Những thách thức của TP.HCM trong năm 2022

0
Những thách thức của TP.HCM trong năm 2022

Dịch bệnh kéo dài, kinh tế giảm sâu, giải ngân đầu tư công chậm và nguồn vốn hạn hẹp là những thách thức với TP.HCM trong năm 2022 và những năm còn lại của nhiệm kỳ này.

phuc hoi kinh te TP.HCM anh 1

Quyết tâm chính trị của TP.HCM là lấy lại vị trí đầu tàu kinh tế của khu vực phía nam và cả nước khi mà tăng trưởng năm 2021 ước giảm tới -6,78%. Tuy nhiên, 4 phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND TP.HCM khóa X vừa qua cơ bản phác họa một bức tranh đầy thách thức mà TP.HCM phải đối mặt trong năm 2022.

“Có thể nói việc đưa tốc độ tăng trưởng từ âm 6,78% lên 6-6,5% sau một năm là nhiệm vụ rất khó khăn”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận thực tế.

Bên cạnh những khó khăn đã nêu, bức tranh kinh tế của TP.HCM trong năm 2022 và những năm còn lại của nhiệm kỳ này cũng có những điểm sáng để thành phố có thể phát triển, bứt phá.

Bất cập y tế cơ sở

TP.HCM vẫn đang ở giai đoạn dịch, có giai đoạn tạm kiểm soát nhưng vẫn đáng lo ngại khi số ca mắc, ca nặng và tử vong tăng. Ngoài những giải pháp phòng chống dịch TP.HCM đã và đang làm, một vấn đề cấp thiết được nhiều đại biểu HĐND chỉ ra đó là phải sớm cải thiện y tế cơ sở, cả về lực lượng và cơ sở vật chất.

Bức xúc lớn nhất hiện nay là bất chấp sự chênh lệch dân số giữa các phường, xã, thị trấn, số định biên cho nhân viên trạm y tế không khác nhau. Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, lấy ví dụ một phường ở quận 3 khoảng 20.000 dân có biên chế tương tự phường 140.000 dân ở quận Bình Tân với từ 5 đến 10 nhân viên y tế/trạm.

Đây là vấn đề tồn tại hàng chục năm nay. Về lâu dài, thành phố mong Quốc hội xem xét, điều chỉnh lại để trạm y tế không phân theo hành chính mà theo dân số, lý tưởng là 10.000 dân/trạm y tế.

Trước mắt, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM kiến nghị tăng gấp đôi số nhân viên y tế hiện hữu lên từ 10 đến 20 người/trạmy tế. Trong số này, ngoài bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ, y sĩ như hiện nay, cần có thêm cần hộ lý, bảo vệ, cử nhân y tế công cộng. Sở Y tế tính toán nhu cầu định biên của TP.HCM là 4.126 biên chế, tăng hơn 1.800 so với hiện nay.

phuc hoi kinh te TP.HCM anh 2

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông báo tin vui rằng trong buổi làm việc mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã thống nhất chủ trương đẩy nhanh việc triển khai thí điểm tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số. Trước mắt, các trạm y tế lưu động sẽ chung sức cùng trạm y tế cơ hữu đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Theo ông Phan Văn Mãi, vấn đề xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị cũng cần được quan tâm bởi đây là nhu cầu chính đáng. Thời gian tới, thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực để thay đổi vấn đề này.

Như vậy, lời giải cho sự quá tải của trạm y tế xã, phường hiện đã có và chỉ chờ được thực hiện hóa. Khó khăn tiếp theo của TP.HCM là phải giải quyết những dự án đầu tư công bị tồn đọng từ năm 2021 do bối cảnh dịch bệnh, không thể triển khai.

Đầu tư công – nhu cầu quá lớn, khả năng hạn hẹp

Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, gia tăng khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây đang là thách thức lớn của TP.HCM.

Tính đến ngày 26/11, TP.HCM đã giải ngân được 40% tổng kế hoạch vốn đầu tư công được giao (gồm cả dự án ODA) của năm 2021. Con số rất khiêm tốn so với chỉ tiêu 95%. Trong khi tỷ lệ giải ngân năm nay thấp, tình hình đầu tư công của TP.HCM từ nay đến hết nhiệm kỳ được Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai tóm gọn: “Nhu cầu quá lớn, khả năng hạn hẹp”.

Thực tế, nguồn vốn đầu tư trung hạn cho các dự án của TP.HCM đang rất thiếu. Chỉ tính riêng dự án chuyển tiếp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, có tới 4.200 dự án với tổng số vốn gần 180.000 tỷ đồng. Trong khi đó, toàn bộ vốn trung hạn Trung ương giao thành phố giai đoạn này là 142.000 tỷ đồng.

phuc hoi kinh te TP.HCM anh 3

Dự án nút giao Mỹ Thủy là một trong những công trình giao thông chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm của TP.HCM. Ảnh: Lê Quân.

Trước tình hình đó, kỳ trung hạn vừa qua, thành phố bố trí khoảng 121.000 tỷ đồng cho các dự án chuyển tiếp, còn 21.000 tỷ đồng dành để dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn. 173 dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, chậm triển khai hoặc gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cũng được điều chỉnh giảm tổng cộng hơn 6.444 tỷ đồng đã giao.

Dù vậy, nhu cầu vốn của các dự án vẫn rất cao, nhiều dự án cấp bách, TP.HCM buộc phải “liệu cơm gắp mắm”, lựa chọn những ưu tiên phù hợp để bố trí vốn sao cho vừa phát triển được hạ tầng đô thị, vừa kích thích kinh tế đi lên.

Dù đối mặt nhiều khó khăn, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vẫn tin tưởng kinh tế thành phố hoàn toàn có thể phục hồi theo hình chữ V.

Các tính toán cũng cho thấy mục tiêu tăng trưởng GRDP 6-6,5% là khả thi. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế của TP.HCM năm 2022 là 6,5%, dự báo khoảng là 5,94%-7,06%. Ba kịch bản dự báo của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cũng cho thấy con số này nằm trong khả năng của thành phố.

phuc hoi kinh te TP.HCM anh 4

Để thực hiện mục tiêu này, nhiều giải pháp đã được đặt ra như cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; triển khai chiến lược phát triển kinh tế trên từng lĩnh vực…

Tuy nhiên, để những giải pháp này thật sự hiệu quả, một mô hình quản trị đồng nhất từ trên xuống dưới là rất cần thiết cho người dân, doanh nghiệp và chính các cán bộ làm nhiệm vụ.

Quy hoạch chồng chéo

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết dự án Rạch Xuyên Tâm lại đang lâm vào tình trạng bế tắc về vốn và đang chờ Trung ương phân bổ ngân sách.

Đây là dự án được lãnh đạo thành phố “quan tâm”, đưa vào danh mục đầu tư. Thế nhưng, người dân nơi đây đã trải qua hơn 19 năm mòn mỏi chờ đợi. Dự án đội vốn hơn 75 lần, nay là 9.300 tỷ đồng và vẫn chưa rõ ngày khởi công.

Ở TP.HCM, những dự án có số phận “long đong” như rạch Xuyên Tâm không ít.

phuc hoi kinh te TP.HCM anh 5

Huyện Hóc Môn là một trong những địa phương được quy hoạch lên quận hoặc thành phố trong tương lai. Ảnh: Quỳnh Danh.

Khi nói đến công tác quản lý Nhà nước về quyền và giá trị sử dụng đất, Bí thư huyện Hóc Môn Trần Văn Khuyên phải thốt lên rằng: “Chính quyền vì dân, do dân mà nhiều lúc không giải quyết được cho dân, dân khiếu nại không biết trả lời thế nào”.

Ông kể Hóc Môn có những khu vực đất đang phải gánh đến 4 lớp quy hoạch, tháo lớp này lại vướng lớp kia. “Vướng chồng vướng nên đâu phát triển được. Có đất cũng không có nhà, có giấy tờ sổ sách mà cũng không sang nhượng, mua bán, chuyển quyền được”, vị bí thư huyện kể.

Nguyên nhân từ sự chồng chéo về quy hoạch như quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đất ở… Bên cạnh đó, các khu quy hoạch “treo” như khu quy hoạch Khánh Long, khu quy hoạch dân cư Thanh niên xung phong… cũng khiến người dân có sổ đỏ mà xin cất nhà không được, giao dịch không xong.

“Có tối, tôi đứng ở ngay Nhị Bình, nhìn sang Bình Dương, thấy đèn người ta sáng rực. Lẽ ra huyện Hóc Môn cũng phải được như vậy”, ông Khuyên trăn trở.

Nhận thức rõ vấn đề trong công tác quản trị, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhận định TP.HCM hiện có 3 giải pháp cần đặc biệt quan tâm. Đó là quản trị thành phố trong tình hình mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị thành phố; và từ đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng thành phố trong tương lai.

“Chặng đường phục hồi kinh tế sẽ còn gặp nhiều trở ngại nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ, với tầm nhìn dài hạn và triển khai linh hoạt, kịp thời, phù hợp trong thời gian tới”, ông Mãi nhìn nhận vấn đề.

Nguồn: News.zing.vn