Những người hùng trên tàu bị cách ly

0
Những người hùng trên tàu bị cách ly

Nhật Bản Trên cửa phòng của tàu Diamond Princess, lời “cám ơn” viết bằng 10 thứ tiếng, một mẩu giấy khác ghi: “Hãy bảo trọng”. Tất cả gửi tới thủy thủ đoàn.

Ba lần một ngày, Gie và nhóm của mình đẩy xe chở đồ ăn qua hành lang của du thuyền đang bị cách ly Diamond Princess. Cô đeo khẩu trang, găng tay và dừng lại từng phòng, chào hỏi khành khách trước khi giao đồ ăn rồi mải miết đi xuống phục vụ tầng tiếp theo. Nhưng gần đây, công việc của cô bị gián đoạn bởi những lời cảm ơn bằng nhiều thứ tiếng, do hành khách dán trên cửa phòng gửi đến các nhân viên trên tàu.

Thông điệp cảm ơn của hành khách gửi tới các thủy thủ đoàn trên tàu. Ảnh: Time.

Thông điệp cảm ơn của hành khách gửi tới các thủy thủ đoàn. Ảnh: Time.

“Cám ơn các bạn. Chúng tôi biết và đánh giá cao mọi việc các bạn đang làm. Hãy bảo trọng, mạnh khỏe và nhớ rằng các bạn là những người hùng thực sự” là một trong những thông điệp gửi đi. Trên cánh cửa phòng khác, lời “cám ơn” được viết bằng 10 thứ tiếng. 

Nữ nhân viên 33 tuổi cho biết cô dừng lại và dành thời gian để đọc các dòng chữ đó. “Chúng tôi rất vui vì khiến họ mỉm cười. Dù họ đeo khẩu trang và trả lời qua cửa, tôi vẫn có thể nhìn thấy nụ cười của họ qua ánh mắt. Điều đó giúp chúng tôi có động lực để tiếp tục công việc của mình”, Gie nói.

Hơn 500 ca nhiễm virus được xác nhận trên tàu, biến Diamond Princess thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Hành khách bị kiểm dịch nghiêm ngặt, phần lớn đều cách ly trong phòng riêng. Vì vậy, thủy thủ đoàn là cứu cánh duy nhất. Họ cung cấp thực phẩm, nước, khăn, thuốc và bất kỳ thứ gì mà hành khách yêu cầu.

“Họ nói với chúng tôi rằng, họ cần phải chăm sóc những người có thể bị ốm. Họ là những người hùng thầm lặng ở đây”, Kent Frasure, hành khách 43 tuổi đến từ thành phố Portland, bang Oregon, Mỹ cho biết.

Trong khi hơn 2.600 hành khách trên tàu được dùng internet miễn phí, xem tivi và chơi các câu đố, trò chơi để “giết thời gian” trong phòng riêng, các thủy thủ đoàn vẫn phải làm việc. Những người giao đồ ăn phải dậy trước 6h và làm việc tới 22h, dù công việc này đối diện với nguy cơ lây nhiễm virus.

Những dòng chữ cám ơn của hành khách giúp thuyền viên có động lực làm việc. Ảnh: Time.

Những dòng chữ cám ơn của hành khách giúp thuyền viên có động lực làm việc. Ảnh: Time.

Ít nhất 33 thuyền viên trên Diamond Princess đã mắc bệnh. Các chuyên gia y tế sức khỏe cộng đồng cho biết, tàu du lịch dễ bị lây lan các bệnh truyền nhiễm như Covid-19 vì hành khách tiếp xúc gần, thường xuyên với nhau. Đối với thủy thủ đoàn, mức độ lây nhiễm có thể cao hơn và thực tế chỉ ra rằng, trên tàu Diamond Princess, họ không thể áp dụng các biện pháp bảo vệ giống hành khách.

Họ sống trong các cabin nằm dưới mực nước biển, ngủ chung với một hoặc hai đồng nghiệp, dùng chung nhà vệ sinh. Họ ăn tối theo ca tại một hội trường rộng lớn, nơi bàn ăn 12 người. Sau 10 ngày cách ly, phía tàu đã yêu cầu thủy thủ đoàn cẩn thận khi ăn uống chung và nên tạo khoảng trống với nhau, theo lời khuyên của cơ quan Y tế Nhật Bản. Phía công ty đã cung cấp nhiệt kế cho thuyền viên. Những ai bị ốm, sốt phải báo cáo. Nhưng họ không được cách ly.

Obet, một thành viên trên tàu, làm nhiệm vụ phát đồ ăn cho khách trước khi bị ốm sốt vào tuần trước. Khi báo cáo, anh được yêu cầu tự cách ly và uống thuốc giảm đau thông thường. Sau khi hết thuốc, phải mất một ngày anh mới được nhận thêm. Dù đã cắt sốt, Obet vẫn được yêu cầu không trở lại làm việc. Obet vẫn ở chung phòng với một người không có triệu chứng nhiễm Covid-19.

Anh cho biết đã cố gắng hết sức giữ khoảng cách với đồng nghiệp, đeo khẩu trang bất kỳ khi nào người này có mặt trong phòng. “Không đủ phòng cho những thuyền viên bị ốm nên họ yêu cầu chúng tôi tự cách ly trong chính cabin của mình”, Obet nói.

Sau đó, Obet và bạn cùng phòng được xét nghiệm và xác nhận dương tính với Covid-19. Họ chuyển tới bệnh viện vào tối 15/2. Obet vẫn phải uống thuốc để điều trị nhưng luôn cảm thấy tràn đầy sức sống. Bạn cùng phòng với anh không có triệu chứng rõ ràng như Obet.

Một phụ bếp đến từ Ấn Độ cho biết, nhân viên ở đây luôn phải đeo khẩu trang, găng tay. Theo anh, hiện chưa có ai trong nhà bếp bị lây bệnh. “Chúng tôi đang thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa cần thiết. Không ai muốn đùa với tính mạng”, anh nói. 

Trong số hơn 1.000 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu, khoảng một nửa nhân viên như Gie và Obet, đến từ Philippines. Với họ, công việc trên tàu du lịch là lựa chọn hấp dẫn do kiếm nhiều tiền hơn và được đi du lịch. Một thuyền viên cho biết anh đã ghé thăm 10 quốc gia. Nhưng đổi lại, họ phải sống xa gia đình. Có nhiều người 9 tháng mới được về nhà một lần.

Gie là mẹ của hai đứa con, sẽ trở về Philippines vào tháng 3. Lần gần đây nhất cô gặp gia đình mình là tháng 7/2019. Nhưng với sự bùng phát của Covid-19, kế hoạch về nhà của Gie có thể phải gián đoạn.

Tàu Diamond Princess đậu tại cảng Yokohama, Nhật Bản hôm 16/2. Ảnh: AFP.

Tàu Diamond Princess đậu tại cảng Yokohama, Nhật Bản hôm 16/2. Ảnh: AFP.

Gie làm việc trên tàu khoảng 7 tháng. Cô là bồi bàn của một trong những nhà hàng trên boong tàu. Công việc hàng ngày của cô là nhận đơn đặt hàng và phục vụ khách. Nhưng điều đó đã thay đổi khi con tàu được kiểm dịch vào ngày 5/2, sau khi một hành khách rời tàu dương tính với Covid-19.

Nhà hàng của Gie giảm một nửa lượng khách. Từ một nơi nhộn nhịp, nơi đây yên tĩnh lạ thường. Các nhân viên đều sợ hãi. Trong hai, ba ngày đầu tiên, họ như “phát điên” vì không muốn phục vụ khách do sợ lây nhiễm. Cuối cùng, họ nhận ra đây là một phần của công việc. “Chúng tôi sợ hãi, nhưng chúng tôi phải làm công việc của mình và cố gắng không nghĩ về điều đó”, Gie nói. 

Tuần trước, hãng tàu cho biết sẽ cho thành viên nghỉ hai tháng có lương. Các nhà chức trách Philippines sẽ đưa 500 thuyền viên về nước, nhưng chưa công bố mốc thời gian. Hiện tại, mỗi ngày các thuyền viên đều dành thời gian để liên lạc với gia đình và cập nhật tình hình trên mạng. Trên facebook cá nhân, Gie đếm ngược ngày phải cách ly. Cô cũng tự động viên chính mình: “Tinh thần của chúng tôi vẫn rất cao. Mọi thứ rồi sẽ qua”.

Các thành viên khác đến từ Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Nga và Ukraine. Hành khách mà họ phục vụ đến từ những quốc gia giàu có hơn. Khách du lịch Nhật Bản chiếm phần lớn trong số 2.666 hành khách. Phần còn lại đến từ các nước phương Tây, Australia.

Anh Minh (Theo Time)

Nguồn: Vnexpress.net