Những nghi lễ trong đám cưới người Chăm

0
210

Người Chăm có nét văn hóa riêng khá đặc sắc, được gìn giữ và thực hiện đến tận ngày nay. Dưới đây là nghi lễ cưới hỏi của các cặp vợ chồng Chăm.

Trong nghi lễ cưới hỏi, người Chăm vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục mang tính truyền thống. Theo đó, với chế độ mẫu hệ nên con gái Chăm sẽ đi hỏi chồng và người con trai sẽ về ở rể nhà vợ.

Lễ mai mối

Với người Chăm, con gái chủ động mọi công việc trong hôn nhân nên khi người con gái mới lớn thì nhà gái thường chủ động chọn chồng cho con gái qua hình thức mai mối. Ông mai bà mối (ong binyuk muk binyuk) phải có tài ăn nói lưu loát, nói bóng nói gió để thể hiện ý đồ của nhà gái. Đây là một nét nhân văn đặc trưng của chế độ mẫu hệ người Chăm vì họ nhà gái luôn phải giữ kín chuyện mai mối, tiền hôn nhân nếu chưa biết được ý tứ của nhà trai như thế nào.

Lễ dạm hỏi

Sau khi nhà trai đồng ý, nhà gái sẽ xin ngày lành tháng tốt (harei siam bilan siam) để tiến hành lễ hỏi (nao puec). Trong lễ này, nhà gái sẽ chuẩn bị lễ vật dâng cho họ nhà trai. Lễ vật rất đơn giản bao gồm trầu, cau, rượu và bánh truyền thống (ahar puec likei) như tapei nung (như bánh tét của người Kinh), tapei bilik (bánh ít)… và một ít trái cây.

Khi họ nhà gái mang lễ vật sang thì họ nhà trai cũng đã chuẩn bị nghi thức đón lễ vật. Chiếu được trải dài trước sân nhà, hai họ ngồi thành hàng đối diện theo hướng Đông – Tây. Câu chuyện cưới xin được bắt đầu bằng lời chào xã giao của ông mai bà mối, sau đó đại diện họ nhà gái sẽ ngỏ lời về hôn nhân của hai trẻ. Khi họ nhà trai đồng ý, lễ vật được đưa vào trong nhà để cúng tổ tiên.

Lễ dứt lời

Trước khi ra về, họ nhà gái sẽ mời nhà trai sang nhà gái để quyết định chính thức về hôn nhân của hai trẻ, nhà gái sẽ thết đãi nhà trai một bữa tiệc mặn. Người Chăm gọi lễ này là lễ “dứt lời bên nhà trai” (paklaoh panuec gah likei). Sau lễ này, đại diện hai bên đem lễ vật (trầu, cau, rượu,…) đến gặp gru (thầy) xem ngày lành tháng tốt.

Trước lễ cưới vài ngày, hai họ nhà trai và nhà gái sẽ cử những người uy tín, có tài ăn nói bao gồm trưởng tộc họ, cha mẹ đỡ đầu cho đôi vợ chồng, ông mai bà mối, cha mẹ hai bên đến nhà gái làm lễ “dứt lời bên nhà gái” (paklaoh panuec gah kamei). Lễ này khá đơn giản và nhanh chóng, hai bên sẽ bàn về thời gian, vật chất, hình thức, nội dung… để tiến hành lễ cưới.

Chọn tháng, ngày và giờ

Ngày giờ được người Chăm quan niệm là chọn “ngày phải lành, tháng phải tốt, giờ phải đẹp” mà họ gọi là harei siam tuk tanyruah. 

Theo lịch pháp của người Chăm, họ quan niệm tháng Giêng là tháng nhớ nhung, tương tư, tháng 2 và 8 là tháng tội lỗi, tháng 3 là tháng nhiều lúa gạo, tháng 4, 5 và 9 là tháng gây hấn, tháng 6 nhiều tiền tài của cải, danh lợi, tháng 7 là tháng ốm đau, tháng 10 phát tài, tháng 11 là sự thịnh vượng, tháng 12 là tháng lửa phát cháy.

Do đó, người Chăm chọn tháng tổ chức cưới hỏi thường vào tháng 3, 6, 10, 11 (theo lịch Chăm) và phải nhằm vào các ngày bingun, tức vào những ngày thượng tuần trăng và nhằm vào ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm trong tuần. Thứ tư (harei suk) được chọn là ngày cưới chính, vì theo quan niệm người Chăm thứ tư là ngày đất nẻ, đất tốt. Lễ cưới vào ngày thứ tư mang ý nghĩa mưu cầu cho sự sinh sôi nảy nở, đôi vợ chồng sinh con đẻ cái đầy đàn.

Về giờ khắc, phải chọn giờ lành tức vào khoảng từ buổi trưa đến xế chiều (thuộc giờ âm trong lịch pháp Chăm). Lễ cưới người Chăm thường được tổ chức theo đúng ngày giờ, bất di bất dịch.

Lễ đón rể

Chu-re-qua-nha-gai-JPG_1379644686_137964

Chú rể qua nhà gái.

Vào đầu giờ chiều ngày thứ tư, nhà trai sẽ chuẩn bị đưa chú rể sang nhà gái. Giờ khắc chú rể bước ra khỏi nhà cũng được chọn giờ lành, đoàn đưa rể bao gồm cha đỡ đầu, cha mẹ chú rể, bà con dòng họ nhà trai. Chú rể với trang phục truyền thống Chăm, đầu quấn khăn và mặc bộ đồ truyền thống.

Khi đoàn đưa rể đến, nhà gái bưng khay trầu, rượu, nước trà ra trước cổng để đón chú rể. Tại đây, mọi người trải chiếu, rót rượu, nước trà làm lễ chờ đến giờ lành để đưa chú rể bước vào cổng nhà gái. Đây là nét riêng đặc sắc trong đám cưới người Chăm, và còn được xem là một nghi lễ quan trọng không thể thiếu trong nghi thức đón rể (raok matuw). Nếu không, chú rể sẽ bị xem là đi không ai đón, đến không ai mời.

Lễ trao tay chú rể cho nhà gái

Sau nghi thức chào hỏi, chú rễ được dẫn vào phòng the. Tại đây, cô dâu được bà sửa soạn trang phục, trang điểm và xức dầu thơm để chuẩn bị đón rể. Tại đây, lễ Jaw tangin ong inâ amâ được tổ chức để chúc tụng cho đôi uyên ương trăm năm hạnh phúc, sống trọn với nhau đến đầu bạc răng long.

Mot-nghi-thuc-phong-the-trong-le-cuoi-ng

Một nghi thức trong phòng the của Người Chăm.

Sau nghi thức làm lễ, cô dâu chú rể được dặn dò kỹ lưỡng trong ba đêm đầu hai người ở bên nhau chỉ được trò chuyện cùng nhau, cấm tuyệt đối “chuyện chăn gối”. Truyền thống này phần nào phản ánh tàn dư Bà La Môn giáo trong tín ngưỡng của người Chăm mà trong kinh tình yêu Kamasutra của Ấn Độ cũng có nhắc đến, đại ý là trong ba đêm đầu, vợ chồng chỉ ngủ trên nền nhà và phải kiềm chế nhục dục. Đây là truyền thống lâu đời của người Chăm và được xem là nét đẹp trong phong tục tập quán.

Trong ba ngày đầu, chú rể cũng không được quay về nhà cha mẹ, nếu có về cũng chỉ đứng ngoài cổng mà không được bước chân vào nhà.

Lễ trả áo

Đến ngày thứ ba sau lễ cưới, đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị vật lễ như bánh trái, cau trầu, bánh sakaya, bánh tét… để về nhà trai trả lễ. Người Chăm gọi lễ này là taleh khan aw (lễ trả áo). Nhà trai sẽ trịnh trọng đón đôi vợ chồng trẻ và dịp này, cha mẹ, anh chị, cô bác chú rể cũng trao tặng cho đôi vợ chồng những tặng phẩm như vải lụa, trang sức, tiền và những vật dụng thiết yếu xem như là của hồi môn.

Theo luật tục Chăm, lễ cưới đến đây xem như hoàn tất. Cô dâu chú rể chính thức được xã hội Chăm công nhận là vợ chồng.

Bài và ảnh: Paka Jatrang

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn