Các cơ quan quản lý của Trung Quốc ra nhiều thông báo chấn chỉnh về thuế thu nhập cá nhân của nghệ sĩ, quyết tâm ngăn chặn thẩm mỹ lệch lạc.
Ngày 19/9, Tân Hoa Xã đưa tin Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA), Tổng cục Thuế, Đài truyền hình Bắc Kinh đã có nhiều thông báo mới nhằm quản lý ngành nghệ thuật.
Cấm phim chuyển thể từ tiểu thuyết đam mỹ, thẩm mỹ lệch lạc, nghệ sĩ ẻo lả
Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc thể hiện sự kiên quyết ngăn chặn việc chuyển thể lan tràn các tác phẩm tiểu thuyết đam mỹ (tình yêu đồng tính nam)
Làn sóng phim đam mỹ bị các cơ quan quản lý nghệ thuật Trung Quốc đánh giá là có nội dung không chuẩn mực, làm ảnh hưởng tới sự phát triển nhận thức của thế hệ trẻ.
Theo Sina, hiện tại trên màn ảnh nhiều vai diễn nam khó phân biệt với nữ giới vì đánh son đỏ, da trắng, thân hình gầy gò, mềm mại. Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của các bộ phim đam mỹ tạo nên lo ngại về một cuộc khủng hoảng nam tính xảy đến với thế hệ sau.
Phim chuyển thể từ tiểu thuyết đam mỹ sẽ bị cấm. Ảnh: Harper’s Bazaar China. |
Phim đồng tính nam còn bị coi là nguyên nhân tạo ra những nghệ sĩ nổi tiếng nhanh, tài năng và phẩm chất đạo đức không cao như Hoàng Cảnh Du, Hứa Ngụy Châu, Trương Triết Hạn…
Theo các cơ quan quản lý nghệ thuật Trung Quốc, các tác phẩm chuyển thể đam mỹ, chỉ góp phần nâng cao danh tiếng của nghệ sĩ có tài năng hạn chế, tạo nên lớp “diễn viên nhựa”, “diễn viên lưu lượng”. Thậm chí, làn sóng này tạo nên “những con rối tư bản” – chỉ nghệ sĩ được thế lực phía sau nâng đỡ nhằm kiếm lợi nhuận nhanh.
Theo 163, vì lệnh cấm này, một số tác phẩm đã quay xong như Hạo y hành, Vai trai, Vực sâu, Phong hỏa lưu kim, Cát tinh cao chiếu… khó lên sóng.
Ngăn chặn nghệ sĩ “lưu lượng”
NRTA còn ra thông báo ngăn chặn các hành vi đặt độ nổi tiếng, lợi nhuận lên trên hết. Trong đó, nhóm nghệ sĩ không có tài năng, nổi tiếng nhờ được lăng xê, hay còn được gọi là “nghệ sĩ lưu lượng” sẽ là đối tượng bị loại bỏ.
Theo Sina, “nghệ sĩ lưu lượng” có cộng đồng fan trung thành đông đảo. Nhờ đó, họ được các nhà sản xuất ưu tiên. Nhiều diễn viên tài năng hạn chế vẫn được giao vai chính nhờ thế lực đằng sau như Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm.
Ngô Diệc Phàm và Trịnh Sảng là tiêu biểu cho nghệ sĩ “lưu lượng” kém tài nhưng được lăng xê. Chiếm nhiều ưu đãi, họ để xảy ra nhiều hành vi tiêu cực như trốn thuế, cưỡng dâm. Ảnh: Sina. |
Trong khi đó, các cơ quan quản lý nghệ thuật Trung Quốc cho rằng nghệ sĩ phải có sự chuyên nghiệp, chuyên tâm phát triển khả năng diễn xuất, đóng góp sản phẩm có chất lượng cho khán giả.
Nhóm nghệ sĩ lưu lượng nổi tiếng nhanh từ một bộ phim hay một chương trình tuyển chọn thần tượng, cũng là những người chưa qua đào tạo bài bản, tuổi đời trẻ, dễ vướng vào bê bối đời sống cá nhân như Tất Bồi Hâm, Châu Chấn Nam, Lại Quán Lâm, Hà Lạc Lạc, Yên Hủ Gia, Nhậm Hào…
Trong bài bình luận của mình, tờ Thanh Niên Đạp Sóng chỉ ra thực trạng tồn tại nhiều năm qua trong ngành giải trí Trung Quốc, đó là tôn sùng sắc vóc, xem trọng mức độ nổi tiếng dựa trên giá trị thương mại và lượng người hâm mộ mà bỏ qua tài năng và phẩm cách nghệ sĩ. Xu hướng này khiến những scandal chấn động của nghệ sĩ lưu lượng diễn ra liên tiếp.
Chấn chỉnh người hâm mộ, xóa bỏ bảng xếp hạng
Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc cũng đề ra mục tiêu ngăn chặn các hành vi thúc đẩy người hâm mộ tiêu tiền, cũng như chấn chỉnh hoạt động quá khích của fan.
Theo 163, làn sóng hâm mộ thần tượng tại Trung Quốc lệch lạc đã dẫn tới nhiều hành vi thiếu tích cực như việc fandom gửi biếu quà, vàng cho các MC chương trình, để họ quan tâm tới thần tượng của mình nhiều hơn. Chương trình Happy Camp bị chỉ trích vì nhận quà của người hâm mộ các nghệ sĩ khác.
Bên cạnh đó còn có nhiều hiện tượng xấu như chạy đua thành tích, móc nối với nhà xuất bản, chi tiền mua ấn phẩm nhưng không cần nhận tạp chí. Các fandom còn huy động số lượng lớn thành viên chi tiền mua album hay các các sản phẩm của thần tượng, dù nhiều người vẫn còn là học sinh.
Người hâm mộ còn sử dụng công cụ để gian dối thành tích. Họ thậm chí dùng nhiều thủ đoạn để hạ bệ đối thủ cạnh tranh của thần tượng.
Để chấn chỉnh hoạt động của người hâm mộ, các trang phát hành nhạc của Trung Quốc đều đặt lại quy định mỗi tài khoản chỉ được mua sản phẩm âm nhạc một lần để tránh tình trạng chạy theo thành tích.
Các trang mạng xã hội cũng xóa bỏ những bảng xếp hạng không cần thiết, ngăn chặn tình trạng người hâm mộ phải “cày” số liệu cho thần tượng.
Nếu người hâm mộ quá khích trên mạng xã hội, nghệ sĩ không can thiệp kịp thời sẽ bị phạt. Ảnh: Studio Zhao Liying, studio Wang Yibo. |
Đối với những hành vi quá khích của người hâm mộ, nghệ sĩ phải có sự hướng dẫn. Nếu để xảy ra tình trạng hỗn loạn, nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm. Cùng với đó, cơ quan giám sát Internet hàng đầu của Trung Quốc sẽ vào cuộc để chế ngự các hoạt động trực tuyến của họ.
Ngày 24/8, Sina cấm phát ngôn 15 ngày đối với văn phòng làm việc của Triệu Lệ Dĩnh. Lý do là phía nữ diễn viên đã không kiểm soát người hâm mộ, để họ tranh cãi, gây náo loạn mạng xã hội.
Điều tra thuế của nghệ sĩ theo định kỳ
Cơ quan quản lý nghệ thuật của Trung Quốc còn quyết tâm loại bỏ tình trạng nhận cát-xê quá cao, vượt mức quy định. Đặc biệt, giới chức cũng ngăn chặn hành vi trốn thuế bằng “hợp đồng âm dương”.
Ngày 19/9, Tổng cục Thuế Trung Quốc cũng thông báo sẽ tiến hành điều tra việc nộp thuế của các nghệ sĩ theo định kỳ. Trong đó, họ sẽ kiểm tra ngẫu nhiên với một nghệ sĩ, sau đó công khai kết quả với toàn xã hội.
Đối với các nghệ sĩ vướng bê bối đạo đức, vi phạm pháp luật, Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc sẽ nghiêm cấm sự trở lại giới giải trí của họ, dưới bất kỳ hình thức nào.
Nghệ sĩ vướng bê bối sẽ không được phép hoạt động nghệ thuật. Ảnh: Studio Trịnh Sảng. |
Phim có nghệ sĩ vướng scandal bị cấm phát sóng
Bên cạnh đó, Cục Phát thanh Truyền hình Bắc Kinh cũng nhấn mạnh khâu xét duyệt các dự án phim sẽ được tăng cường.
Đoàn phim có các nghệ sĩ vướng scandal sẽ không được tham gia xét duyệt. Đoàn phim trong quá trình quay để xảy ra tình trạng ảnh hưởng xấu cũng không được cấp phép phát sóng.
Đài truyền hình Bắc Kinh cũng yêu cầu các nhà sản xuất chặt chẽ trong khâu lựa chọn diễn viên, cẩn trọng trong hóa trang, xóa bỏ định hướng thẩm mỹ ẻo lả, lệch lạc.
Theo 163, có 80 bộ phim có vấn đề về thuế, thù lao diễn viên giá trên trời, vi phạm các lệnh cấm đang bị Cục Phát thanh Truyền hình Bắc Kinh kiểm tra.
Nguồn: News.zing.vn