Sự khan hiếm hàng hóa và lạm phát khiến ngày “thứ sáu đen tối” trở thành một sự kiện kéo dài cả tháng tại Mỹ. Song nhiều người Việt tại đây chia sẻ vẫn khó thấy cảnh nhộn nhịp.
Walmart hạn chế tập trung đông người trong ngày hội mua sắm “Black Friday” nhằm đảm bảo quy định giãn cách xã hội. Ảnh: Getty. |
Trong nhiều năm, tuần lễ thứ tư của tháng 11 khởi đầu cho mùa lễ hội ở Mỹ, “khai hỏa” cho mùa mua sắm nhộn nhịp nhất năm, với nhiều cửa hàng giảm giá sâu để thu hút khách hàng vào những dịp lễ quan trọng như Lễ Tạ ơn, Giáng sinh và năm mới. Trong nhiều năm, ngày Black Friday được miêu tả bằng hình ảnh người tiêu dùng xếp hàng trước các trung tâm thương mại, đánh nhau để giành giật những món đồ được giảm giá sâu.
Vào năm 2021, theo chia sẻ của nhiều người Việt đang sinh sống tại đây, mùa lễ hội mua sắm năm nay đang có nhiều đổi khác.
“Không khí Black Friday năm nay ảm đạm hơn nhiều so với những năm trước, một phần vì dịch bệnh khiến mọi người đắn đo hơn trong việc mua sắm, dù có đợt giảm giá”, Phương Anh, một du học sinh Việt tại Cao đẳng Cộng đồng Bắc Virginia, Mỹ, chia sẻ với Zing.
“Không còn hào hứng”
Tại Mỹ, nhiều nhãn hàng đã thông báo giảm giá từ những ngày cuối tháng 9, vì lo ngại sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ cản trở việc nhập khẩu hàng hóa từ châu Á trong những tuần trước lễ hội, Reuters đưa tin.
Tuy nhiên, theo Phương Anh, hầu hết mặt hàng không được giảm giá nhiều như các năm trước. Mọi người cũng thờ ơ hơn đối với việc mua sắm dịp lễ hội.
“Vẫn có những người xếp hàng từ sáng sớm để săn đón các mặt hàng giảm giá sâu, nhưng mình thấy số người tham gia ít hơn hẳn so với những năm trước. Gần đây, hàng hóa khan hiếm khiến giá cả tăng cao, nên thực chất mức giảm từ 5-10% cũng không phải là một món hời”, cô cho biết.
Phương Anh chia sẻ thêm: “Chưa kể dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều người, từ đó sinh ra tâm lý chán nản và thờ ơ với việc ‘săn sale’. Còn với bản thân mình, mức lương từ công việc part-time (bán thời gian) cũng giảm đi nhiều nên phải ‘thắt lưng buộc bụng’, không dám mua sắm nhiều nữa”.
Cùng với đó, tâm lý e ngại việc tham gia các sự kiện đông người cũng là nguyên nhân khiến Black Friday không còn là một ngày hội thực sự với người Việt sống tại Mỹ, cô cho biết.
“Số ca mắc mới vẫn đang tăng ở khu vực mình sống (bang Virginia), nên mình thấy những sự kiện đông người rất nguy hiểm. Có lẽ năm nay sẽ khó thấy cảnh mọi người chen chúc, giành giật mua hàng trong các siêu thị”, Phương Anh chia sẻ.
Còn đối với Việt Hùng, 42 tuổi, bang Florida, anh không mấy hào hứng trong dịp mua sắm năm nay. “Có thể là 10-15 năm trước, tôi cùng bạn bè luôn tranh thủ dịp này để mua sắm những món đồ mà bản thân yêu thích, nhưng mấy năm trở lại đây, tôi thấy không thực sự cần thiết phải mua sắm trong ngày này”.
Đặc biệt, anh chia sẻ gia đình mình đang phải “thắt lưng buộc bụng” để chuẩn bị cho dịp lễ cuối năm nên chỉ mua những món đồ cần thiết, chứ không mua chỉ vì giảm giá.
“Năm ngoái, tôi đã mua khá nhiều đồ gia dụng cho ngôi nhà của mình, vậy nên, năm nay, tôi cũng không cảm thấy cần thiết phải mua chỉ vì giảm giá. Nhiều nhãn hàng còn giảm giá quanh năm, vậy nên, tôi có thể mua bất cứ khi nào có nhu cầu”, anh Hùng cho biết.
Lựa chọn “săn sale” tại nhà
Kể từ khi đại dịch ập đến, việc mua sắm trực tuyến đã trở thành lựa chọn tối ưu cho nhiều người Việt tại Mỹ. Nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng, các nhãn hàng cũng tập trung vào sự kiện giảm giá trực tuyến để thu hút người mua.
“Mình và bạn bè đều có thói quen mua sắm trực tuyến nhiều hơn trong mùa dịch. Dù không cảm nhận được không khí sôi động như khi mua sắm trực tiếp, các sản phẩm trên website cũng có mức giảm tương tự tại cửa hàng, mà còn tiện lợi và an toàn hơn”, Phương Anh chia sẻ với Zing.
Tuy nhiên, điều cô lo ngại là thời gian giao hàng có thể chậm hơn, do nhu cầu tăng cao trong ngày hội mua sắm cũng như ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cùng nỗi lo với Phương Anh, Khánh Kim, 21 tuổi, sống tại San Francisco, chia sẻ cô chủ yếu sẽ mua sắm trực tuyến trong ngày hội này.
“Tuy tình hình dịch tại San Francisco vẫn ổn định, nhiều bang khác của Mỹ lại chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số ca mắc. Vì vậy, tôi nghĩ rằng mua sắm trực tuyến sẽ là sự lựa chọn hợp lý”, cô cho biết.
Khánh Kim tại thành phố San Francisco, Mỹ. Ảnh: NVCC. |
Đối với việc mua sắm trực tuyến dịp Black Friday, Khánh Kim cũng có một vài lo ngại nhất định. Cô cho biết quá trình vận chuyển, hoàn tiền hay đổi hàng có thể sẽ diễn ra chậm hơn, do nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao trong mùa dịch.
Việc thực hiện số lượng lớn các đơn đặt hàng trực tuyến trong dịp lễ hội dường như đang gây áp lực đối với những nhân viên làm việc trong các chuỗi cung ứng.
Theo Reuters, nhiều nhân viên tại Publicis Sapient đang phải làm việc gấp đôi thời gian. Các công ty như JC Penney hay Macy cũng có kế hoạch tuyển dụng để đảm bảo tiến độ giao hàng cho dịp lễ hội sắp tới.
Mặc dù có nhiều hạn chế, Black Friday vẫn là cơ hội không thể bỏ lỡ với những người yêu thích mua sắm.
Theo ghi nhận của Khánh Kim, nhiều nhãn hãng đã bắt đầu tung ra các khuyến mãi từ giữa tháng 10 để thúc giục khách hàng đến mua sản phẩm cho dịp cuối năm.
Black Friday luôn là ngày mua sắm được chờ đợi của người Mỹ. Ảnh: AP. |
Đã trải qua 3 mùa Black Friday trên đất Mỹ, Khánh Kim cho biết mỗi lần lễ hội mua sắm cận kề, cô luôn rất hào hứng. “Tôi đã sẵn sàng mua những sản phẩm mà bản thân mơ ước từ lâu trong mùa Black Friday này”.
Những món đồ gia dụng của các thương hiệu như Best Buy, Bed Bath & Beyond, Etsy,… năm nay giảm khá nhiều, có nơi giảm đến 50%. Vì vậy, Khánh Kim cho biết “nhất định sẽ mang chúng về ngôi nhà của mình trong dịp Black Friday năm nay”.
Bên cạnh đó, những món đồ như quần áo, mỹ phẩm chắc chắn vẫn sẽ nằm trong giỏ hàng của cô, giống như những năm trước.
Ngoài ra, Khánh Kim cho biết nhiều người Việt cũng mong muốn tranh thủ cơ hội giảm giá để mua sắm, chuẩn bị cho dịp Giáng sinh và năm mới.
Nguồn: News.zing.vn