Những thế lực nào đối đầu với Taliban để tranh giành quyền lực?

0
71

Khi Mỹ rút quân, Afghanistan như trở về 20 năm trước khi Taliban lại nắm chính quyền. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại việc các lực lượng sẽ tranh giành quyền lực ở nước này.

Trong những ngày cuối chiến dịch rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan, Taliban giành quyền kiểm soát quốc gia Nam Á này sau chiến thắng chớp nhoáng ở Kabul cách đây 2 tuần. Giờ đây, nhiều nhóm phiến quân như ISIS-K, al-Qaeda và Liên minh phương Bắc cũng trỗi dậy, khiến nhiều quốc gia lo ngại về một cuộc chiến tranh giành quyền lực, theo CNN.

Những nhóm nào đối đầu Taliban?

Vào năm 2020, Taliban kí kết thỏa hiệp với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, hứa hẹn không đối xử hà khắc với phụ nữ Afghanistan như khoảng thời gian 1996-2001. Bên cạnh đó, Taliban cũng phải giám sát hoạt động của nhóm khủng bố như al-Qaeda. Đổi lại, Mỹ sẽ trả tự do cho 5.000 chiến binh bị bắt ở Afghanistan.

Trong số 5.000 chiến binh này, nhiều người là các nhân vật chủ chốt của al-Qaeda, theo ông Douglas London, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ chống khủng bố ở Nam Á và Tây Nam Á giai đoạn 2016-2018.

“Nhiều người trong số đó bị bắt bởi liên quân các nước, trong các chiến dịch được CIA hỗ trợ. Sau đó, họ được chuyển đến Afghanistan để bị kết tội và bỏ tù”, ông London cho biết.

Tranh gianh quyen luc o Afghanistan anh 1

Nhiều người trong số 5.000 chiến binh được thả đã tham chiến và củng cố lực lượng Taliban. Ảnh: AFP.

Trong số 5.000 tù binh được thả ra còn có các chiến binh thuộc tổ chức khủng bố IS. Báo cáo của chính phủ Mỹ vào năm 2021 cho biết nhóm này lợi dụng bất ổn ở Afghanistan để “tấn công các nhóm tôn giáo thiểu số và cơ sở hạ tầng nước này, nhằm gieo rắc nỗi sợ, và chứng minh Taliban không đủ khả năng bảo vệ an ninh quốc gia”.

ISIS-K, một nhánh của IS, đã thực hiện nhiều cuộc tấn công ở thủ đô Kabul kể từ năm 2016. Trong đó, nhóm này đã tấn công nhà tù ở Jalalabad để giải thoát cho hàng chục người bị quân đội và cảnh sát Afghanistan giam giữ.

Mới đây, ISIS-K đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ tấn công thảm khốc vào sân bay quốc tế Hamid Karzai hôm 26/8, khiến hơn 100 người thiệt mạng. ISIS-K có mối quan hệ thù địch với Taliban và đã nhiều lần tấn công lực lượng này.

Về phía chính phủ Afghanistan vừa bị lật đổ, cựu Tổng thống Ashraf Ghani đã đến Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), ngay sau khi thủ đô Kabul bị Taliban kiểm soát. Trong khi đó, Phó tổng thống Amrullah Saleh đã lui về thung lũng Panjshir, thành trì cuối cùng chống lại Taliban.

Các cựu lãnh đạo Afghanistan, như ông Hamid Karzai và ông Abdullah Abdullah, bị Taliban giam giữ tại nhà. Lực lượng này cho biết muốn thành lập một chính phủ Afghanistan đa dạng hơn. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ chính phủ này sẽ hình thành ra sao.

Liên minh phương Bắc cũng là một tổ chức thù địch với Taliban. Cựu thủ lĩnh của tổ chức này Ahmad Shah Massoud bị Taliban ám sát trước khi al-Qaeda thực hiện vụ tấn công ngày 11/9/2001 tại Mỹ. Hiện tại, con trai ông, Ahmad Massoud, đang chỉ huy lực lượng.

Nhiều người hy vọng ông Massoud sẽ hợp tác với cựu Phó tổng thống Saleh tại thung lũng Panjshir để có thể chống lại Taliban.

Tuần trước, ông Massoud gửi lời cầu cứu đến Washington Post, cho rằng Afghanistan sẽ lại trở thành cái nôi của khủng bố và thỉnh cầu sự trợ giúp của các nước phương Tây.

Ông London cho biết: “Ông Ahmad Massoud không giống với cha của mình. Cha ông là một người tuyệt vời. Khi cha ông chiến đấu với Taliban trước ngày 11/9/2001 ở Panjshir, lực lượng của ông đông hơn và hùng mạnh hơn hiện tại”.

Tranh gianh quyen luc o Afghanistan anh 2

Nhiều người hy vọng ông Ahmad Massoud, thủ lĩnh hiện tại của Liên minh phương Bắc, sẽ hợp tác với cựu Phó Tổng thống Saleh. Ảnh: Reuters.

“Lợi thế lớn nhất của thung lũng Panjshir là địa hình khó tiếp cận và được thiên nhiên bảo vệ. Tuy nhiên, lợi thế này cũng có thể là một bất lợi. Thung lũng Panjshir thiếu kết nối với thế giới bên ngoài, vì thế sẽ thiếu nhiều hàng hóa, trong đó bao gồm nhiên liệu đã qua xử lý”, theo ông David Petraeus, cựu giám đốc CIA.

Cái nôi cho khủng bố

Khi được hỏi liệu những cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban trong ba năm qua đã dẫn đến việc các nhóm phiến quân trỗi dậy và cạnh tranh nhau, ông Petraeus khẳng định: “Đúng, ở một số phương diện”.

“Những thỏa thuận đó cho người dân Afghanistan và Taliban biết về ý định rút quân khỏi nước này của Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ như trói tay chính phủ Afghanistan, bằng việc không cho họ tham dự các cuộc đàm phán với Taliban về chính quốc gia họ đang quản lý”, ông nói.

“Theo thỏa thuận của chính quyền Trump với Taliban, Mỹ buộc chính phủ Afghanistan thả 5.000 chiến binh. Nhiều người trong số đó đã nhanh chóng tham chiến và củng cố lực lượng Taliban”, ông Petraeus nói.

Sau khi lính Mỹ rút hoàn toàn, ông London cho biết số phận của những Afghanistan từng hợp tác với phương Tây hoặc làm việc cho chính quyền cũ vẫn còn mờ mịt.

Vị chuyên gia cũng cho rằng các thủ lĩnh Taliban ở từng địa phương sẽ có những phương pháp khác nhau. “Họ sẽ giải quyết mối hận, trả thù những ai đã nhắm vào họ và người thân. Vì thế, tôi nghĩ máu sẽ tiếp tục đổ”, ông London bổ sung.

Hiện vẫn chưa rõ các tổ chức khủng bố có trỗi dậy khắp Afghanistan sau khi Mỹ rút quân hay không. Tuy nhiên, ông Petraeus cho biết Mỹ phải luôn trong tâm thế sẵn sàng đối phó.

Tranh gianh quyen luc o Afghanistan anh 3

Ông Petraeus cho biết Mỹ phải luôn trong tâm thế sẵn sàng để đối phó với các tổ chức khủng bố ở Afghanistan. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

“Mỹ phải luôn cho rằng chiến thắng của Taliban sẽ khiến al-Qaeda, IS, và nhiều tổ chức cực đoan khác dễ dàng thành lập hang ổ ở Afghanistan”, ông nói.

“Các cơ quan tình báo và lực lượng quân sự Mỹ sẽ làm mọi cách có thể để xác định và triệt tiêu các hang ổ khủng bố, bao gồm cả trên mạng, trước khi những tổ chức này có thể đe dọa Mỹ và các nước đồng minh thuộc NATO”, ông bổ sung.

Cảnh hỗn loạn ở Kabul sau khi Mỹ rút quân hoàn toàn Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan vào ngày 30/8, kết thúc 20 năm can dự quân sự ở quốc gia Nam Á.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn