Nhật Bản có một nền văn hóa đặc sắc với những quy tắc rất nghiêm ngặt. Mạng lưới các quy tắc và truyền thống xã hội phức tạp này có thể gây choáng cho những người đi lần đầu du lịch đến Nhật Bản.
Đây là một số điều người nước ngoài cảm thấy sốc nhất khi đến thăm đất nước này.
Tránh đụng tới số 4 bằng mọi giá
Ở Nhật, số “4” bị tránh vì nó nghe rất giống với từ chết. Tương tự như số 13 trong văn hóa phương Tây, số 4 được cho là cực kỳ đen đủi và càng ít được sử dụng càng tốt. Bạn phải luôn tránh tặng bất kỳ ai thứ gì đó tương đương số 4 vì nó có thể được coi là một món quà rất đáng ngại. Trong thang máy ở Nhật thường thiếu tầng thứ 4 và trong một số trường hợp, chúng cũng không có tầng 40 đến 49. Số 49 đặc biệt không may mắn, vì nó nghe tương tự với cụm từ có nghĩa là “đau đớn cho đến chết.” Việc cố gắng tránh số 4 rất phổ biến ở nhiều khu vực Đông Á và Đông Nam Á, thậm chí có 1 từ riêng chỉ việc này là “Tetraphobia”.
Xì mũi nơi công cộng bị coi là thô lỗ
Xì mũi nơi công cộng không chỉ là hành vi thô lỗ mà còn gây phản cảm. Thay vào đó, mọi người thường sẽ sụt sịt cho đến khi họ tìm thấy một nơi nào đó riêng tư. Nếu buộc phải xì mũi, bạn nên làm như vậy càng kín đáo càng tốt.
Tiền boa có thể được coi là sự xúc phạm
Tiền boa được coi là thô lỗ và thậm chí là hạ thấp người phục vụ. Tiền boa thường sẽ gây ra sự nhầm lẫn và nhiều người sẽ đuổi theo bạn để trả lại tiền. Nếu ai đó đặc biệt hữu ích và bạn cảm thấy muốn khen thưởng thêm cho họ, hãy để lại một món quà nhỏ.
Vừa đi vừa ăn bị xem là luộm thuộm
Mặc dù việc đi bộ và ăn uống thường thuận tiện và được chấp nhận rộng rãi ở nhiều nền văn hóa phương Tây nhưng ở Nhật Bản lại bị coi thường. Nhiều người cũng coi việc ăn ở nơi công cộng hoặc trên tàu là thô lỗ. Chỉ có một vài trường hợp ngoại lệ đối với quy tắc này, bao gồm cả việc bạn có thể ăn một que kem trên đường phố.
Nghề đẩy người vào một toa tàu điện ngầm đông đúc
Oshiya hay “những người đẩy” là người mặc đồng phục, đeo găng tay trắng, đội mũ và làm nghề đẩy mọi người vào những toa tàu điện ngầm đông đúc trong giờ cao điểm. Họ được trả tiền để đảm bảo rằng mọi người đều vào được và không bị kẹt vào cửa.
Mọi người sẽ ngủ trên tàu, tựa đầu vào vai nhau
Nếu ai đó ở Nhật Bản ngủ gục và ngả đầu lên vai bạn, thông thường bạn chỉ cần chịu đựng điều đó. Mọi người có quãng đường đi làm rất xa và làm việc kéo dài hàng giờ đồng hồ, vì vậy nhiều người thường ngủ gật trên tàu.
Có dép riêng để đi trong nhà tắm
Người Nhật thường thay dép khi bước vào nhà, nhà hàng truyền thống, các ngôi đền, và đôi khi là bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật. Về cơ bản, bất cứ khi nào bạn bắt gặp một hàng dép, hãy thay giày và mang chúng vào. Thậm chí còn có dép đi trong nhà vệ sinh riêng và dép cho phòng tắm riêng.
Bạn phải luôn mang quà cho chủ nhà
Ở Nhật Bản, việc được mời đến nhà ai đó là một vinh dự, và nếu được mời, bạn phải luôn mang theo một món quà. Món quà cũng nên được gói một cách tỉ mỉ nhất, đẹp nhất có thể, thường là với những dải ruy băng lạ mắt. Bạn cũng đừng bao giờ từ chối một món quà khi đã được tặng.
Tự rót rượu bia cho bản thân bị coi là thô lỗ
Theo phong tục ở Mỹ (và nhiều nước khác trên thế giới), bạn có thể phục vụ người khác trước khi bạn tự phục vụ mình, nhưng ở Nhật Bản, bạn không bao giờ được phép tự rót cho mình một ly. Nếu bạn đã rót cho người khác, một người khác sẽ rót cho bạn.
Húp mì không chỉ được xem là lịch sự mà nó còn có nghĩa là bạn đã tận hưởng bữa ăn của mình
Húp xì xụp được coi là lịch sự ở Nhật vì nó cho thấy rằng bạn đang thưởng thức món ăn một cách ngon lành. Trên thực tế, nếu bạn ăn quá cảnh vẻ, có thể bị nhầm là bạn muốn không thưởng thức món ăn đó. Húp mì không hoàn toàn vì phép lịch sự mà còn để tránh bị bỏng lưỡi. Súp và mì Nhật Bản thường được phục vụ nóng hổi và húp sẽ giúp làm nguội thức ăn. Tuy nhiên, việc ợ hơi trên bàn ăn vẫn bị coi là thô lỗ.
Ngủ trong khách sạn với căn phòng chỉ bằng cỡ quan tài
Các khách sạn con nhộng được sử dụng làm nơi ở giá rẻ cho những khách chỉ cần có một nơi để ngủ. Chúng được sử dụng thường xuyên nhất bởi các doanh nhân đang làm việc hoặc những người đã tiệc tùng quá muộn và bỏ lỡ chuyến tàu cuối cùng về nhà. Chỗ ngủ là những khoang không lớn hơn quan tài bao nhiêu, và các giường được xếp cạnh và chồng lên nhau. Khái niệm này đã xuất hiện ở Nhật Bản từ những năm 1970, nhưng nó đã bắt đầu lan rộng ra một vài quốc gia khác trên thế giới.
Đây được coi là một giải pháp giá rẻ thay thế cho khách sạn, vì một chiếc giường chỉ có giá 65 USD một đêm (khoảng 1.5 triệu đồng), nhưng nó nên tránh đối với những ai mắc chứng sợ không gian kín, hẹp.
Nguồn: https://baogiaothong.vn/nhung-quy-tac-tai-nhat-ban-gay-soc-cho-du-khach-nuoc-ngoai-d475143.htmlNguồn: https://baogiaothong.vn/nhung-quy-tac-tai-nhat-ban-gay-soc-cho-du-khach-nuoc-ngoai-d475143.html
Nguồn: 24H.COM.VN