Hầu hết vùng đất nguyên sơ đều đã được khai thác để phát triển du lịch.
Du lịch Thái Lan rẻ tới cỡ nào? Video: Nas Daily.
Nếu bỏ qua những chuyến cưỡi voi rừng, các quầy hàng lưu niệm giống hệt nhau, phố đèn đỏ hay những lời chào mời mua chất kích thích… bạn sẽ thấy con người Thái Lan luôn sẵn lòng chia sẻ văn hóa bản địa hay chỉ cho bạn những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Theo News
Nguồn: Vnexpress.net