Đó là những người dọn dẹp núi rác trên sông Pasig nổi tiếng ở Manila – nơi từng là tuyến giao thương quan trọng nhưng nay trở thành một trong những con sông ô nhiễm nhất thế giới.
Mỗi sáng, các thành viên của River Warriors – nhóm tình nguyện hoảng động một thập kỷ qua với khoảng 100 thành viên – sẽ bắt đầu dọn sạch đống rác nổi hoặc trôi dọc theo sông Pasig. Trong ảnh là cảnh tượng các thành viên của nhóm đang gom rác từ sông San Juan – một nhánh của sông Pasig – vào một chiếc thuyền chứa rác. |
Rác thải, chủ yếu là nhiều loại nhựa, trôi nổi trên sông San Juan bị ô nhiễm nặng ở thành phố Mandaluyong, Philippines. Con sông Pasig dài 27 km cắt ngang qua thủ đô Manila từng là một tuyến thương mại quan trọng. Tuy nhiên, đô thị hóa và quy hoạch nước thải yếu kém đã khiến con sông ô nhiễm nặng. |
“Chẳng có lúc nào nơi đây không có rác”, Angelita Imperio, một “chiến binh dòng sông” 6 năm cho biết. Nhóm này được lập ra từ một thập kỷ trước với mục đích trên hết là dọn dẹp rác trong và xung quanh sông Pasig. |
Các thành viên trong nhóm đi ủng cao su, đeo găng dài đến khuỷu tay và sử dụng công cụ cào để dọn rác từ các vũng nước tù đọng tại những vị trí khác nhau. Họ thu thập được 80-100 bao rác mỗi ngày và có thể nhiều hơn vào mùa mưa. |
Các thành viên của nhóm ban đầu hoạt động như những tình nguyện viên, song tới nay họ nhận được thu nhập cơ bản từ chính quyền địa phương. Họ chia thành nhiều nhóm nhỏ và hoạt động tại những khu vực khác nhau của dòng sông trong ca làm việc kéo dài 7 giờ. |
Rác thu gom được hầu hết là túi nhựa, đồ nhựa dùng một lần và các loại vật liệu đóng gói. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, khẩu trang y tế đôi khi được tìm thấy trộn lẫn trong đống rác nổi. |
Vấn đề rác thải ở Pasig không chỉ của riêng Philippines. Số liệu từ Đại học Oxford cho thấy khoảng 81% nhựa đại dương toàn cầu đến từ các con sông ở châu Á và Philippines đóng góp một phần ba số đó. Chỉ riêng sông Pasig đã cung cấp tới 6,43% lượng nhựa đại dương có nguồn gốc từ sông hồ. |
Mặc dù khó khăn, các thành viên trong nhóm rất lạc quan về tương lai tốt đẹp hơn. Joan Lagunda, đại diện từ cơ quan môi trường địa phương cho biết các nhà chức trách đang phối hợp với chính quyền địa phương để xây dựng hệ thống phân tách chất thải thích hợp và di dời những người định cư không chính thức dọc bờ sông. |
Marian Ledesma, một nhà vận động của Greenpeace Philippines, cho rằng chính quyền nên giảm triển khai biện pháp hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, cũng như tăng cường thực thi pháp luật về xử lý chất thải và nước thải. |
Nguồn: News.zing.vn