Thị trường tiền mã hóa phát triển nhanh, thu hút nhiều nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, vì chưa có kinh nghiệm, người dùng dễ mất tiền vì những vấn đề cơ bản.
Khi giá của những đồng tiền mã hóa liên tục tăng, lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường ngày càng đông đảo. Thống kê của Finder cho thấy Việt Nam dẫn đầu trong danh sách các quốc gia có tỷ lệ người nắm giữ tiền số cao nhất. Theo đó, 40% những người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết có sở hữu hoặc từng mua tiền mã hóa.
Tuy nhiên, vì mới tham gia thị trường, chưa có kỹ năng tài chính, công nghệ, nhiều nhà đầu tư bị thất thoát tài sản khi giao dịch tiền số.
Tham gia khi chưa đủ kiến thức tài chính, đầu tư
Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cấp cao về tài chính và kế toán tại Đại học Bristol (Anh) đánh giá người mới tham gia thị trường tiền mã hóa cần hiểu rõ liệu bản thân có thích hợp hình thức đầu tư này hay không, và tự trang bị kiến thức cho mình.
Chia sẻ với Zing, ông Tuấn cho rằng giống như mọi thị trường khác, tiền mã hóa cũng có rủi ro và cơ hội. Những rủi ro trong thời gian tới có thể kể đến việc thị trường đã tăng mạnh, các tin tức tích cực đang dần qua đi. Nhiều dự án có thể trì hoãn thông tin mới cho năm sau, và các chính phủ cũng đang siết chặt hoạt động trong lĩnh vực này.
Tiền mã hóa, NFT game, hay bất kỳ thị trường nào, không phải cứ lao vào là kiếm được tiền, phải bỏ công sức và thời gian tìm hiểu kỹ
Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cấp cao Đại học Bristol (Anh)
Ở chiều ngược lại, vẫn có nhiều cơ hội trong thị trường, như những đợt IDO tiềm năng đã lên kế hoạch từ trước.
“Mọi thị trường đều có rủi ro và cơ hội, quan trọng là bạn hiểu rõ chúng. Nhà đầu tư phải tự ‘làm bài tập’ để tìm ra các cơ hội đó. Thị trường tiền mã hóa là phải tự học từ cộng đồng, tìm hiểu các white paper, hiểu thêm về công nghệ”, ông Tuấn chia sẻ.
Vì chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về tài chính, nhà đầu tư mới dễ rơi vào tình trạng FOMO (Fear Of Missing Out, hội chứng tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội). Tâm lý này sẽ khiến nhà đầu tư mua ngay các loại tiền mã hóa, bất kể giá đang ở mức cao.
Tâm lý FOMO khiến nhà đầu tư mới thua lỗ. |
Chia sẻ với Zing, ông N.T.Trí (nhà đầu tư tiền số ngụ TP.HCM) cho biết bản thân tham gia thị trường vào thời điểm Bitcoin lập đỉnh. Vì sợ bỏ lỡ, ông Trí chọn mua các đồng altcoin để có mức lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên sau đó thị trường đi xuống, tài khoản của nhà đầu tư này giảm đến 300%.
Ông Tuấn cho rằng việc hiểu rõ khẩu vị rủi ro, nguồn vốn, kiến thức của bản thân đối với nhà đầu tư là rất quan trọng. Biết rõ mình là ai, nhà đầu tư có thể tránh được tâm lý FOMO.
“Không nên đầu tư chỉ vì bạn bè đầu tư, và càng không nên so sánh rằng người kia kiếm được 10 lần, 20 lần mà mình kiếm được ít. Mỗi người có khẩu vị rủi ro và sản phẩm riêng của mình”, ông Tuấn nhận xét.
Theo TS. Hồ Quốc Tuấn, để kiếm được tiền trong thị trường này cần dành nhiều thời gian, công sức, chứ không đơn giản nhìn bạn bè đầu tư rồi làm theo.
“Thị trường tiền mã hóa, NFT game, hay bất kỳ thị trường nào, không phải cứ lao vào là kiếm được tiền. Đầu tư muốn kiếm được tiền phải bỏ công sức và thời gian vào tìm hiểu kỹ”, ông Tuấn kết luận.
Chưa rành thao tác kỹ thuật cơ bản
Theo ông Trần Dinh, CEO công ty tư vấn và đầu tư lĩnh vực tiền mã hóa Alpha True, rào cản về kỹ thuật là một trong những thách thức đầu tiên khi tham gia thị trường. “Hiểu biết công nghệ chính là yêu cầu đầu tiên với nhà đầu tư, bởi họ phải học cách tạo ví, cách trao đổi tiền, và hiểu cả về blockchain. Đó là những cái cơ bản cần biết”, ông Dinh chia sẻ.
Hiểu biết công nghệ chính là yêu cầu đầu tiên với nhà đầu tư, bởi họ phải học cách tạo ví, cách trao đổi tiền, và hiểu cả về blockchain
Trần Dinh, CEO công ty tư vấn và đầu tư lĩnh vực tiền mã hóa Alpha True
Việc giao dịch trên nền tảng blockchain yêu cầu sự chính xác và bảo mật cao. Một thao tác sai có thể dẫn đến thất thoát số tiền lớn. Với nhà đầu tư mới tham gia thị trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, việc thực hiện sai rất dễ xảy ra. Các vấn đề kỹ thuật người dùng mới thường gặp phải là chuyển tiền sai blockchain, hay để lộ mã bảo mật khôi phục ví.
Ngày 23/11, nhà đầu tư L.Đ.Tây (ngụ thành phố Hà Nội) đăng bài trong nhóm Coin98 Insight cho biết bản thân chuyển nhầm số token GALA trị giá 60.000 USD vào mã hợp đồng thông minh thay vì địa chỉ ví của dự án. Hiện số tiền này vẫn chưa thể lấy lại.
Bên cạnh đó, việc lưu trữ cẩn thận mã bảo mật khôi phục ví điện tử là một thao tác kỹ thuật rất quan trọng với người tham gia thị trường tiền số. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư mới bỏ qua các khuyến nghị bảo vệ mật mã này, tạo điều kiện cho hacker tiếp cận, đánh cắp tài sản trong ví.
Chuyển sai địa chỉ khiến nhiều nhà đầu tư mất tiền. Ảnh: Business Insider. |
Ngày 19/11, người dùng có tên H.L.P.Thảo, ngụ tại thành phố Hà Nội chia sẻ việc mình bị mất nhiều vật phẩm NFT lưu trữ trong ví tiền số dù không thực hiện giao dịch. Theo ông Anh Huy, chuyên gia hỗ trợ trường hợp của bà Thảo, nhà đầu tư này đã để lộ mật mã khôi phục ví vì lưu trữ trong email cá nhân.
Theo khuyến nghị từ nhà phát hành ví tiền số, phần mật mã này cần được ghi ra giấy và lưu trữ cẩn thận, không được chia sẻ cho bất kỳ ai. CNBC khuyên người dùng có thể sử dụng các công cụ như 1Password hay Lastpass để giữ mã khôi phục.
Lơ là về bảo mật
Nhà đầu tư trong nước hay tìm những token mới, giá trị thấp để đầu tư với hy vọng thu lời lớn. Tuy nhiên, các loại tiền số này thường chưa được niêm yết trên sàn tập trung như Binance hay Kucoin. Khi giao dịch trên sàn phi tập trung, không uy tín, nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều nguy cơ bảo mật, mất cắp tài sản.
Ngày 18/11, nhà đầu tư N.Nam cho biết bản thân bị kẻ gian chiếm đoạt số tài sản trị giá khoảng 350 triệu đồng trong ví Metamask. Người này nghi ngờ việc mình từng tham gia IDO (mở bán lần đầu trên sàn phi tập trung) một số loại tiền mã hóa đã tạo điều kiện cho hacker xâm nhập, chiếm quyền ví điện tử.
Người dùng không nên cấp quyền truy cập ví cho các sàn phi tập trung. |
Ngoài mời tham gia IDO, việc gửi một lượng token không thể quy đổi, buộc người dùng liên kết với sàn giao dịch phi tập trung cũng là một chiêu bài khác được hacker sử dụng. Khi người dùng nhấn liên kết, kẻ gian có thể tương tác với toàn bộ tài sản trong ví.
Nên dùng hai điện thoại, cho hai ví tiền số khác nhau nhằm giảm thiểu nguy cơ khi giao dịch trên sàn phi tập trung
Huy Phan, Quản trị viên cộng đồng Crypto cơ bản cho người mới
Theo ông Phan Huy, Quản trị viên cộng đồng Crypto cơ bản cho người mới, nhà đầu tư mới nên bắt đầu với các sàn tập trung. Trên sàn phi tập trung, người dùng chỉ tham gia với số vốn nhỏ, làm quen với cách vận hành, hoạt động của nền tảng và ví tiền số.
Ngoài ra, nhà đầu tư nên sử dụng hai điện thoại cho hai ví tiền số khác nhau. Trong đó, một ví chứa ít tài sản, dùng để giao dịch ở các sàn phi tập trung, giảm thiểu nguy cơ mất tiền.
Theo CNBC, các sàn phi tập trung không có tác nhân quản lý tài sản nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị tin tặc tấn công. Bên cạnh đó, hacker có thể khai thác lỗ hổng trong giao thức nền tảng để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư. Ngoài ra, sau khi thực hiện giao dịch, người dùng nên nhanh chóng hủy quyền truy cập của nền tảng đến ví.
Nguồn: News.zing.vn