Ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc chọn lối sống ẩn dật, quay lưng với xã hội vì không thể tìm được việc làm trong thị trường lao động siêu cạnh tranh.
Kim Jae-woo (27 tuổi), người tốt nghiệp một trường đại học bên ngoài Seoul, đã nộp đơn xin việc tại hơn 150 công ty. Nhưng chỉ có 15 công ty gọi anh đến phỏng vấn, theo Chosun Ilbo.
Ban đầu, Kim muốn tìm các vị trí cố định với mức lương từ 30 triệu won/năm. Nhưng vì quá tuyệt vọng, cuối cùng, anh nộp đơn cho cả những công việc hợp đồng chỉ trả chưa đến 2.000 won/giờ.
Kim đã cắt đứt liên lạc với bạn bè khi mọi nỗ lực tìm việc đều thất bại. “Bạn bè hỏi tôi đang làm gì, tôi không biết trả lời họ như thế nào và cuối cùng trở thành một người sống ẩn dật”, anh nói.
Kim thường chơi game hơn 6 giờ/ngày. Sau khi xem xong các trang web tìm việc và đánh giá sơ yếu lý lịch, anh dành thời gian còn lại trong ngày để xem TV, lướt mạng hoặc loay hoay với điện thoại di động của mình.
“Tôi cảm thấy bản thân vô dụng trong xã hội này. Giai đoạn tối tăm dường như không có hồi kết”.
Thanh niên Hàn Quốc buông bỏ cố gắng, chọn sống tách biệt. Ảnh: Tim Franco. |
Nửa triệu thanh niên sống ẩn dật
Ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc sống ẩn dật vì cảm thấy không thể đáp ứng được kỳ vọng cao của xã hội.
Hiện tượng này bắt nguồn ở Nhật Bản vào những năm 1990 với tên gọi “hikikomori”.
Những người sống ẩn dật thường cắt đứt mọi liên lạc với bạn bè, sau khi không tìm được công việc danh giá hoặc không đáp ứng được những kỳ vọng khác mà xã hội cạnh tranh cao yêu cầu.
Theo một nghiên cứu của Viện Seoul, 2,9% người Hàn Quốc 18-34 tuổi đang sống ẩn dật. Những người này chỉ rời khỏi nhà để đến cửa hàng tiện lợi, thời gian còn lại tự nhốt mình trong 4 bức tường với các thiết bị điện tử.
Nửa triệu thanh niên Hàn Quốc tự nhốt mình trong nhà. Ảnh: Chosun Ilbo. |
Cứ 100 thanh niên Hàn Quốc thì có 3 người đang rơi vào tình cảnh này. Và 32% trong số đó được cho là đã sống ẩn dật trong hơn 3 năm.
Nghiên cứu cho thấy 41,6% thanh niên sống ẩn dật đã không tiếp xúc với thế giới bên ngoài do không có khả năng tìm việc làm, trong khi 17,7% gặp khó khăn khi tương tác với người khác.
Một nghiên cứu khác vào năm ngoái của Viện Chính sách Thanh niên Quốc gia cho thấy số lượng hikikomori thậm chí còn cao hơn, chiếm khoảng 4,7% thanh niên Hàn Quốc.
Xứ kim chi có khoảng 10,89 triệu người trong độ tuổi 18-34. Như vậy, đất nước này đang có khoảng nửa triệu người trẻ lựa chọn quay lưng với xã hội.
Không còn cơ hội
Minoru Ohkusa, giám sát tại văn phòng Hàn Quốc của K2 International, một nhóm chuyên hỗ trợ hikikomori của Nhật Bản, cho rằng các xã hội như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản coi trọng năng lực, điều này dẫn đến nỗ lực của mỗi cá nhân để được công nhận.
Nhiều trở thành hikikomori vì cảm giác thất bại, không đạt được kỳ vọng của xã hội. Ảnh: Tim Franco. |
“Nhưng không giống ở Trung Quốc, cơ hội việc làm đã biến mất tại Hàn Quốc và Nhật Bản cùng với suy thoái kinh tế. Ở phương Tây, thanh thiếu niên sống độc lập với cha mẹ và những người không có khả năng tự nuôi mình có thể hưởng phúc lợi, nhưng ở châu Á, nhiều người trẻ vẫn sống với cha mẹ và cuối cùng trở thành những người sống ẩn dật”.
Kim Hye-won, giáo sư tại Đại học Hoseo, nhận định nhiều người trẻ tuổi đang cảm thấy khó khăn khi phải chịu đựng thất bại trong một xã hội cực kỳ cạnh tranh, nơi bất kỳ ai không có công việc hoặc nền tảng học vấn tốt đều bị đối xử như kẻ thất bại.
“Thật khó khăn để tìm việc làm hoặc đạt được mục tiêu cuộc sống. Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy ngày càng nhiều người lui về ở ẩn”.
Một người sống ẩn dật 33 tuổi chỉ tiết lộ họ Kim nói: “Tôi khép mình với thế giới vì không thể đối mặt với những ký ức về thất bại trong quân đội. Thực tế là tôi vẫn sống phụ thuộc vào mẹ ở tuổi này”.
Oh Sang-bin, cố vấn ở Gwangju, cho biết: “Đại dịch Covid-19 và sự gia tăng của các phương tiện truyền thông đã làm cho cuộc sống hikikomori trở nên phổ biến hơn bao giờ hết”.
Nguồn: News.zing.vn