Vận động viên chinh phục Everest đều cần có sự trợ giúp của các Sherpa – những người dẫn đường bản địa thầm lặng.
Đến nay đã có khoảng hàng nghìn người chinh phục đỉnh cao Everest. Hầu hết trong số họ đều được báo chí, truyền thông tôn vinh như những người anh hùng mà vô tình quên đi những con người dũng cảm không kém bên cạnh. Đó chính là những người Sherpa dẫn đường. Các vận động viên leo núi lão luyện đều phải nhờ các Sherpa khuân vác dụng cụ, nấu ăn và hướng dẫn di chuyển trên núi. Không có sự hỗ trợ của “những người anh hùng thầm lặng” này, chinh phục đỉnh núi cao 8,848 m là một điều vô cùng khó khăn.
Công việc dẫn đường của những người Sherpa rất nguy hiểm, họ phải khuân vác đồ đạc cho những người leo núi và thường xuyên đối mặt với điều kiện khắc nghiệt. Ảnh: Nat. |
Khi xảy ra vụ lở tuyết trên đỉnh Everest chấn động thế giới vào sáng ngày 18/4 – khiến 13 người thiệt mạng và 3 người mất tích – Pemba Sherpa có mặt ở Trại 1. Anh cho biết chạy vội xuống núi, tránh sự tàn phá dữ dội của băng tuyết và biết cha mình cũng đang ở đó. Khi trở lại, Pemba thấy hành lý của cha nằm rải rác khắp nơi. “Lúc đó tôi nghĩ cha mình đã bỏ lại hành lý và chạy đến một nơi an toàn nào đó. Nhưng tôi không thể tìm thấy ông. Sau đó tôi nhìn thấy máy bay trực thăng và cứu hộ. Và tôi biết, tôi đã mất cha mình”, người đàn ông 37 tuổi nhớ lại nỗi đau với giọng nói gần như thì thầm.
Cha của Pemba là một hướng dẫn viên leo núi người bản địa tên là Ang Tshiring. Thi thể của Tshiring được đưa đến Lukla – nơi mà hầu hết những người tham gia vào chuyến leo núi định mệnh đó khởi hành. Pemba cùng người anh trai đã mang Ang về với gia đình bằng đường bộ, chuyến đi kéo dài 7 tiếng dọc theo đường mòn trên núi.
Bức ảnh duy nhất của ông Ang chụp cùng một du khách được gia đình gửi lên tu viện để nhờ cầu nguyện. Ảnh: CNN. |
Trong suốt 15 năm qua vào các mùa leo núi, Ang đã dành một tháng ở Everest Base Camp và một tháng ở Trại 2 có độ cao 6.100 m để hướng dẫn khách leo núi. Trong hai tháng này, ông kiếm được khoảng 1.500 USD. Đây là số tiền lớn so với thu nhập bình quân đầu người ở Nepal, có thể giúp gia đình trang trải cuộc sống trong nhiều tháng.
Ang Tshiring trong trí nhớ của những người từng leo núi là một người đàn ông nổi tiếng với nụ cười thân thiện và vui vẻ. Ông cũng được đánh giá là người hài hước, tốt bụng và không bao giờ nóng giận.
Con trai ông, Pemba sống cùng gia đình ở Thamo, một ngôi làng nhỏ ở thung lũng Thame, Khumbu – nơi có nhiều người Sherpa tham gia công việc hướng dẫn leo đỉnh Everest nguy hiểm.
Không chỉ gia đình Pemba chịu nỗi đau tang tóc, các gia đình khác ở thung lũng Thame và những ngôi làng quanh đó cũng chịu nỗi đau tương tự từ trận lở tuyết, bởi phần lớn trong số 13 người chết và 3 người mất tích là dân bản địa.
Sau khi đưa thi thể của Ang về, gia đình ông phải nén đau thương để thực hiện nghi lễ truyền thống giúp người chết được siêu thoát. Những người dân ở đây theo đạo Phật và tin tưởng linh hồn Ang Tshiring sau 49 ngày sẽ được siêu thoát, đầu thai sang kiếp khác.
Vợ của Ang – Riku cho rằng chết vì tai nạn là một cách xấu để đi sang thế giới bên kia, bởi linh hồn ông sẽ bị bối rối vì chết đột ngột. Vì vậy Ang cần được làm lễ cầu siêu và càng có nhiều người tham gia vào việc cầu nguyện linh hồn sẽ càng dễ đầu thai.
Nimadoma Sherpa – một người phụ nữ sống ở làng Pangboche – vẫn khóc khi nhớ lại cái chết của người chồng 37 tuổi xấu số vào tháng 5/2013. Chồng của chị là hướng dẫn leo đỉnh Everest và chết trong lúc đang leo núi và để lại hai đứa con gái còn rất nhỏ. Ảnh: Nat. |
Nơi diễn ra việc cầu siêu là tu viện nằm trên ngọn đồi dốc ở Thamo. Đây là một giáo phái tu khổ hạnh và nhận được nhiều sự tôn kính của người dân địa phương. Riku mang đến một ít gạo, ba chai nước, bơ, đường và một chiếc khăn màu trắng – những nghi lễ cần thiết để các Lạt ma sử dụng cho buổi cầu nguyện. Sau khi buổi làm lễ kết thúc, Lạt ma quấn quanh cổ Riku chiếc khăn. Lúc này, người vợ góa của Ang mới thể hiện cảm xúc dồn nén mấy ngày qua. Cô cầm tay Lạt ma và khóc nức nở, thể hiện nỗi đau mất chồng quá lớn. Tuy nhiên, tâm hồn của Riku đã thanh thản hơn sau buổi lễ.
Sau khi về nhà, người góa phụ còn tiếp tục gửi các túi muối, bơ, gạo và tiền đến 500 gia đình trong thung lũng để nhờ họ cầu nguyện cho linh hồn chồng mình. Cô cũng gửi những chiếc túi tương tự tới nhiều tu viện trong Kumbhu và những nơi linh thiêng và xa xôi như Ấn Độ.
Chi phí để làm lễ cầu siêu trong tu viện vào khoảng 1.300 USD và tổng chi phí sẽ lên đến khoảng 10.000 USD – đây là con số cao hơn rất nhiều so với số tiền bảo hiểm nhân thọ mà chính phủ chi trả cho cái chết của Ang. Để có số tiền lớn này, Riku đã phải đi vay với lãi suất 25% mỗi năm. Điều an ủi duy nhất cho gia đình Ang là công ty du lịch nơi ông làm việc đã đồng ý hỗ trợ tiền cho việc làm tang lễ và học phí cho cô con gái mới 17 tuổi của ông cho đến khi trưởng thành.
Cuộc sống của những người Sherpa như gia đình Ang ở Nepal khá khó khăn, phần lớn họ kiếm tiền từ việc trở thành hướng dẫn viên cho du khách chinh phục đỉnh Everest huyền thoại. Nhiệm vụ của họ là dẫn đường, khuân vác và làm các công việc nặng nhọc giúp cho những vận động viên leo núi. Trong khi cả thế giới háo hức chinh phục đỉnh cao thì hầu hết người dân nơi đây đều không muốn leo lên Everest bởi mức độ công việc quá nguy hiểm mà thu nhập lại thấp. “Mỗi lần tôi dẫn đoàn đi, tôi lại tự hỏi liệu mình có thể sống sót trở về”, Pemba tâm sự. “Tôi cảm thấy buồn, nhưng đây là việc tôi phải làm công việc này vì gia đình mình.
“Mỗi lần tôi đi trên một chuyến thám hiểm leo núi, tôi tự hỏi nếu tôi sẽ sống sót trở về. Tôi đã leo lên đỉnh Everest 14 lần và tôi luôn luôn mang theo một bức ảnh gia đình bên người”, Pemba cho biết.
Dù năm nay, thảm họa lở tuyết lấy đi sinh mạng của nhiều người, đối với người dân Sherpa đây là điều bình thường. Họ đã quá quen với những mất mát từ bao thập kỷ nay, có chăng năm nay họ chỉ “đặc biệt không may mắn” mà thôi.
Anh Minh
Nguồn: Vnexpress.net