Khi thử sức với hoạt động mới trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều bạn trẻ đã gặp phải kết quả bất ngờ và hài hước, để lại những trải nghiệm “nhớ đời”.
Những ngày ở nhà tránh dịch là thời điểm tuyệt vời để các bạn trẻ thử sức với nhiều hoạt động thú vị. Có người tự tìm tòi nấu ăn theo công thức trên mạng trong khi một số khác thì tập tô tranh, chụp ảnh, cắt tóc…
Điều này cũng bắt nguồn cho những sự cố hài hước với kết quả không như ý muốn. Nhiều người cho biết nhờ vậy, họ có thêm kỷ niệm “nhớ đời” và xua tan cảm giác buồn chán khi ở nhà.
Zing trò chuyện với 5 bạn trẻ đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, Hà Nội và Quảng Nam để ghi lại những trải nghiệm của họ với các hoạt động trong thời gian nghỉ dịch.
Nguyễn Quốc Vương (22 tuổi, sống tại huyện Củ Chi, TP.HCM)
Hơn 2 tháng work from home, tôi thèm đủ các loại đồ ăn vặt, từ bánh tráng trộn, trà dâu, đến những ly cà phê thơm lừng ở quán quen. Trong số đó, tôi nhớ nhất là món cà phê trứng thường hay gọi mỗi khi ngồi làm việc ở quận 1.
Thời gian nghỉ ở nhà là cơ hội hoàn hảo để tôi khám phá căn bếp của mẹ. Nghĩ là làm, tôi bắt tay vào việc tìm nguyên liệu và công thức trên mạng. Vì nhà không có sẵn máy đánh trứng, tôi tự làm thủ công. Tất nhiên là quá trình sẽ lâu hơn bình thường và cực kỳ mỏi tay.
Cứ đánh 5 phút thì tôi nghỉ một lúc, mất khoảng nửa tiếng mới hoàn thành ly cà phê trứng.
Quốc Vương tự làm cà phê trứng tại nhà. |
Nhìn thành quả thì không được đẹp mắt lắm, khác xa so với tưởng tượng của tôi.
Vị cũng tạm nhưng do đánh chưa tới nên trứng còn hơi tanh.
Ly nước không như mong đợi còn căn bếp thì lại quá lộn xộn sau một hồi bày trò.
Tuy nhiên, tôi cũng thấy vui vì có chút khác lạ trong thời kỳ giãn cách.
Không chỉ tôi mà khá nhiều bạn bè xung quanh cũng tập tành nấu ăn, pha thức uống mới khi ở nhà.
Tôi dự định thử thêm vài món nữa để xua tan cảm giác buồn chán vì nghỉ dịch quá lâu.
Đó cũng là cách giúp tôi lấy lại tinh thần mỗi khi bị “tụt mood” lúc work from home.
Tô Hoàng Minh Thy (23 tuổi, sống tại quận 3, TP.HCM)
Gần 3 tháng nay, tôi không được tỉa gọn tóc tai vì TP.HCM tạm dừng một số hoạt động kinh doanh không thiết yếu.
Trước đây, tôi vốn thích kiểu tóc gọn gàng, luôn cắt ngắn trên nửa cổ cho mát mẻ.
Lên mạng lướt nhìn một số mẫu unisex, tôi cũng muốn “xuống tóc” với hy vọng được “cool ngầu” như người ta.
Không nghĩ ngợi nhiều, tôi tìm ngay một số dụng cụ như kéo cắt giấy, kẹp to, lược, gương để “giải phóng” cho mái tóc của mình.
Đầu tiên, tôi cắt cho đến chiều dài ưng ý rồi sau đó tạo kiểu bằng nhiều đường ngang dọc khác nhau. Thú thật là vừa cầm kéo vừa cầm gương để chỉnh khiến quá trình trở nên khó khăn hơn và đôi lần tôi lỡ cắt quá tay.
Khi hoàn thành việc tỉa tót, tôi tự chấm 10 điểm cho sự thoải mái của kiểu đầu mới.
Tuy nhiên, mẹ với nhỏ em gái đều bật cười trước mái tóc của tôi
Sau khi hết dịch, tôi nhất định phải ra tiệm nhờ chỉnh lại một chút rồi mới đi làm được. Lần đầu tiên tự cắt tóc tại nhà, tôi đã có một kỷ niệm “để đời”, vừa tạo niềm vui cho bản thân, vừa mang lại tiếng cười cho gia đình.
Minh Thy tự cắt tóc sau thời gian nghỉ ở nhà quá lâu. |
Ngọc Châu (19 tuổi, sống tại Quảng Nam)
Đầu tháng 8, tôi biết đến trend chụp ảnh với bồn rửa mặt khá nghệ thuật nên rủ em gái làm “chuột bạch” cho lần đầu thử sức. Nghe vậy, em cũng hào hứng tham gia vì muốn có ảnh đẹp khoe trên mạng xã hội.
Quá trình chuẩn bị và thực hiện không tốn quá nhiều thời gian, lâu nhất là ở công đoạn makeup. Tôi đổ đầy nước vào một chiếc chậu màu xanh rồi bảo em gái tạo dáng bên cạnh.
Bức ảnh truyền cảm hứng cho Ngọc Châu thực hiện bộ ảnh với em gái. |
Ban đầu, tôi cũng muốn chụp một bộ ảnh thật lung linh. Nhưng khi em gái tạo dáng, tôi lại thích trêu bé hơn nên cố tình “dìm hàng”. Buổi chụp ảnh kết thúc, tôi rất vui vẻ, mãn nguyện, còn em gái tôi thì giận dỗi mấy ngày liền.
Tôi đăng bộ ảnh này lên một nhóm khá đông thành viên trên mạng thì nhận được “chuỗi haha” và bình luận dí dỏm của mọi người. Tôi cũng đưa cho mẹ và chị xem, cả hai đều không nhịn nổi cười.
Thật ra, tôi vẫn khá “tham vọng” thực hiện một bộ ảnh nghệ thuật nghiêm túc, nhưng sau khi gửi những tấm hình chụp em gái cho bạn bè, không ai muốn làm mẫu cho tôi nữa. Có lẽ khi nào xuất hiện trend mới tôi sẽ thử tiếp.
Thành quả sau buổi chụp của Ngọc Châu và em gái. |
Thảo Vân (20 tuổi, sống tại Hà Nội)
Ở nhà nhiều ngày liền vì giãn cách trong khi đang được nghỉ hè, tôi muốn tìm việc làm để giải trí cũng như khiến bản thân năng suất hơn.
Dạo này, thấy mọi người hay khoe tranh số hóa tô rất đẹp trên mạng xã hội, tôi tò mò đặt một bộ về nhà tô thử. Việc này vừa giúp thư giãn vừa tiện có tranh đẹp treo trong phòng. Hơn nữa, tôi nghe nói tranh số hóa không khó tô vì đã được định sẵn chỗ nào cần màu gì.
Đến khi tập tành “làm họa sĩ”, tôi nhận ra nghệ thuật đều cần tài năng và sự kiên nhẫn, chứ không phải cứ làm theo chỉ dẫn là sẽ thành công. Tôi không quen tô màu nước nên tranh chỗ đậm, chỗ nhạt, lại bị chờm ra các mảng lẫn lộn. Mẹ tôi còn bảo tranh này có cho cũng không treo.
Dù sao, đây cũng làm một trải nghiệm thú vị và thư giãn, nhưng vì tô tranh khá tốn thời gian, lại sắp vào năm học mới nên tôi không có ý định mua thêm.
Khi nào hết dịch, tôi mong nhất là được nói chuyện trực tiếp với mọi người xung quanh thay vì qua màn hình điện thoại. Ở nhà lâu thế này, tôi mới thấm thía con người cần giao tiếp, hòa nhập cộng đồng nhường nào.
Bức tranh mẫu và thành quả tô màu dang dở của Thảo Vân. |
Phương Linh (19 tuổi, sống tại Hà Nội)
Để thay đổi không khí sau thời gian dài ở nhà không biết làm gì ngoài vài công việc cá nhân, tôi tập tành làm bánh ngọt.
Mỗi buổi làm bánh của tôi đều diễn ra trong một đống lộn xộn, từ khi chuẩn bị đến lúc bánh ra lò. Bao nhiêu bột, trứng, sữa được tôi bày khắp bếp. Sau nhiều giờ hì hục, những chiếc bánh tôi làm có vị khá ổn nhưng hơi méo mó.
Vì bày bừa trong bếp, tôi bị mẹ cằn nhằn khá nhiều. Nhưng thật vui vì lúc ăn, mẹ vẫn khen món bánh của tôi.
Dù thành quả không đẹp mắt nhưng việc làm bánh đã cho trong tôi cảm giác mới mẻ trong thời gian giãn cách này. Khi hết dịch, có lẽ tôi sẽ đi học làm bánh chuyên nghiệp.
Nguồn: News.zing.vn